menu search
Đóng menu
Đóng

Tổng hợp các bản tin ngày 22/10/2021 của Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam

19:35 22/10/2021

Dưới đây là các tin phân tích diễn biến thị trường của một số mặt hàng nguyên liệu (Nông sản, Nguyên liệu công nghiệp, Kim loại, Năng lượng) toàn cầu trong phiên giao dịch ngày 22/10/2021.
 
Giá ngô có thể sẽ chịu áp lực bán ở kháng cự 540 dù vẫn được hỗ trợ bởi triển vọng nhu cầu
Giá ngô mở cửa sáng nay đang hồi phục trở lại sau phiên giảm mạnh ngày hôm qua. Hầu hết mức tăng mạnh từ phiên trước đó đều bị xoá bỏ khi doanh số bán hàng của Mỹ trong tuần vừa qua thấp hơn mức dự đoán của thị trường.
Hiện tại, đà tăng của ngô đang có dấu hiệu chững lại khi giá bước vào vùng ngang vào cuối tháng 9. Tuy nhiên, với những yếu tố cơ bản thiên về tác động “bullish” hiện tại, chúng tôi vẫn cho rằng giá ngô có thể sẽ tiếp nối xu hướng hiện tại sau một vài phiên lình xình ở trên 530.
Mặc dù báo cáo Export Sales trong tuần vừa qua không mấy tích cực nhưng ít nhất vẫn còn điểm sáng khi thị trường thở phào sau thông báo mới nhất của Bộ trưởng bộ nông nghiệp Mexico.
Trong đó, nước này vẫn tiếp tục nhập khẩu ngô biến đổi gen của Mỹ vì đây là nguồn cung ngô vàng rất quan trọng cho hoạt động nông nghiệp của Mexico. Điều này đã giảm bớt phần nào lo ngại sau khi nước này đã từ chối 1 đơn nhập khẩu ngô biến đổi gen của Mỹ vào đầu tháng 10. Mexico, là thị trường xuất khẩu số 2 đối với ngô của Mỹ.
Khánh Linh
 
Giá cà phê đang phản ứng với các tín hiệu kỹ thuật nhiều hơn
Kết thúc phiên giao dịch ngày 21/10, diễn biến trái chiều quay trở lại thị trường cà phê. Giá Arabica giảm 1.1% còn 203.3 cents/pound, gá Robusta đóng cửa gần như không đổi so với phiên trước đó, ở mức 2116 USD/tấn.
Tiêu thụ trong niên vụ 20/21 ở thị trường chính là Liên minh châu Âu đã được báo cáo đã giảm 1.27% so với niên vụ trước đó còn 54.4 triệu bao. Trái lại, tiêu thụ ở Mỹ và Canada đã tăng 0.66% lên tổng cộng 30.6 triệu bao.
Sự sụt giảm này vẫn xuất phát từ ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19, làm cho tiêu thụ của các khách sạn, nhà hàng, quán cà phê bị ảnh hưởng nặng nề. Tuy nhiên, nhu cầu tiêu thụ cà phê hòa tan từ các chuỗi siêu thị bán lẻ, cũng như các đơn đặt hàng trực tuyến được cải thiện đáng kể. Hiện nay, cả khu vực Bắc Mỹ và Châu Âu đều bước vào mùa mua sắm và các dịp lễ cuối năm, tuy nhiên, các nước vẫn chưa nới lỏng hoàn toàn để các quán cà phê hoạt động trở lại, vì vậy, nhu cầu tiêu thụ sắp tới có thể tăng nhưng sẽ không quá mạnh.
Tiên Phạm
 
Giá đồng có thể tiếp tục gặp áp lực điều chỉnh dù tồn kho ở Trung Quốc giảm
Kết thúc ngày 21/10, giá đồng giảm 3.5% về 4.56 USD/pound. Đáng chú ý, mức giảm mạnh như hôm qua đã không xuất hiện kể từ giữa tháng 6 năm nay.
Việc thị trường đồng đang được hỗ trợ bởi nhiều tin tốt nhưng lại quay đầu giảm trong phiên hôm qua chắc hẳn sẽ khiến cho nhiều nhà đầu tư cảm thấy bất ngờ, tuy nhiên, vẫn còn quá sớm để khẳng định giá sẽ đảo chiều. Triển vọng trước mắt của đồng vẫn đang được hỗ trợ mức bởi hàng tồn kho thấp, trên các Sở ở cả Châu Âu, Mỹ và Trung Quốc. Đặc biệt, cuối tuần này, tồn kho ở Trung Quốc giảm 14,000 tấn về 94,700. Tuy nhiên, tình trạng tắc nghẽn vận chuyển toàn cầu và tình trạng thiếu hụt năng lượng ở Trung Quốc và châu Âu vẫn sẽ kìm hãm nhu cầu trong ngắn hạn.
Bên cạnh đó, việc chỉ số giá sản xuất PPI và giá các mặt hàng kim loại đang tăng không ngừng có thể khiến cho các nhà chức trách Trung Quốc thực hiện các chính sách kiểm soát giá trở lại. Mới đây, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia (NDRC) của Trung Quốc cho biết cơ quan này đang lên kế hoạch cho một đợt đấu giá và bán ra các mặt hàng kim loại từ kho dự trữ quốc gia để ổn định nguồn cung trên thị trường. 
Tiên Phạm
 
Giá dầu có thể tiếp tục giảm trong ngày hôm nay khi tâm lý thị trường suy yếu
Đà tăng của dầu đã có dấu hiệu suy yếu, sau khi giá dầu phá một loạt các kháng cự ngày hôm qua. Kết thúc phiên giao dịch, dầu WTI giảm 1.1% xuống 82.5 USD/thùng, dầu Brent giảm 1.41% xuống 84.61 USD/thùng.
Vùng giá cao duy trì từ đầu tháng khiến cho lực mua suy yếu dần, trong khi đó, ngày càng nhiều các tổ chức cảnh báo tác động tiêu cực của giá dầu đến nền kinh tế thế giới: World Bank, đồng quan điểm với Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF, cho biết các nước tiêu thụ và nhập khẩu nhiều năng lượng sẽ chịu nhiều thiệt hại tại mức giá hiện tại. Điều này tác động tiêu cực đến tâm lý thị trường.
Theo Báo cáo Triển vọng Kinh tế thế giới 2021, có thể thấy nhóm nước phụ thuộc vào nhiên liệu nhập khẩu, như Trung Quốc, Mỹ, Đức,.. đều có GDP 2021 kỳ vọng giảm so với số liệu đưa ra trong tháng 7. Sức ép từ giá đầu vào và lạm phát gia tăng sẽ khiến cho tăng trưởng kinh tế giảm tốc. Trong khi đó, nhóm các nước xuất khẩu dầu ở Trung Đông và OPEC+, tiêu biểu là Saudi Arabia và Nga, sẽ được hưởng lợi đáng kể với mức giá thị trường hiện tại. Nhiều khả năng, điều này sẽ thúc đẩy các nước này duy trì quyết định gia tăng sản lượng ở mức thấp 400,000 thùng/ngày trong cuộc họp tới.
Hồng Hoa

Nguồn:Vinanet/VITIC/MXV

Link gốc