menu search
Đóng menu
Đóng

Tổng hợp các bản tin ngày 25/10/2021 của Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam

16:58 25/10/2021

Dưới đây là các tin phân tích diễn biến thị trường của một số mặt hàng nguyên liệu (Nông sản, Nguyên liệu công nghiệp, Kim loại, Năng lượng) toàn cầu trong phiên giao dịch ngày 25/10/2021.
“Quá tam 3 bận", liệu giá ngô có thể vượt kháng cự 540 trong phiên hôm nay?
Giá ngô mở cửa sáng nay đang là mặt hàng yếu nhất trong nhóm nông sản khi chỉ giằng co quanh mức tham chiếu trong khi đậu tương và lúa mì đều trải qua mức tăng khá mạnh. Lực bán tại vùng kháng cự 540 khiến cho giá ngô khó tăng mạnh lên như các mặt hàng khác vì đây là mốc chặn trên đã đẩy giá xuống 3 lần liên tiếp trong tuần trước. Nếu như trong phiên hôm nay, giá ngô có thể vượt lên trên khoảng đi ngang 525-540 thì giá sẽ trải qua đà tăng mạnh mới và trong ngắn hạn có thể chạm mốc 550.
Triển vọng về nhu cầu vẫn đang tiếp tục là yếu tố hỗ trợ giá. Sản lượng ethanol dự báo vẫn tiếp tục tăng lên trong tuần này do tỉ suất lợi nhuận được cải thiện. Bên cạnh đó, sự hồi phục kinh tế cũng là yếu tố thúc đẩy sản lượng quay về mức 1 triệu thùng/ngày như trước đại dịch. Thị trường cũng đang khá lạc quan về tình hình xuất khẩu ở Mỹ khi ngô ở nước này đang được xem là khá rẻ so với các nước khác và nguồn cung cũng đang dồi dào. Số liệu bán hàng và xuất khẩu có thể cũng sẽ được kì vọng ở mức cao hơn. Trước mắt, trong phiên đầu tuần những kì vọng này sẽ phản ánh vào giá qua mức tăng của các mặt hàng.
Khánh Linh
 
Giá cà phê đang phản ứng với các tín hiệu kỹ thuật nhiều hơn
Kết thúc tuần vừa qua, hợp đồng Arabica kỳ hạn tháng 12 giảm gần 2% còn 199.9 cents/pound, trái lại hợp đồng Robusta kỳ hạn tháng 1/2022 tăng 1% lên 2141 USD/tấn. Chênh lệch giá giữa hai Sở được thu hẹp lại còn 52.4% chiết khấu cho giá Robusta.
Tính tới cuối tuần trước, tỷ lệ bán hàng ở Brazil đã đạt 68% (38.6/56.5 triệu bao) sản lượng của niên vụ 2021/22, cao hơn mức 64% của năm ngoái. Doanh số bán hàng tăng mạnh trong cuối tháng 9 và nửa đầu tháng 10 trong bối cảnh giá cà phê trên cả hai Sở đều tăng mạnh. Doanh số bán Arabica bằng với cùng kỳ năm ngoái, ở mức 65%, nhưng doanh số Robusta tăng vọt 10% lên 74% nhờ nhu cầu rang xay phát triển mạnh mẽ.
Thị trường cà phê nhìn chung vẫn được hỗ trợ nhờ những lo ngại về chuỗi cung ứng trên toàn cầu, đặc biệt là trong bối cảnh biến thể mới Delta Plus, lại đe doạ nỗ lực mở cửa trở lại của các nước. Hiện vẫn còn quá sớm để đánh giá mức độ tác động của biến thể này, cũng như nguy cơ bùng phát một đợt dịch mới trên toàn cầu, tuy nhiên, đây có thể là một chất xúc tác cho giai đoạn sắp tới của thị trường cà phê.
Tiên Phạm
 
Giá đồng có thể gặp áp lực vì dịch bệnh bùng phát ở Trung Quốc
Giá đồng kết thúc tuần với mức giảm mạnh gần 5% về 4.5 USD/pound. Đáng chú ý, lực mua mạnh cuốn bay 50% đà tăng trước đó và đưa giá đồng về dưới mức 10,000 USD/tấn.
Giá đồng tăng vào hai phiên đầu tuần khi liên tục test mức kháng cự 4.83 USD/tấn, nhờ vào những lo ngại về nguồn cung khi tồn kho trên các Sở đều giảm mạnh. Tuy nhiên, việc giá đồng và các kim loại cơ bản đồng loạt bứt phá, cộng thêm hiệu ứng truyền thông đã làm cho giá đồng bị đầu cơ quá mạnh. Các quỹ đầu tư lớn cũng gia tăng vị thế mua lên 81,547 lot và cắt giảm số lượng vị thế bán để đưa số lượng vị thế mua ròng lên 53,174 lot, mức cao nhất trong vòng 5 tháng. Dù vậy, nhưng những lo ngại về nguồn cung vẫn chưa đủ để đưa giá lập đỉnh mới bởi nhu cầu tiêu thụ ở Trung Quốc vẫn chưa hồi phục.
Bên cạnh đó, biến thể Delta Plus đang làm dấy lên nguy cơ một đợt bùng phát dịch mới nhất vào mùa đông, đe doạ nỗ lực mở cửa lại của các nước. Mới đây, một số tỉnh ở phía Nam Trung Quốc đã tiến hành áp đặt “tình trạng khẩn cấp” khi nước này lại ghi nhận thêm 26 ca mắc mới.
Tiên Phạm
 
Giá năng lượng tiếp tục được hỗ trợ nhờ các yếu tố căn bản, triển vọng tích cực trong thời gian tới
Dầu có 1 tuần tăng ấn tượng, với giá dầu WTI tăng tuần thứ 9 liên tiếp với mức 2.48% lên 83.76 USD/thùng trong khi dầu Brent tăng 0.79% lên 85.53 USD/thùng.
Có nhiều yếu tố củng cố đà tăng của dầu hiện tại, trước hết là cán cân cung-cầu thắt chặt do nhu cầu tăng lên trong khi sản lượng không theo kịp, không chỉ tại thị trường dầu mà còn ở thị trường năng lượng nói chung. Rào cản lớn nhất hiện nay, trong trường hợp dịch COVID-19 không quay trở lại, đó chính là mức giá cao khiến cho sức mua giảm sút. Đã từ lâu, các nhà kinh tế ví giá dầu tăng như một loại thuế gián tiếp đánh vào người tiêu dùng.
Tuy nhiên, trừ khi lạm phát kéo dài lâu, thật khó để nhu cầu dầu đi xuống: Mô hình thời tiết La Nina xuất hiện, và gần như chắc chắn nhu cầu sưởi ấm tại khu vực tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới - châu Á Thái Bình Dương, sẽ phải tăng. Đây không phải khoản mục mà tiêu thụ có thể cắt giảm nhanh chỉ vì giá tăng.
Đối với sản xuất và công nghiệp nói chung, tỷ trọng chi phí năng lượng trên GDP đã giảm 56% kể từ 1973-2019, gợi ý giá nhiên liệu tăng không thể gây ra tác động lớn như trước.
Hồng Hoa

Nguồn:Vinanet/VITIC/MXV

Link gốc