Ngô đang ở trong khoảng giá thiếu kháng cự mạnh, trong khi các yếu tố cơ bản vẫn hỗ trợ tốt
Giá ngô mở cửa sáng nay đang tiếp tục đà tăng mạnh từ 2 phiên trước đó. Nhịp tăng mạnh này của ngô chủ yếu xuất phát từ lo ngại về mùa vụ trước những ảnh hưởng của thời tiết ở các quốc gia sản xuất chính.
Đà tăng mạnh đã đẩy giá ngô vượt lên các mức kĩ thuật quan trọng mà chưa có phiên điều chỉnh nào. Giá đang ở trong khoảng thiếu vắng kháng cự nên với động lực của xu hướng tăng hiện tại thì ngô có thể hướng tới mức 575 trong vài phiên tới trước khi điều chỉnh.
Dự báo thời tiết ở khu vực Nam Mỹ cho thấy một lượng mưa lớn sẽ xuất hiện trong tuần tới và có thể gây ra trì hoãn cho giai đoạn gieo trồng ngô ở đây. Tại Argentina, tiến độ gieo trồng ngô tính đến tuần này mới chỉ đạt 28% diện tích dự kiến và đang chậm hơn so với mức 35% trung bình qua năm trước.
Nếu khoảng cách giữa 2 số liệu này tiếp tục được nới rộng trong báo cáo tuần sau nghĩa là tốc độ gieo trồng ngày càng giảm xuống thì sẽ khiến cho mùa vụ ngô nước này bị gieo trồng muộn và trải qua khung thời tiết không phù hợp. Điều này sẽ dẫn tới mức năng suất thu hoạch thấp hơn và là yếu tố hỗ trợ cho giá ngô trong phiên hôm nay.
Khánh Linh
Lực bán sẽ vẫn duy trì trên thị trường cà phê khi nhu cầu tiêu thụ bị ảnh hưởng vì đợt bùng phát dịch mới nhất ở Mỹ và Châu Âu
Giá cả hai mặt hàng cà phê tiếp tục giảm trong phiên ngày hôm qua hợp đồng Arabica tháng 12 giảm 0.7% còn 199.95 cents/pound, hợp đồng Robusta tháng 1/2022 đóng cửa thấp hơn gần 1% so với phiên trước đó còn 2177 USD/tấn. Chênh lệch giá giữa hai Sở giảm nhẹ còn 51% chiết khấu cho giá Robusta.
Lực bán mạnh tiếp tục duy trì tới phiên hôm qua, khi mà giá cà phê không còn nhận được nhiều sự hỗ trợ từ những nỗi lo nguồn cung. Đà giảm của mức tồn kho đạt chuẩn Arabica trên Sở ICE US đã chững lại, khi cuối phiên, tồn kho vẫn ở mức 1.88 triệu bao, gần như không đổi so với phiên ngày thứ 4. Bên cạnh đó, đồng nội tệ Real Brazil liên tục suy yếu trong nhưng ngày gần đây, bất chấp việc Ngân hàng Trung ương Brazil đã tăng lãi suất thêm 1.5%, đang cho thấy tình hình lạm phát ở nước này ngày càng đáng báo động. Vì thế, nông dân trồng cà phê ở Brazil có xu hướng bán ra nhiều hơn để thu về đồng USD và chống lại sự trượt giá của đồng tiền.
Về phía nhu cầu, doanh thu quý III của chuỗi cà phê lớn nhất thế giới Starbucks thấp hơn so với kỳ vọng, đang cho thấy tác động tiêu cực và lâu dài của đại dịch Covid-19 đối với ngành cà phê trên toàn cầu.
Tiên Phạm
Giá đồng sẽ giảm trở lại do những lo ngại về động thái kiểm soát giá hàng hoá của Trung Quốc
Kết thúc phiên ngày 28/6, giá đồng hồi phục trở lại từ mức thấp nhất trong vòng 2 tuần lên 4.43 USD/pound.
Đà tăng của phiên hôm qua được thúc đẩy từ lực bắt đáy của thị trường trong bối cảnh đồng USD suy yếu. Chỉ số Dollar Index giảm còn 93.3 điểm, mức thấp nhất trong vòng 1 tháng sau khi Bộ Thương mại Mỹ công bố tăng trưởng GDP quý III chỉ đạt 2%, thấp hơn so với kỳ vọng trước đó.
Tuy nhiên, mức giảm của phiên hôm qua không quá đáng kể, bởi giá các mặt hàng kim loại vẫn ở trong giai đoạn “hạ nhiệt” sau đợt tăng nóng trước đó. Mới đây, Chính phủ Trung Quốc đã có động thái kiểm soát giá than để đối phó với cuộc khủng hoảng năng lượng ở nước này.
Giá than đã giảm hơn 50% kể từ mức đỉnh, và ảnh hưởng tiêu cực cũng lan rộng sang các thị trường kim loại bởi các nhà đầu tư lo lắng Trung Quốc sẽ có biện pháp để kìm hãm đà tăng của các mặt hàng nguyên liệu quan trọng như đồng, nhôm. Trong kịch bản xấu, giá của các kim loại này sẽ giảm mạnh và khó có thể phục hồi như giá quặng sắt.
Tiên Phạm
Giá dầu nhiều khả năng sẽ tiếp tục phục hồi trong các phiên tới khi nguồn cung thắt chặt
Dầu WTI là mặt hàng duy nhất đóng cửa trong sắc xanh trong nhóm năng lượng hôm qua, với mức tăng 0.18% lên 82.81 USD/thùng, trong khi Brent giảm 0.25% xuống 83.66 USD/thùng.
Thị trường dầu hiện đang chú ý vào các động thái mới nhất của OPEC+ trước thời điểm cuộc họp chính sách tháng 11 diễn ra trong tuần tới. Dựa vào các phát biểu gần đây của các thành viên, phần lớn kỳ vọng nhóm sẽ giữ nguyên quyết định tăng sản lượng 400,000 thùng/ngày, bất chấp kêu gọi của các đối tác. Khác với thời điểm 2018, khi Saudi Arabia làm theo lời kêu gọi gia tăng sản lượng của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, mối quan hệ hiện tại giữa 2 nước này đã thay đổi đáng kể.
Đặc biệt, từ khi nhậm chức, Tổng thống Biden đã có những hành động cứng rắn với “đồng minh lâu năm”, như ngừng ủng hộ cho các chiến lược quân sự của Saudi Arabia tại Yemen, cũng như đe doạ ngừng bán vũ khí cho nước này. Cuối năm 2020, khi sản lượng dầu của Saudi Arabia chỉ chiếm 4% tổng lượng nhập khẩu dầu của Mỹ, không có nhiều lý do buộc Mỹ phải giữ duy trì quan hệ hợp tác chính trị với đồng minh này.
Hồng Hoa
Nguồn:Vinanet/VITIC/MXV