menu search
Đóng menu
Đóng

Tổng hợp các bản tin ngày 3/2/2023 của Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam

16:50 03/02/2023

Mặc dù lực bán đang có phần chiếm ưu thế trong phiên sáng nay nhưng đà giảm của giá ngô có thể sẽ bị hạn chế ở vùng 666 – 670.
 
Lực bán tiếp tục chiếm ưu thế trên thị trường ngô trong phiên sáng nay. Mặc dù diễn biến khá giằng co kể từ đầu tuần nhưng nhìn chung cấu trúc giá trung hạn vẫn ở trong xu hướng tăng. Lo ngại ngày một gia tăng đối với mùa vụ ngô năm nay của Nam Mỹ, đặc biệt là Argentina đã khiến cho giá đang duy trì ở mức cao, thay vì hạ nhiệt hơn so với năm ngoái như giá lúa mì. Theo đánh giá của chúng tôi, lực mua có thể sẽ được thúc đẩy trở lại đối với mặt hàng này trong phiên cuối tuần do triển vọng nguồn cung vẫn tiếp tục thắt chặt hơn nữa.
Không chỉ mùa vụ Nam Mỹ đang đứng trước nguy cơ bị thiệt hại về năng suất và ảnh hưởng tới mức sản lượng thu hoạch, mà lượng hàng sẵn có cũng sụt giảm nhanh chóng do nông dân đang đẩy mạnh bán hàng. Kể từ sau khi Trung Quốc kí kết mở cửa thương mại đối với ngô từ Brazil vào cuối năm ngoái, khối lượng ngô xuất khẩu từ Brazil sang quốc gia châu Á này đã tăng vọt và cao hơn gấp đôi so với cùng kì năm ngoái. Mặc dù hiện tại, hoạt động thu hoạch ngô vụ 1 ở nước này đang được thực hiện nhưng vụ 1 chỉ chiếm 25% tổng sản lượng cả niên vụ và phần lớn ngô vụ này sẽ được sử dụng để làm thức ăn chăn nuôi ở khu vực phía nam. Chính vì thế nên, lượng hàng đẩy ra quốc tế tăng vọt cũng đồng nghĩa với việc lượng tồn kho ngô sẵn có ở Brazli sẽ ngày càng khan hiếm.
Tới đầu tháng 6 thì ngô vụ 2 của nước này, mới bắt đầu được thu hoạch và xuất khẩu. Cho tới lúc này, Mỹ có thể lấy lại ưu thế cạnh tranh hơn khi nguồn cung sẵn có đang dồi dào sau vụ thu họach vừa qua. Các số liệu bán hàng tuần trong báo cáo Export Sales của Mỹ cũng cho thấy triển vọng nhu cầu đang dần cải thiện. Cụ thể, khối lượng ngô được bán ra trong tuần vừa rồi bất ngờ vượt lên trên dự đoán của thị trường và tăng mạnh so với báo cáo trước đó. Đây sẽ là yếu tố hỗ trợ cho giá ngô trong thời gian tới bên cạnh tình hình thời tiết kém khả quan ở Argentina.

Áp lực nhu cầu suy yếu trước những sức ép vĩ mô khả năng cao khiến giá cà phê suy yếu trong phiên hôm nay
Lo ngại về nguồn cung suy yếu sau dự đoán của giới phân tích đang giúp giá Arabica khởi sắc trở lại trong phiên hôm qua. Tuy vậy, áp lực từ việc Dollar Index tăng đã kéo đà tăng của Arabica trở nên suy yếu và Robusta tiếp tục giảm nhẹ trong phiên hôm qua.
Dù FED chỉ tăng lãi suất 0.25%, đúng như kỳ vọng của thị trường trong đợt điều chỉnh vừa qua, tổ chức này cũng nhấn mạnh việc sẽ tiếp tục mạnh tay trong việc tăng lãi suất để đưa lạm phát cao về mức kỳ vọng. Cùng với việc ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) tăng lãi suất thêm 0.5%, đã khiến những kỳ vọng về nới lỏng nhu cầu tiêu thụ trước đó tiêu hao. Nhu cầu tiêu thụ cà phê có có thể tiếp tục suy yếu khi giá đang ở mức cao trong khi các yếu tố vĩ mô còn khá mong mạnh, yếu tố này có thể khiến giá giảm trong thời gian tới.
Số liệu xuất khẩu giảm trong tháng 12 theo báo cáo của ICO đã phần nào thể hiện nhu cầu vẫn đang ở mức thấp. Theo báo cáo mới được công bố ngày 02/02, xuất khẩu cà phê xanh trong tháng 12 trên phạm vi toàn cầu là 9.81 triệu bao, giảm 7.7% so với mức 10.64 triệu bao của cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, sự sụt giảm này lại loại trừ mặt hàng Robusta. Điều này phần nào phản ánh việc nhu cầu đối với Arabica vẫn ở mức thấp trong bối cảnh lãi suất cao và kinh tế đứng trước nguy cơ suy thoái.

Dự báo giá đồng phục hồi nhẹ do niềm tin triển vọng tiêu thụ tại Trung Quốc không còn mạnh mẽ.
Sau hai phiên giảm liên tiếp, giá đồng mở cửa phiên sáng nay tăng nhẹ do triển vọng tiêu thụ một lần nữa lại trỗi dậy trong niềm tin nhà đầu tư.
Hoạt động dịch vụ của Trung Quốc trong tháng 1 lần đầu tiên mở rộng sau 5 tháng do chi tiêu và du lịch tăng nhờ việc dỡ bỏ các hạn chế nghiêm ngặt về COVID-19, đưa niềm tin kinh doanh lên mức cao nhất gần 12 năm, theo báo cáo của Caixin. Chỉ số quản trị mua hàng (PMI) trong lĩnh vực dịch vụ của Caixin Trung Quốc được công bố sáng nay cho thấy PMI tăng mạnh so với tháng trước và vượt dự báo của các nhà kinh tế. PMI đã tăng lên 52.9 vào tháng 1, vượt mức 48 của tháng trước và vượt dự báo ở mức 51.6.
Cùng với dữ liệu PMI chính thức của Tổng cục Thống kê Quốc gia được công bố vào đầu tuần, PMI của Caixin tiếp tục bổ sung thêm bằng chứng về sự phục hồi hoạt động trong nền kinh tế lớn thứ hai thế giới khi những gián đoạn do mở cửa trở lại đang giảm dần. Điều này tiếp tục làm gia tăng triển vọng tiêu thụ đồng tại Trung Quốc, tuy nhiên, số liệu này dự báo không còn tác động mạnh tới thị trường nữa do hiện giờ nhu cầu tiêu thụ cần thời gian để phục hồi và lượng tồn kho vẫn nhiều. Hiện tồn kho đồng tại khu vực ngoại quan nội địa của Trung Quốc tăng 35,600 tấn tính đến ngày 3/2 so với ngày 20/1, theo khảo sát mới nhất của trang tin Shanghai Metals Market (SMM). Tồn kho tại khu ngoại quan Quảng Đông tăng 6,200 tấn lên 11,500 tấn và tồn kho tại khu ngoại quan Thượng Hải tăng 29,400 tấn lên 111.300 tấn. Do đó, với triển vọng tiêu thụ không còn quá mạnh mẽ tại Trung Quốc và tồn kho vẫn tăng như hiện tại, dự báo giá đồng hôm nay chỉ tăng ở mức nhẹ.

Dầu thô khó vực dậy nếu gặp sức ép từ các số liệu việc làm của Mỹ vào tối nay
Giá dầu tiếp tục suy yếu trong sáng nay khi thị trường vắng bóng các tin tức hỗ trợ cho giá.
Mặc dù các nhà đầu tư vẫn đang dành nhiều sự chú ý về lệnh cấm vận của EU đối với các sản phẩm lọc dầu của Nga, nguồn cung không còn là nỗi lo lớn như trước. Mỹ hiện là quốc gia đang giúp EU giải quyết bài toán này khi lượng dầu thô của Mỹ được xuất khẩu sang châu Âu đã tăng đáng kể trong những tháng gần đây.
Các nhà phân tích nhận định rằng bất kỳ sự sụt giảm nào về lượng dầu thô của Nga vận chuyển vào EU có thể sẽ được bù đắp phần lớn bằng sự gia tăng về lượng dầu thô đến từ Mỹ. CME Group cho biết chỉ riêng trong năm 2022, tổng lượng dầu vận chuyển của Mỹ đến châu Âu đã tăng khoảng 70% so với năm 2021, đạt 1.75 triệu thùng/ngày. Xuất khẩu dầu thô của Nga sang châu Âu đã giảm về dưới 200,000 thùng/ngày trong vòng một tháng qua.
Trong các phiên gần đây, khi tác động từ các yếu tố cơ bản về cung cầu giảm bớt, sự tương quan giữa dầu thô và các yếu tố vĩ mô đang tăng lên. Sự phục hồi của đồng USD đang làm gia tăng sức ép bán trên thị trường dầu, nhất là khi sức mua vốn đã yếu. Tối nay, các số liệu việc làm bao gồm Bảng lương phi nông nghiệp và tỷ lệ thất nghiệp tháng 1. Nếu các số liệu tích cực so với dự báo, giá dầu nhiều khả năng sẽ phục hồi nhờ triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế. Trong kịch bản ngược lại, sắc đỏ sẽ tiếp tục được duy trì.

Nguồn:Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)

Link gốc