menu search
Đóng menu
Đóng

Doanh nghiệp Việt Nam và Trung Quốc tăng cường giao thương, mở rộng kết nối hợp tác

11:34 29/10/2024

Năm 2023, hai nước Việt Nam – Trung Quốc kỷ niệm 15 năm thiết lập quan hệ Đối tác hợp tác Chiến lược toàn diện. Trong đó, hợp tác về kinh tế thương mại được đánh giá là điểm sáng, đem lại lợi ích thiết thực cho cả hai bên.
 
Trong nhiều năm liền, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam và Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất trong ASEAN, lớn thứ 6 trên thế giới của Trung Quốc.
Với nhiều lợi thế trong hợp tác kinh tế thương mại, trao đổi thương mại song phương giữa hai quốc gia vẫn duy trì đà tăng trưởng ổn định và bền vững trong những năm qua, ghi nhận nhiều dấu mốc và thành tựu đáng tự hào. Hiện nay, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 và là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam; trong khi đó Việt Nam là nguồn cung hàng hóa lớn thứ 10 của Trung Quốc trên thế giới, lớn thứ 2 trong khu vực ASEAN.

Tốp 10 nguồn cung hàng hóa lớn nhất của Trung Quốc trong 7 tháng đầu năm 2024 (Việt Nam xếp thứ 10)

ĐVT: %

Nguồn: Tính toán từ số liệu ITC

Về đầu tư, trong 7 tháng đầu năm 2024, Trung Quốc là đối tác dẫn đầu về số dự án đầu tư mới với 540 dự án với tổng vốn đăng ký mới 1,22 tỷ USD, chiếm 29,7% tổng số dự án đầu tư mới của cả nước. Năm 2023, đầu tư của doanh nghiệp Trung Quốc vào Việt Nam tăng hơn 77% so với năm 2022, đây là mức phát triển rất nhanh. Đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào Việt Nam tiếp tục xu thế tăng nhanh và mạnh từ 2,92 tỷ USD năm 2021 lên 4,47 tỷ USD trong năm 2023.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong năm 2023, tổng kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Trung Quốc đạt 171,97 tỷ USD, giảm nhẹ 2,52% so với năm 2022; trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 61,32 tỷ USD, tăng 5,83% so với năm 2022; kim ngạch nhập khẩu đạt 110,65 tỷ USD, giảm 6,61%.

Kim ngạch thương mại song phương Việt Nam – Trung Quốc trong giai đoạn 2019 – 2023 và tốc độ tăng trưởng so với năm liền trước
ĐVT: Triệu USD

  Nguồn: Tổng cục Hải quan

Trong giai đoạn 2019 – 2023, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam – Trung Quốc không có nhiều biến động mạnh, chủ yếu ghi nhận xu hướng tăng qua các năm. Chính phủ Việt Nam và Trung Quốc đều xác định rõ việc tham gia vào các Hiệp định Thương mại tự do (FTA), đặc biệt là các FTA thế hệ mới chính là nền tảng và động lực quan trọng để đẩy mạnh cải cách trong nước cũng như tiếp cận sâu rộng hơn với kinh tế toàn cầu, tăng cường hợp tác với các nền kinh tế lớn khác trong khu vực và trên thế giới.
Năm 2003, Việt Nam cùng ASEAN đã ký Hiệp định khung về hợp tác kinh tế toàn diện thành lập Khu vực thương mại tự do (FTA) với Trung Quốc; năm 2020, Việt Nam và Trung Quốc cũng đồng thời tham gia ký kết và đang thực thi Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Việc hai bên xác lập quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện vào năm 2008 cùng với việc tham gia vào hai FTA trên đã thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của thương mại song phương. Trong năm 2024, Việt Nam và Trung Quốc đang cùng các nước ASEAN thúc đẩy đàm phán nâng cấp FTA ASEAN-Trung Quốc phiên bản 3.0 nhằm mở ra nhiều hơn nữa các cơ hội kinh tế, thương mại cho các nước trong khu vực nói chung và hai nước nói riêng.

Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc trong giai đoạn 2013 – 2023

Nguồn: Tổng cục Hải quan

Năm 2013 là năm ghi nhận kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc thấp nhất trong giai đoạn 10 năm, với trị giá 13,23 tỷ USD, trong khi đó năm 2023 là năm có kim ngạch xuất khẩu giữ vị trí cao nhất, với trị giá 61,32 tỷ USD, tăng 5,83% so với năm 2022 và tăng rất mạnh 363,36% so với 10 năm trước đó; tốc độ tăng trưởng trung bình đạt 16,60%, cho thấy sự nỗ lực mạnh mẽ của Chính phủ hai nước trong việc phát triển và làm sâu rộng hơn quan hệ hợp tác thương mại.
Trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có nhiều biến động phức tạp và khó lường như hiện nay, việc Việt Nam - Trung Quốc duy trì quan hệ ổn định, lành mạnh và ngày càng đi vào chiều sâu có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển lâu dài của mỗi nước cũng như hòa bình, ổn định, phát triển của khu vực.
Trong tháng 9/2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 6,10 tỷ USD, tăng 6,37% so với tháng trước đó nhưng giảm nhẹ 3,14% so với tháng cùng kỳ năm 2023; tính chung 9 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang thị trường này ghi nhận mức tăng so với 9 tháng đầu năm 2023 là 2,91%, đạt 44,39 tỷ USD. Trong đó, ba mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch cao nhất là Điện thoại các loại và linh kiện (chiếm tỷ trọng 24,47%); Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (chiếm tỷ trọng 20,49%) và Hàng rau quả (chiếm tỷ trọng 8,54%). Kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước trong 9 tháng đầu năm 2024 đạt 149,20 tỷ USD, cán cân thương mại lên đến 60,42 tỷ USD, tăng 71,97% so với cùng kỳ năm 2023.
Hàng nông sản là một trong những mặt hàng xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc. Tính đến nay, có 14 mặt hàng nông sản của Việt Nam đã được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường này, trong đó phải kể đến như tổ yến, khoai lang, sầu riêng, xoài, măng cụt, thạch đen … Vừa qua, những lô hàng dừa tươi đầu tiên của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đã được thông quan thuận lợi tại các cửa khẩu biên giới trên bộ giáp với nước láng giềng. Kể từ khi triển khai Hiệp định RCEP, Việt Nam có thêm 4 loại trái cây mới được Trung Quốc cho phép nhập khẩu qua cửa khẩu Hữu Nghị Quan, bao gồm sầu riêng, chuối, dưa hấu và dừa.
Bên cạnh đó, người tiêu dùng Trung Quốc cũng rất ưa chuộng các mặt hàng nông sản của Việt Nam, đặc biệt là sầu riêng, thanh long; lượng nhập khẩu các mặt hàng này từ Việt Nam chiếm khoảng 1/5 tổng lượng nông sản nhập khẩu từ ASEAN, điều này khẳng định tiềm năng và cơ hội của các mặt hàng nông sản Việt tại thị trường tỷ dân này.

Kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng của Việt Nam sang Trung Quốc trong tháng 9/2024 và 9 tháng đầu năm 2024
   (ĐVT: Nghìn USD/phần trăm)

Nguồn: Tổng cục Hải quan

Trong tháng 9/2024, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam từ Trung Quốc đạt 12,24 tỷ USD, giảm 5,76% so với tháng trước đó nhưng tăng đáng kể 17,4% so với tháng cùng kỳ năm 2023; tính chung trong 9 tháng đầu năm 2024, kim ngạch nhập khẩu từ thị trường này ghi nhận mức tăng là 32,22% so với 9 tháng đầu năm 2023, đạt 104,81 tỷ USD. Trong đó, ba mặt hàng nhập khẩu có kim ngạch cao nhất là Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (chiếm tỷ trọng 24,61%); Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác (chiếm tỷ trọng 19,92%) và Vải các loại (chiếm tỷ trọng 7,00%).

 

Kim ngạch nhập khẩu một số mặt hàng của Việt Nam từ Trung Quốc trong tháng 9/2024 và 9 tháng đầu năm 2024

(ĐVT: Nghìn USD/phần trăm)

Nguồn: Tổng cục Hải quan

 

Tháng 8/2024, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Tô Lâm đã có chuyến thăm cấp Nhà nước đến nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm có ý nghĩa hết sức quan trọng. Đây là chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trên cương vị mới, thể hiện sự coi trọng cao độ của Đảng, Nhà nước Việt Nam đối với việc phát triển quan hệ láng giềng hữu nghị và hợp tác toàn diện Việt Nam - Trung Quốc. Chuyến thăm diễn ra vào thời điểm then chốt đối với mỗi Đảng, mỗi nước và quan hệ Việt - Trung. Việt Nam đang nỗ lực thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra; tiến hành tổng kết 40 năm Đổi mới và từng bước triển khai công tác chuẩn bị cho Đại hội XIV. Trung Quốc đang đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển, đi sâu cải cách đã xác định tại Đại hội XX Đảng Cộng sản Trung Quốc. Nhân chuyến thăm, hai nước đã ra Tuyên bố chung Việt Nam - Trung Quốc về việc tiếp tục làm sâu sắc và nâng tầm quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược. Tuyên bố chung nêu rõ hai bên nhất trí xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược, nỗ lực vì hạnh phúc của nhân dân hai nước, vì sự nghiệp hòa bình và tiến bộ của nhân loại.
Tháng 10/2024, Thủ tướng Quốc vụ viện nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Lý Cường và Đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Trung Quốc đã có chuyến thăm chính thức Việt Nam. Trong khuôn khổ chuyến thăm, Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Nguyễn Hồng Diên đã trao 02 văn kiện hợp tác với Bộ Trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào trước sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc Lý Cường. Các văn kiện hợp tác bao gồm Bản ghi nhớ về tăng cường hợp tác xây dựng chuỗi cung ứng nông sản bền vững giữa Bộ Công Thương và Bộ Thương mại Trung Quốc; Bản ghi nhớ về việc thành lập Nhóm công tác nghiên cứu các mô hình xây dựng Khu hợp tác kinh tế qua biên giới Việt Nam – Trung Quốc giữa Bộ Công Thương và Bộ Thương mại Trung Quốc. Việc ký kết 02 văn kiện hợp tác nêu trên với Bộ Thương mại Trung Quốc là cơ sở để Bộ Công Thương tiếp tục duy trì và thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đặc biệt là xuất khẩu các mặt hàng nông sản, thực phẩm của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc. Đồng thời đẩy nhanh quá trình nghiên cứu, lựa chọn mô hình hợp tác phù hợp để xây dựng Khu hợp tác kinh tế qua biên giới Việt Nam – Trung Quốc.
Cũng trong năm 2024, nhiều chương trình, hoạt động kết nối, xúc tiến thương mại quan trọng giữa Việt Nam và Trung Quốc đã được tổ chức, với mục tiêu tạo điều kiện thuận lợi và cơ hội để doanh nghiệp hai nước tìm kiếm cơ hội hợp tác và mở rộng thị trường. Điển hình như:
Tháng 3/2024: Hội nghị Xúc tiến Thương mại, Đầu tư và Kết nối giao thương Việt Nam – Trung Quốc (Sơn Đông). Thực hiện chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương (Cục Xúc tiến thương mại) phối hợp với Chính quyền nhân dân tỉnh Sơn Đông (Trung Quốc) tổ chức “Hội nghị Xúc tiến Thương mại, Đầu tư và kết nối giao thương Việt Nam - Trung Quốc (Sơn Đông)” bằng hình thức trực tiếp vào ngày 13/3/2024 tại thành phố Hà Nội. Thông qua Hội nghị này, doanh nghiệp Việt Nam và tỉnh Sơn Đông (Trung Quốc) có cơ hội trao đổi, kết nối và đẩy mạnh hợp tác nhằm thúc đẩy xuất khẩu chính ngạch các sản phẩm nông sản, thủy sản và các sản phẩm có thế mạnh của Việt Nam sang tỉnh Sơn Đông (Trung Quốc) trong bối cảnh Trung Quốc đã chính thức mở cửa cho phép nhiều loại nông, thủy sản có thế mạnh của Việt Nam được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc;
Tháng 6/2024: Chương trình Xúc tiến thương mại Việt Nam - Quảng Đông, Trung Quốc;
Tháng 9/2024: Trong khuôn khổ chương trình làm việc tại Hội chợ Thương mại điện tử toàn cầu lần thứ 3 (GDTE 2024) diễn ra tại Hàng Châu (Trung Quốc), Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) Việt Nam đã phối hợp với Sở Thương mại tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc và Alibaba.com tổ chức “Hội nghị Giao thương Xúc tiến Thương mại Việt Nam – Trung Quốc trong lĩnh vực thương mại số”. Đây là dịp để doanh nghiệp Việt Nam học hỏi, tìm kiếm, kết nối và mở rộng mạng lưới đối tác với các doanh nghiệp Trung Quốc, một thị trường vô cùng lớn và tiềm năng, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại số. Hội nghị còn tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận các công nghệ mới, các giải pháp số tiên tiến trong lĩnh vực thương mại điện tử, logistics thông minh, quản lý chuỗi cung ứng số hóa, thanh toán trực tuyến và bảo mật.
Trong những năm qua, thương mại song phương Việt Nam -Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ, hứa hẹn đưa kim ngạch xuất nhập khẩu song phương tiến sát mốc 200 tỷ USD trong năm 2024. Để duy trì hoạt động xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Trung Quốc, doanh nghiệp Việt cần chú trọng đến chất lượng hàng hóa, đảm bảo tuân thủ các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm dịch động thực vật …, đồng thời tận dụng tối đa những ưu đãi từ các FTA mà cả hai nước đều đã và đang là thành viên.

Nguồn:VITIC tổng hợp

Link gốc