Điều chỉnh thói quen tiêu dùng để không “tiếp tay” cho hàng giảBốn giải pháp nâng cao hiệu quả công tác chống hàng giả trên thương mại điện tửQuản lý thị trường đồng loạt kiểm tra các “điểm nóng” hàng giả tại Thủ đô
Đây là sự kiện thứ 4 liên tiếp được Tổng cục Quản lý thị trường tổ chức nhằm triển khai thực hiện Đề án 319 về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đến năm 2025. Đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 29/3/2023.
Khai mạc diễn đàn, ông Nguyễn Thành Hiếu - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, thương mại điện tử đã và đang trở thành xu hướng tiêu dùng của cả thế giới, nhất là từ sau đại dịch Covid-19. Nhận thức được vai trò cũng như tầm quan trọng của thương mại điện tử trong phát triển kinh tế, từ nhiều năm trước, nhà trường đã đưa nội dung này vào quá trình giảng dạy. Đặc biệt, kể từ khi Tổng cục Quản lý thị trường phối hợp với Trường Đại học Kinh tế Quốc dân mở chuyên ngành Quản lý thị trường, thì thương mại điện tử là một trong những nội dung được nhà trường trú trọng.
“Thương mại điện tử là xu thế tất yếu bởi những lợi ích mà nó mang lại. Tuy nhiên, bên cạnh đó đã phát sinh nhiều bất cập trong đó nổi bật là việc trà trộn kinh doanh các mặt hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ” - ông Nguyễn Thành Hiếu thông tin.
Sử dụng công nghệ nào để phòng, chống hàng giả trên môi trường mạng?
Chung quan điểm này, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường Trần Hữu Linh một lần nữa nhấn mạnh đến những khó khăn, thách thức trong công tác phòng, chống hàng giả trên thương mại điện tử của các lực lượng chức năng nói chung và của lực lượng Quản lý thị trường nói riêng.
Tổng cục trưởng Trần Hữu Linh cho biết, thương mại điện tử bùng nổ, bên cạnh sự tích cực đã phát sinh những hành vi vi phạm mới, do vậy, Đề án 319 là thực sự cần thiết và rất phù hợp trong giai đoạn hiện nay, bởi “hàng giả bày ở ngoài đường, ngoài phố, ngoài cửa hàng kiểm tra đã khó, hàng giả bán trên thương mại điện tử thì cái khó nhân lên gấp bội”.
Cũng theo ông Trần Hữu Linh, hiện nay, thói quen mua sắm của người tiêu dùng đã thay đổi, dẫn đến các cơ sở phải cắt giảm sự hiện diện trên phố để chuyển dịch hình thức kinh doanh sang online. Người tiêu dùng ở bất cứ đâu, bất cứ nơi nào, không phân biệt thành thị hay miền núi đều có thể trở thành người kinh doanh, buôn bán và dễ dàng đặt mua hàng hóa.
Dẫn số liệu cụ thể, ông Linh cho biết, nếu như năm 2020, doanh số bán lẻ trên Internet tại Việt Nam là 13 tỷ USD thì đến năm 2022, con số này tăng vọt lên thành 35 tỷ USD. Bên cạnh đó, Việt Nam là nước có tỷ lệ dân số mua sắm cao nhất Đông Nam Á. Gần 1 nửa dân số Việt Nam mua sắm online, cao nhất Đông Nam Á với 49,3 triệu người, tương đương 41% tỷ lệ dân số.
Tổng cục trưởng Trần Hữu Linh cho rằng, cần phải có nguồn nhân lực, đặc biệt là công cụ, phương pháp phù hợp để phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi vi phạm trên thương mại điện tử
Bên cạnh những cơ hội, thương mại điện tử đã và đang đặt ra nhiều thách thức mới cho các lực lượng chức năng trong công tác đấu tranh phòng, chống hàng giả, bảo vệ người tiêu dùng. Do vậy, ngăn chặn các hành vi vi phạm trên môi trường mạng, lãnh đạo Tổng cục cho rằng, cần phải có nguồn nhân lực, đặc biệt là công cụ, phương pháp phù hợp chứ không thể “tay không bắt giặc”.
“Nếu không có những chế tài phù hợp thì online sẽ trở thành nơi tàng trữ, phân phối, buôn bán hàng giả, từ đó làm giảm niềm tin của người tiêu dùng cũng như cản trở sự phát triển của nền kinh tế” - Tổng cục trưởng Trần Hữu Linh thông tin và nhấn mạnh, ở những sự kiện trước, chúng ta đã tìm ra nguyên nhân, thực trạng và đưa ra được những giải pháp để phòng, chống hàng giả trên thương mại điện tử. Trong Diễn đàn hôm nay, ông Trần Hữu Linh đề nghị, các đại biểu, diễn giả, đại diện các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng phải đưa ra được những "tấm khiên", những công cụ hữu hiệu trong phòng, chống hàng giả.
"Chống gian lận thương mại, hàng giả trên mạng cần phải có các giải pháp công nghệ cụ thể, để định danh, xác định được người mua, người bán, người vận chuyển, sản phẩm hàng hóa... từ đó góp phần phòng ngừa các rủi ro" - Tổng cục trưởng Trần Hữu Linh nhấn mạnh.
Sử dụng công nghệ nào để phòng, chống hàng giả?
Ông Lê Đức Anh - Giám đốc Trung tâm Tin học và Công nghệ số, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho rằng, thương mại điện tử đang phát triển mạnh mẽ, song rất nhiều người tiêu dùng gặp trở ngại khi mua sắm online. Đó là việc chất lượng hàng hóa kém hơn so với quảng cáo; Giá cả thường cao hơn so với việc mua bán trực tiếp; Chi phí vận chuyển cao; Đặt hàng rắc rối; Lo ngại thông tin cá nhân bị tiết lộ; Dịch vụ chăm sóc khách hàng kém...
"Trở ngại lớn nhất của người tiêu dùng trong mua sắm online đó là chất lượng hàng hóa. Nhiều khi đặt hàng xong, hàng nhận về khác xa so với hình ảnh quảng cáo" - ông Lê Đức Anh chỉ rõ và cho rằng, cần áp dụng giải pháp công nghệ tiên tiến trong định danh người bán, người mua, truy xuất nguồn gốc hàng hóa trong thương mại điện tử để phòng chống hàng giả.