menu search
Đóng menu
Đóng

Hiệp định TM biên giới Việt- Trung: “Đòn bẩy” phát triển kinh tế biên mậu

14:28 09/06/2017

Vinanet - Hiệp định Thương mại biên giới Việt Nam - Trung Quốc góp phần chuyển dịch cơ cấu các tỉnh biên giới theo hướng tích cực, dần tạo nên những khu kinh tế vùng biên năng động. Để triển khai Hiệp định, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2534/QĐ-TTg về kế hoạch thực hiện hiệp định.
Nâng cao vai trò thương mại vùng biên
Tại Hội nghị phổ biến Hiệp định Thương mại biên giới Việt Nam - Trung Quốc do Bộ Công Thương tổ chức mới đây tại Cao Bằng. ông Đinh Văn Thành - nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu thương mại (Bộ Công Thương) - cho biết, Hiệp định Thương mại biên giới Việt Nam - Trung Quốc ký kết ngày 12/9/2016. Theo Hiệp định, thương mại biên giới thực hiện thông qua các cửa khẩu biên giới đất liền và khu (điểm) chợ biên giới được hai bên thỏa thuận nhất trí mở tại 7 tỉnh: Cao Bằng, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên của Việt Nam và 2 tỉnh/khu Vân Nam và Quảng Tây (Trung Quốc). Hoạt động tại các chợ biên giới của người và phương tiện vận tải xuất, nhập cảnh; hàng hóa xuất nhập khẩu ra, vào các khu (điểm) chợ biên giới thông qua đường qua lại biên giới mà hai bên thỏa thuận mở. Hiện, tổng giá trị hàng hóa xuất nhập khẩu, mua bán, trao đổi qua các cửa khẩu biên giới Việt Nam - Trung Quốc giai đoạn 2011-2016 đạt trên 100 triệu USD, chiếm tỷ lệ trung bình khoảng 25% trong kim ngạch thương mại song phương giữa 2 nước. Hiện thị trường Trung Quốc chiếm tỷ trọng khá lớn trong xuất khẩu (XK) nông sản của Việt Nam, như mặt hàng sắn (90%), gạo (40%), cao su (50%)…
“Ước tính, Hiệp định Thương mại biên giới Việt Nam - Trung Quốc sẽ bảo đảm tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu, mua bán, trao đổi hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới Việt - Trung hàng năm ở mức ổn định, bền vững khoảng 30%” - ông Đinh Văn Thành nhấn mạnh.
Khẳng định hiệp định này sẽ thúc đẩy phát triển thương mại vùng biên, ông Nguyễn Văn Hội - Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Thương mại biên giới và miền núi (Bộ Công Thương) - chia sẻ, Hiệp định đã tạo điều kiện để các tỉnh biên giới giáp Trung Quốc khai thác và phát huy thế mạnh tiềm năng, kết hợp nội lực và ngoại lực, chuyển dịch cơ cấu kinh tế hợp lý hơn theo hướng tham gia và cung cấp dịch vụ trung chuyển hàng hóa qua biên giới giữa Việt Nam với các nước có chung biên giới, các nước trong khu vực và toàn cầu.
Đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch
Tuy nhiên, một số chuyên gia nhận định, từ hiệp định này, Việt Nam cần xây dựng chiến lược, chính sách hỗ trợ hoạt động thương mại biên giới cụ thể, bài bản. Về lâu dài, chúng ta cần có chính sách phù hợp để hạn chế dần XK tiểu ngạch và tăng cường xuất chính ngạch. Hình thức XK tiểu ngạch không chỉ nhiều rủi ro, mà còn khiến hàng hóa Việt Nam không có động lực để cải thiện chất lượng, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Phạm Văn Trường - Trường Cao đẳng kinh tế thương mại (Bộ Công thương) - cho rằng, cần tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, hàng hóa bảo đảm chất lượng để đẩy mạnh XK chính ngạch. Có như vậy, mới không còn tình trạng “giải cứu” các mặt hàng nông sản hay thực phẩm ở nhiều địa phương như thời gian qua.
“Từ hiệp định đã ký kết, nhà nước cần triển khai cụ thể các giải pháp hỗ trợ thương nhân về thị trường, vốn, tạo thuận lợi trong chiến lược xuất nhập khẩu; nghiên cứu tốt thị trường nước bạn để có phương án XK phù hợp. Bên cạnh đó, cần tiếp tục đàm phán với Trung Quốc mở rộng thêm thị trường cho hàng hóa của Việt Nam vào bằng đường chính ngạch” - ông Trường đề xuất.
Bộ Công Thương đã hỗ trợ thương nhân thương mại biên giới Việt - Trung tổ chức hệ thống phân phối hàng hóa qua cửa khẩu; xây dựng và triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư qua biên giới Việt - Trung; tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, thu hút và thúc đẩy doanh nghiệp tham gia xuất nhập khẩu qua biên giới.
Nguồn: Việt Anh/Báo Công Thương điện tử