menu search
Đóng menu
Đóng

Tác động của CPTPP đến các ngành kinh tế

11:11 28/11/2018

Vinanet - Tác động của CPTPP tới xuất khẩu cũng như tăng trưởng của nhiều ngành kinh tế là đáng kể, gồm cả hai mặt tích cực và tiêu cực.
Nhiều ngành hưởng lợi
Theo nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Ðầu tư, với CPTPP, Việt Nam sẽ đạt được lợi ích không nhỏ từ xuất khẩu với tổng mức tăng thêm về kim ngạch hơn 4%, tương đương khoảng bốn tỷ USD. Việc tăng xuất khẩu sẽ chủ yếu ở nội khối với tốc độ tăng xuất khẩu sang các nước trong CPTPP tăng thêm 14,3% (giả định lũy tiến đến năm 2035), tương đương 2,61 tỷ USD, trong khi xuất khẩu sang các quốc gia ngoài CPTPP sẽ tăng thêm 1,7% (tương đương 1,4 tỷ USD).
Như vậy, CPTPP có tác động chuyển hướng thương mại khá lớn và việc tham gia hiệp định này có thể giúp Việt Nam đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, từ đó thúc đẩy tăng trưởng nhiều ngành sản xuất trong nước. Trong đó, dệt may và da giày được cho là những ngành sẽ hưởng lợi nhiều nhất về tăng thêm quy mô sản xuất cũng như giá trị xuất khẩu. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu tăng thêm của dệt may được dự báo sẽ ở mức cao (từ 8,3% đến 10,8%), do đây là ngành có sức cạnh tranh về giá lớn hơn ở các thị trường mới trong CPTPP, trong khi vẫn giữ được các thị trường chủ lực là Mỹ và EU.
Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) Lê Tiến Trường cho biết: Việc tham gia CPTPP sẽ là cơ hội lớn để ngành dệt may Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường các nước nội khối, nhất là những thị trường tiềm năng như Australia, Canada. Ðây là hai thị trường có sự phát triển cao, mức tiêu thụ khoảng 10 tỷ USD/năm trong khi thị phần xuất khẩu của dệt may Việt Nam vào các thị trường này còn nhỏ, chỉ khoảng 500 triệu USD. Chính vì vậy, dung lượng để mở rộng thị phần rất lớn, đóng góp chung vào mục tiêu tăng trưởng hơn 10% của ngành.
Tương tự, theo số liệu của Tổng cục Hải quan, mức tăng trưởng xuất khẩu của ngành da giày vào thị trường Nhật Bản đang ở mức khoảng 12%, Mehico 11%, Canada 16% và Australia là 18,4%,… Trong khi mức bảo hộ hiện nay của nhóm ngành này ở các nước trong khối còn khá cao, chênh lệch giữa mức thuế suất nhập khẩu ưu đãi thông thường MFN (Most favoured nation) và mức thuế quan ưu đãi trong CPTPP cũng khá lớn, đồng nghĩa với việc cắt giảm thuế quan càng tạo ra thuận lợi lớn trong cạnh tranh về giá cho ngành này. Mặc dù vậy, theo cảnh báo của một số chuyên gia, tăng xuất khẩu dệt may, da giày nhờ CPTPP cũng kéo theo tăng nhập khẩu nguyên liệu đầu vào cho các ngành này với tốc độ tăng thêm nhập khẩu ít nhất từ 7% đến 8%. Trong khi đó, theo một số báo cáo gần đây, ngành dệt may chủ yếu vẫn nhập khẩu nguyên liệu (90% bông nguyên liệu, 100% xơ sợi tổng hợp, 50% sợi bông và 80% vải khổ rộng) từ Trung Quốc, Hàn Quốc,… Ðây là những nước không nằm trong CPTPP, vì vậy khả năng nếu xét theo nguyên tắc nguồn gốc xuất xứ "từ sợi trở đi", các doanh nghiệp có thể sẽ không được hưởng lợi nhiều từ cắt giảm thuế quan. Do đó, nhu cầu cấp bách hiện nay là cần đẩy mạnh tái cơ cấu ngành dệt, nhằm giảm dần sự phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu.
Tăng áp lực cạnh tranh
Bên cạnh những nhóm ngành được hưởng lợi, một số ngành tốc độ tăng trưởng sản lượng có thể giảm, như chăn nuôi, chế biến thực phẩm hay dịch vụ bảo hiểm,… Theo đánh giá của các chuyên gia, ngành chăn nuôi có khả năng bị ảnh hưởng lớn nhất từ CPTPP do sức cạnh tranh của ngành này rất yếu. Mặt khác, thuế quan hiện hành của các nước đối với sản phẩm chăn nuôi cũng không cao, do vậy quá trình cắt giảm thuế quan trong CPTPP sẽ không tạo ra nhiều tác động tích cực đến xuất khẩu. Ngược lại, việc cắt giảm thuế quan nhập khẩu từ CPTPP được dự báo có thể tác động khiến sản lượng của ngành chăn nuôi giảm 0,3% và xuất khẩu giảm khoảng 8%. Trong trường hợp hạ thấp thuế quan và mở cửa dịch vụ, mức giảm xuất khẩu còn có thể lên đến hơn 9%.
CPTPP cũng được cho là sẽ làm tốc độ tăng trưởng của ngành chế biến thực phẩm giảm từ 0,37% đến 0,52%, tuy nhiên vẫn giúp xuất khẩu của ngành này tăng thêm khoảng 2% đến 2,35%. Ðiều cần chú ý là ngành chế biến thực phẩm có lộ trình cắt giảm thuế quan khá chậm so các nhóm ngành khác (về 0% sau 15 năm). Do đó, tác động này cũng không thật sự lớn nếu tính bình quân %/năm cũng như ở giai đoạn đầu của CPTPP. Ngoài ra, hầu hết các ngành công nghiệp nhẹ và thâm dụng lao động cũng được hưởng lợi từ CPTPP.
Theo tính toán, hiệp định có thể tạo thêm mức tăng trưởng cho nhóm ngành này từ 4% đến 5%, và mức tăng xuất khẩu có thể đạt thêm từ 8,7% đến 9,6%. Trong khi đó, mức độ ảnh hưởng của CPTPP tới các ngành công nghiệp nặng được đánh giá sẽ không quá lớn với mức tăng trưởng tăng thêm chỉ được dự báo ở mức từ 0,8% đến 1,2%.
Việt Nam vốn không có lợi thế cạnh tranh ở nhóm hàng công nghiệp nặng, vì đây là những ngành thâm dụng vốn. Các nước trong CPTPP cũng không phải là các đối tác chính có thể thúc đẩy công nghiệp nặng của Việt Nam phát triển. Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (VAMI) Ðào Phan Long nhận định: Khi gia nhập CPTPP, ngành cơ khí phải chấp nhận một cuộc chơi mới trong khi chúng ta đang ở thế yếu hơn, do nội lực của ngành vẫn còn hạn chế. Rõ ràng, khó khăn và tác động tiêu cực sẽ lớn hơn do sự cạnh tranh quyết liệt từ các nước CPTPP. Do đó, thông qua quá trình hội nhập, chúng ta cần tận dụng tốt các cơ hội hấp thụ công nghệ, trình độ quản lý tiên tiến,... nhằm nâng cao năng lực, đáp ứng yêu cầu để tham gia được vào chuỗi giá trị của các nước trong khối. Có như vậy, cơ khí Việt Nam mới có được cơ hội phát triển. Ðiều này phụ thuộc nhiều vào định hướng phát triển ngành cơ khí của Chính phủ, quá trình thực thi của các bộ, ngành cũng như nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp.
Có thể thấy, tác động của CPTPP tới xuất khẩu cũng như tăng trưởng của nhiều ngành kinh tế là đáng kể, gồm cả hai mặt tích cực và tiêu cực. Các chuyên gia kiến nghị, nhiều yếu tố như tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế trong nước, đổi mới mô hình tăng trưởng,… sẽ giúp Việt Nam hạn chế các thách thức để đạt mức tăng trưởng cao hơn. Thêm nữa, các thị trường được mở rộng từ CPTPP không lớn, vì vậy với mức cam kết cao trong hiệp định này, việc Việt Nam có tận dụng tốt các cơ hội hay không còn phụ thuộc vào năng lực, chiến lược thương mại hay quá trình cải thiện tình hình sản xuất trong nước thời gian tới. Riêng đối với các doanh nghiệp, yếu tố "nguồn gốc xuất xứ" sẽ ảnh hưởng và quyết định rất lớn tới khả năng hiện thực hóa lợi ích từ CPTPP. Ðiều này phụ thuộc vào cả trình độ khoa học - công nghệ trong nước lẫn khả năng tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Doanh nghiệp Việt Nam cần có những đột phá trong cả hai lĩnh vực này để tận dụng tốt cơ hội đem lại từ CPTPP.
Nguồn: Báo Nhân Dân