menu search
Đóng menu
Đóng

Tác động của Hiệp định EVFTA đối với Giao thông vận tải

09:09 24/11/2017

Vinanet -Sau khi có hiệu lực, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) sẽ có tác động mạnh mẽ tới kinh tế vĩ mô cũng như tới từng ngành kinh tế của Việt Nam, trong đó có Giao thông vận tải (GTVT).
Cơ hội
Thứ nhất, hợp tác thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và các nước thuộc khối EU được tăng cường sẽ làm gia tăng các hoạt động vận chuyển hàng hóa bằng các phương thức vận tải. Việc mở cửa thị trường hàng hóa, tự do hóa lĩnh vực đầu tư, dịch vụ… trong EVFTA chính là điều kiện tiền đề tăng nhu cầu vận chuyển, cung ứng, kho bãi. Từ đó, các cam kết này kích thích cầu về vận chuyển, đối lưu giữa Việt Nam và EU, giúp mở rộng thị trường logistics, tăng sản lượng vận tải cho doanh nghiệp Việt Nam.
Thứ hai, các cam kết liên quan đến GTVT trong Hiệp định EVFTA cũng tạo cơ hội tiếp cận thị trường cho cả hai bên, tạo ưu thế trong bối cảnh một số đối thủ cạnh tranh của Việt Nam chưa có FTA với EU. Ngoài ra, EVFTA mở ra cơ hội tiếp cận nguồn công nghệ hiện đại, học hỏi kỹ năng quản lý, nâng cao tay nghề, tạo thêm việc làm trong lĩnh vực GTVT và tăng trưởng bền vững cho Việt Nam.
Các doanh nghiệp sẽ được tiếp cận thị trường logistics lớn với những ưu đãi thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ; phát huy lợi thế địa – kinh tế trong phát triển cơ sở hạ tầng logistics như phát triển cảng nước sâu, sân bay quốc tế, hệ thống đường sắt xuyên Á... Cơ hội đầu tư ra nước ngoài cũng tạo đà và động lực để các doanh nghiệp đổi mới, nâng cao năng lực cạnh tranh để tồn tại và phát triển.
Thứ ba, Hiệp định EVFTA cũng tạo điều kiện để lĩnh vực GTVT thu hút vốn đầu tư chất lượng cao từ nhiều tập đoàn lớn của nước ngoài trong điều kiện dự báo nguồn vốn phát triển cơ sở hạ tầng giao thông đang khó khăn. Với những ưu đãi khi gia nhập EVFTA, các nước trong khối sẽ tăng cường đầu tư vào Việt Nam bao gồm cả phát triển kết cấu hạ tầng GTVT, hỗ trợ đồng bộ cơ sở hạ tầng giao thông như đường bộ, đường sắt, cảng biển và sân bay.
Thách thức
Ngoài những cơ hội trên, ngành GTVT sẽ gặp những thách thức nhất định khi Hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực.
Thứ nhất, việc gia nhập hiệp định EVFTA sẽ tạo ra môi trường cạnh tranh mạnh mẽ đối với doanh nghiệp Việt Nam nhất là trong lĩnh vực logistics. Đây không phải là vấn đề mới do trước đây các doanh nghiệp đã thích nghi với cam kết mở cửa thị trường trong các khuôn khổ như WTO, ASEAN cũng như trong các FTA khác, nhưng mức độ cạnh tranh trong khuôn khổ EVFTA sẽ mạnh mẽ, khốc liệt hơn nhiều.
Thứ hai, các doanh nghiệp GTVT của Việt Nam phần lớn ở quy mô vừa và nhỏ, tính chuyên nghiệp chưa cao, công tác chuẩn bị cho việc tận dụng cơ hội và đối phó với các thách thức khi tham gia EVFTA cũng như các hiệp định "thế hệ mới" hầu như còn thụ động và tự phát, trong khi đó, cơ sở hạ tầng GTVT chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển dẫn đến chi phí vận tải cao hơn nhiều so với các nước.
Thứ ba, nhận thức của các doanh nghiệp GTVT về các cam kết trong khuôn khổ Hiệp định EVFTA tuy đã được cải thiện hơn trước, song vẫn còn hạn chế và chưa thực sự đầy đủ do đây là một Hiệp định phức tạp. Các thông tin hướng dẫn chưa dễ tiếp cận đối với các doanh nghiệp. Ngoài ra, các chính sách, quy định pháp luật của Việt Nam hiện nay vẫn đang trong quá trình hoàn thiện để đáp ứng yêu cầu của Hiệp định, cũng như hỗ trợ các doanh nghiệp trong quá trình hội nhập có thể gây khó khăn cho doanh nghiệp khi xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh cho giai đoạn sau khi Hiệp định có hiệu lực.
Thứ tư, năng lực quản lý của các doanh nghiệp Việt Nam ở quy mô toàn cầu, nhất là nguồn nhân lực, và việc tiếp cận tài chính còn hạn chế. Đây cũng chính là khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp GTVT trước khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực. Các doanh nghiệp nước ngoài, ngay cả ở một số nước Đông Nam Á như Singapore, Malaysia,… với nhiều kinh nghiệm, trường vốn, sẽ chiếm nhiều ưu thế trong cuộc cạnh tranh về chất lượng và giá thành.
Mặc dù vậy, các cam kết mở cửa thị trường trong lĩnh vực logistics trong EVFTA đối với lĩnh vực GTVT không quá xa so với WTO và cơ bản phù hợp với chính sách hiện hành.
Hiệp định EVFTA dự kiến có hiệu lực vào năm 2018. Thời gian từ nay đến khi Hiệp định có hiệu lực là giai đoạn rất quan trọng để các doanh nghiệp logistics của Việt Nam chuẩn bị cho việc tham gia vào sân chơi mới này.
Nguồn: Xuân Đông/Báo Công Thương điện tử\