Khảo sát được thực hiện với 2.500 DN châu Á (Trung Quốc, Hong Kong, Indonesia, Malaysia, Singapore và Thái Lan) và hỏi họ đâu là ưu tiên đầu tư và đầu tư vào thị trường nào. Theo đó, có 28% DN được khảo sát chọn Việt Nam là điểm đến hứa hẹn để mở rộng kinh doanh trong vòng 3-5 năm tới. Trong đó, có 38% DN từ Malaysia, 35% đến từ Thái Lan và 29% đến từ Singapore đã xếp Việt Nam vào nhóm 3 điểm đến hàng đầu cho việc mở rộng kinh doanh.
Các DN châu Á quan tâm tới Việt Nam nhờ kinh tế - chính trị ổn định (41%), khách hàng có nhu cầu lớn và ngày càng gia tăng (40%), cũng như thuế suất ưu đãi và môi trường pháp lý thuận lợi (35%).
Với tốc độ tăng trưởng kinh tế 6,7% trong năm 2015 cùng lực lượng lao động trẻ, khi 60% trong tổng dân số 90 triệu người đang ở độ tuổi dưới 35, Việt Nam đang chứng tỏ là một điểm đến đầu tư hấp dẫn. Trong nửa đầu năm 2016, Việt Nam đã thu hút được 11,3 tỷ USD, mức đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) kỷ lục, tăng 105 % so với cùng kỳ năm ngoái.
Ông Eric Tham - Trưởng nhóm Ngân hàng thương mại của UOB - cho biết, các kết quả từ khảo sát DN châu Á 2016 của UOB đã tái khẳng định ý chí kinh doanh của các DN trong khu vực, khi tiếp tục tìm kiếm thị trường mới để phát triển.
“Theo khảo sát, các lĩnh vực thu hút đầu tư đáng kể nhất vào Việt Nam là: công nghiệp sản xuất, y tế - dược phẩm, xây dựng - bất động sản, năng lượng và tài nguyên thiên nhiên. Đây là các lĩnh vực chủ chốt, giúp xây dựng nền tảng vững chắc để hỗ trợ công cuộc tăng trưởng kinh tế dài hạn của đất nước”, ông Tham cho biết.
Ông Chia Chor Meng - Chủ tịch Tập đoàn CKL Holdings (một công ty sản xuất thực phẩm, nước giải khát đã đầu tư vào Việt Nam) - chia sẻ, CKL Holdings thiết lập nhà máy sản xuất đầu tiên vào năm 1996. Các cơ sở nghiên cứu và phát triển tại đây đã giúp CKL Holdings sản xuất và cung cấp các sản phẩm phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng Việt. Cũng nhờ có môi trường xuất khẩu nhiều ưu đãi ở Việt Nam, CKL Holdings đã phân phối sản phẩm của mình đến 60 quốc gia trên toàn thế giới. Để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của khách hàng, CKL đã xây dựng nhà máy thứ hai năm 2015 với quy mô lớn gấp năm lần nhà máy đầu tiên.
Như vậy, dù kinh tế toàn cầu có thể chững lại, kinh tế Việt Nam vẫn sẽ tăng trưởng. Những DN châu Á biết nắm bắt cơ hội để cung cấp các sản phẩm và dịch vụ đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của tầng lớp trung lưu Việt Nam sẽ có ưu thế đặc biệt để xây dựng DN vững mạnh trong khu vực - ông Tham kết luận.
Nguồn: Thùy Dương/Báo Công Thương điện tử