menu search
Đóng menu
Đóng

Bộ Công Thương đồng hành, hỗ trợ hiệu quả xuất khẩu nông, lâm, thủy sản

09:12 21/05/2023

Trong các năm gần đây, xuất khẩu nông lâm thủy sản chịu tác động “rung lắc” của thị trường. Bộ Công Thương đã có nhiều giải pháp hỗ trợ hiệu quả, kịp thời.
 
Nông lâm thủy sản đã hiện diện ở 180 thị trường
Năm 2022 là khoảng thời gian đầy khó khăn cho nền kinh tế thế giới và Việt Nam cũng không thể tránh được những ảnh hưởng nặng nề, nhất là đối với hoạt động xuất nhập khẩu của nước ta.
Thế nhưng, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của nước ta năm 2022 ước đạt 371,85 tỷ USD, tăng 10,6% so với năm trước. Một con số ấn tượng trong bối cảnh nhiều nước trên thế giới vẫn đang phải đối mặt với tình trạng tăng trưởng âm, hoạt động giao thương bị hạn chế đáng kể.
Nông lâm thủy sản là một trong những ngành xuất khẩu quan trọng của Việt Nam, đóng góp tích cực vào kim ngạch xuất khẩu chung của cả nước. Trong năm 2022, xuất khẩu nông lâm thủy sản mang về 53,2 tỷ USD, vượt xa mốc kỷ lục 48,6 tỷ USD của năm 2021…
Bước sang các tháng đầu năm 2023, những khó khăn trong sản xuất và sự sụt giảm đơn hàng xuất khẩu khiến kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 4 tháng đầu năm 2023 ước đạt 108,57 tỷ USD, giảm 11,8% so với cùng kỳ năm trước.
Riêng các mặt hàng nông lâm thủy sản, theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt 15,66 tỷ USD, giảm 13,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong bức tranh chung xuất khẩu nông lâm thủy sản có phần kém sáng, vẫn có những ngành, lĩnh vực có kim ngạch xuất khẩu có mức tăng trưởng cao trong 4 tháng đầu năm 2023, cụ thể, gạo tăng 54,5%, rau quả tăng 19,4%; sắn tăng 26,3%.
Các chuyên gia nhận định, hội nhập kinh tế mang lại những cơ hội rất lớn cho Việt Nam trong việc mở rộng thị trường, xuất khẩu nông lâm thủy sản. Đến nay, nông lâm thủy sản Việt Nam đã có mặt tại 180 thị trường trên thế giới. Nhiều nông sản của Việt Nam giữ những vị trí đứng đầu trong xuất khẩu trên thế giới như cà phê, lúa gạo, chè, hạt điều…
Đáng chú ý, Bộ Công Thương đã có sự nhanh nhạy, đổi mới công tác xúc tiến thương mại, mở ra nhiều thị trường xuất khẩu mới như: vải thiều tươi sang Nhật Bản, bưởi vào Chi Lê, chanh leo sang châu Âu...
Bên cạnh đó, các hoạt động xúc tiến thương mại trực tuyến đã giúp doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam tiết kiệm chi phí xúc tiến thương mại mà vẫn duy trì và phát triển tốt quan hệ với đối tác nước ngoài ở khắp 5 châu lục.
Riêng một số ngành như sản xuất đồ gỗ, đẩy mạnh phát triển trên các kênh trực tuyến như Alibaba.com được xem là một bước ngoặt đưa sản phẩm nông sản của Việt Nam tiếp cận khách hàng quốc tế hơn.
Khai thác hiệu quả các cơ hội từ các FTA
Trong bối cảnh kinh tế Mỹ và EU là những thị trường thương mại lớn của Việt Nam chỉ tăng trưởng đạt dưới 1% và không loại trừ khả năng suy thoái. Các nền kinh tế mới nổi, đang phát triển phục hồi khó khăn hơn, tăng trưởng giảm. Lạm phát vẫn còn ở mức cao tại nhiều nước khiến xu hướng thắt chặt tiền tệ - lãi suất được dự báo sẽ tiếp tục diễn ra trong thời gian tới.
Giá lương thực và vật tư nông nghiệp ổn định ở mức cao là thách thức nghiêm trọng đối với các nước đang phát triển, giá năng lượng vẫn có thể biến động do xung đột tại Ukraine và sự phục hồi khá mạnh của nền kinh tế Trung Quốc.
Thị trường bất động sản tại nhiều quốc gia suy giảm mạnh, ảnh hưởng trực tiếp tới nhiều ngành, lĩnh vực sản xuất, làm gia tăng rủi ro lên thị trường tài chính, tiền tệ, trái phiếu doanh nghiệp.
Ngành hàng nông lâm thủy sản cần chủ động thích ứng và vượt qua các rào cản thương mại, các biện pháp phòng vệ thương mại ở thị trường nước ngoài
Gần đây nhất, khó khăn của nhiều ngân hàng trên thế giới, của các Ngân hàng ở châu Âu, điển hình là sự sụp đổ của Ngân hàng Silicon Valley (SVB) nếu kéo dài có thể sẽ ảnh hưởng đến hoạt động thương mại quốc tế của Việt Nam...
Những xu hướng này sẽ làm giảm sức cầu hàng hóa và ảnh hưởng đến đầu tư mới, từ đó ảnh hưởng đến sản xuất và xuất khẩu của các nước, trong đó có nông lâm thủy sản của Việt Nam.
Mặt khác, hội nhập kinh tế quốc tế tạo ra cạnh tranh mạnh cả thị trường trong và ngoài nước. Nhu cầu của các thị trường thay đổi và yêu cầu tiêu chuẩn chất lượng ngày càng cao. Sự thay đổi chính sách nhập khẩu của các nước, sự gia tăng các rào kỹ thuật, các các biện pháp phòng vệ thương mại,… sẽ tác động rất lớn tới xuất khẩu nông sản.
Trong bối cảnh đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã nhận định đúng tình hình, quyết liệt chỉ đạo, đôn đốc, linh hoạt trong điều hành để hài hòa các mục tiêu trước mắt và lâu dài; phát huy tính chủ động, năng động, sáng tạo, thực hiện quyết liệt các giải pháp phục hồi, phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.
Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng cũng đặt ra nhiệm vụ đó là phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển phù hợp với nền kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại, hội nhập; phát triển đồng bộ và tạo ra sự liên kết giữa các khu vực, các vùng, các thành phần kinh tế, các loại hình sản xuất kinh doanh; có chính sách hỗ trợ hiệu quả doanh nghiệp trong nông nghiệp;…
Trên cơ sở quan điểm, định hướng chỉ đạo, điều hành của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã quán triệt, cụ thể hóa bằng các chương trình, kế hoạch hành động, đặc biệt là bám sát tình hình biến động của kinh tế thế giới để linh hoạt trong điều hành, tập trung rà soát, tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt, nhanh chóng những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đề ra; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm huy động mọi nguồn lực cho phát triển.
Với mục tiêu phát triển xuất nhập khẩu bền vững với cơ cấu cân đối, hài hoà, phát huy lợi thế cạnh tranh, lợi thế so sánh, phát triển thương hiệu hàng hoá Việt Nam, nâng cao vị thế quốc gia trong chuỗi giá trị toàn cầu, là động lực của tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững, Bộ Công Thương đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, ban hành Quyết định số 493/QĐ-TTg ngày 19/4/2022 phê duyệt Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030.
Trong đó, Chiến lược đặt ra mục tiêu về định hướng phát triển ngành hàng nông lâm thủy sản trong thời gian tới như sau: Tăng tỷ trọng sản phẩm chế biến sâu, có giá trị kinh tế cao; nâng cao khả năng đáp ứng các quy định, tiêu chuẩn chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn trách nhiệm xã hội, môi trường; chủ động thích ứng và vượt qua các rào cản thương mại, các biện pháp phòng vệ thương mại ở thị trường nước ngoài.
Chiến lược yêu cầu đa dạng hóa thị trường, tránh phụ thuộc quá mức vào một khu vực thị trường; hướng đến cán cân thương mại song phương lành mạnh, hợp lý, bảo đảm tăng trưởng bền vững trong dài hạn.
Khai thác hiệu quả các cơ hội mở cửa thị trường từ các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế trong các Hiệp định thương mại tự do (FTA) để đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường lớn như EU, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, ASEAN... Đẩy mạnh khai thác các thị trường còn tiềm năng như Hoa Kỳ, Nga, Đông Âu, Bắc Âu, Ấn Độ, châu Phi, Trung Đông và châu Mỹ La tinh… hướng đến xây dựng các khuôn khổ thương mại ổn định, lâu dài.
Theo dự báo, kinh tế toàn cầu trong giai đoạn tới sẽ còn biến động phức tạp, không loại trừ nguy cơ suy thoái. Do đó, sẽ tác động rất lớn đến các ngành xuất khẩu của Việt Nam. Đây là vấn đề đã được Lãnh đạo Bộ, các Cục, Vụ chức năng của Bộ Công Thương tiên lượng, dự báo và chuẩn bị phương án ứng phó. Theo đó, Bộ Công Thương sẽ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và các hiệp hội ngành hàng xây dựng Chương trình hành động để tổ chức triển khai thực hiện Chiến lược đảm bảo thiết thực, hiệu quả, để hoạt động xuất nhập khẩu nói chung và xuất khẩu nông, lâm, thủy sản nói riêng tiếp tục là động lực của tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững của đất nước.

Nguồn:Nguyễn Hạnh/Congthuong.vn

Link gốc