Đó là hoàn thiện môi trường pháp lý, môi trường kinh doanh, phát triển thị trường bán lẻ, chú ý chất lượng quy hoạch vùng...
Những chia sẻ dưới đây của Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh với phóng viên TTXVN sẽ làm rõ hơn về vấn đề này.
- Việt Nam hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới cũng đi liền với việc các nước tăng cường áp dụng các rào cản thương mại và kỹ thuật sẽ gia tăng. Vậy Bộ Công Thương có giải pháp nào để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển?
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Phải nói cho đúng xu thế bảo hộ mậu dịch hoặc sử dụng hàng rào kỹ thuật là xu thế chung và áp dụng chung đối với các quốc gia khác chứ không chỉ riêng với Việt Nam.
Tuy nhiên, Việt Nam lại có ý nghĩa đặc biệt vì là một quốc gia đang phát triển và năng lực trong sản xuất các sản phẩm của các ngành kinh tế còn hạn chế.
Đặc biệt, trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu rộng với hàng loạt các quốc gia và tham gia hàng loạt các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới nên thách thức đặt ra cũng rất lớn.
Các doanh nghiệp có thể được hưởng điều kiện thuận lợi của hàng rào thuế quan thậm chí cả qui trình kỹ thuật để tiếp cận thị trường nhưng những hàng rào kỹ thuật sẽ không hề đơn giản nhất là với những sản phẩm nông sản, thủy sản hoặc là thực phẩm-những ngành hàng các thị trường rất quan tâm.
Do đó, đã có rất nhiều các đề án; trong đó có đề án xuất khẩu bền vững đến 2020 với 36 đề án thành tố chứa đựng nhiều giải pháp và những giải pháp này sẽ đóng góp rất tích cực cho xuất khẩu.
Việc tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng rất quan trọng. Bởi vì chỉ có đổi mới mô hình tăng trưởng rộng và sâu, nâng cao hơn nữa hiệu quả đầu tư và giá trị gia tăng của sản phẩm, đặc biệt thông qua hàm lượng công nghệ cũng như hàm lượng năng suất lao động đáp ứng yêu cầu cao về mặt quy cách phẩm chất mới giúp đạt hiệu quả và thành công.
Không chỉ vậy, tới đây Bộ tiếp tục hoàn thiện môi trường pháp lý, môi trường kinh doanh nhằm giúp doanh nghiệp khai thác được các nguồn lực để phát triển.
- Nhiều chuyên gia nhận định nhà bán lẻ Việt Nam sẽ phải cạnh tranh không cân sức với các doanh nghiệp nước ngoài. Trong khi Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương chú trọng phát triển hệ thống bán lẻ, thúc đẩy sản xuất và khuyến khích tiêu dùng hàng Việt Nam. Xin Bộ trưởng cho biết Bộ Công Thương sẽ có những giải pháp nào để phát triển thị trường bán lẻ trong nước mà vẫn bảo đảm theo đúng cam kết quốc tế?
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Thị trường trong nước luôn được xác định và cho thấy vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam.
Chủ trương đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước nói chung; trong đó một trọng tâm quan trọng là phát triển thị trường bán lẻ, đã được Đảng và Nhà nước xác định một cách thống nhất, xuyên suốt nhiều giai đoạn phát triển vừa qua cũng như trong định hướng chiến lược phát triển kinh tế-xã hội những năm tiếp theo.
Tôi cũng cho rằng để có thể phát triển được một thị trường bán lẻ bền vững, cạnh tranh thành công trong hội nhập, bên cạnh việc có một chiến lược, định hướng rõ ràng cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực phân phối bán lẻ, cần phải tập trung thúc đẩy nâng cao năng lực sản xuất của chính doanh nghiệp sản xuất hàng hóa trong nước, từ đó tạo ra được những sản phẩm hàng hóa của Việt Nam có chất lượng tốt, giá cả phù hợp...
Đây chính là điều kiện đủ để phát triển một thị trường phân phối bán lẻ hàng hóa thực sự bền vững, cạnh tranh được với các doanh nghiệp, hàng hóa của nước ngoài.
Bộ Công Thương đang nỗ lực cùng các bộ, ngành liên quan tập trung rà soát, xây dựng, điều chỉnh các quy định, cơ chế chính sách có liên quan trong tất cả các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ, tạo điều kiện, giải phóng năng lực sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp Việt Nam theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 35/NQ-CP.
- Xin Bộ trưởng cho biết những mục tiêu cụ thể trong tái cơ cấu và cải cách hành chính, khuôn khổ pháp lý của ngành công thương trong năm nay sẽ tập trung vào vấn đề gì?
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Đề án Tái cơ cấu ngành công thương nhằm thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và năng lực cạnh tranh của ngành.
Bên cạnh đó, nghiên cứu đổi mới mô hình, tổ chức hoạt động của ngành và xây dựng mô hình quản lý nhà nước về năng lượng hợp lý đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Việc tái cơ cấu ngành công thương được Bộ thực hiện theo lĩnh vực công nghiệp, năng lượng, thương mại và hội nhập kinh tế quốc tế.
Trong đó, đối với lĩnh vực công nghiệp, Bộ Công Thương sẽ phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên hướng đến tập trung phát triển một số ngành công nghiệp sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng cao; giá trị xuất khẩu lớn.
Đồng thời, tạo thị trường cho công nghiệp hỗ trợ phát triển; sử dụng công nghệ cao; tạo nhiều việc làm đòi hỏi trình độ cao; giảm dần các lĩnh vực sử dụng nhiều tài nguyên khoáng sản và lao động giản đơn.
Ngoài ra, Bộ Công Thương tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, củng cố và mở rộng thị phần hàng hóa Việt Nam tại các thị trường truyền thống Nga và Đông Âu.
Mặt khác, Bộ sẽ tận dụng cơ hội để tạo bước đột phá mở rộng các thị trường xuất khẩu mới có tiềm năng như Ấn Độ, các nước Nam Á khác, châu Phi và Trung Đông, Mỹ Latinh cũng như ưu tiên khai thác và các thị trường xuất khẩu trọng điểm, chiến lược như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU), ASEAN, Australia...
Đồng thời, tập trung xúc tiến thương mại tìm kiếm thị trường mới cho các mặt hàng nông sản, rau quả của Việt Nam.
Tận dụng tốt các cơ hội mở cửa thị trường của nước ngoài và lộ trình cắt giảm thuế quan để đẩy mạnh xuất khẩu và nâng cao hiệu quả xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang các thị trường đã ký các thỏa thuận thương mại tự do (FTA/EPA/CEP).
Bên cạnh đó, tiếp tục đa dạng hóa thị trường nhập khẩu, đặc biệt là thị trường nhập khẩu nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất, từng bước cải thiện cán cân thương mại với các thị trường Việt Nam nhập siêu theo hướng cân bằng hơn.
Đặc biệt, Bộ sẽ tăng cường kiểm tra chất lượng hàng nhập khẩu và sử dụng hàng rào kỹ thuật để hạn chế nhập khẩu.
- Thưa Bộ trưởng, quy hoạch vùng được coi là yếu tố tốt để phát triển ngành. Vậy quy hoạch vùng sẽ được Bộ Công Thương quan tâm và điều chỉnh ra sao trong năm nay?
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Có rất nhiều bài học trên thực tế thời gian qua từ trong xây dựng và phát triển quy hoạch.
Nhưng bài học quan trọng đầu tiên là đổi mới quản lý trật tự và điều hành thì chúng ta đã làm được và Bộ Kế hoạch và Đầu tư là tác giả.
Tôi hy vọng, trong thời gian tới sẽ tạo ra tính nền tảng trong quy hoạch và hướng đến tính chất lượng, sự bền vững và tính khả thi của các quy hoạch.
Nhưng tôi cho rằng vẫn có vai trò rất quan trọng của các cơ quan quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này để đảm bảo cho các quy hoạch đó luôn được hoàn thiện và tổ chức hiệu quả.
Bởi không chỉ có một cơ quan duy nhất của Nhà nước chịu trách nhiệm toàn bộ các khía cạnh của quy hoạch mà phải thể hiện được quản lý, điều hành bởi các cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành, các bộ.
Bên cạnh đó, cho dù quy hoạch đó được xây dựng trên nền tảng nào, hướng tới mục đích gì thì quan trọng nhất là cơ chế pháp luật đi kèm để tạo điều kiện giải phóng các nguồn lực xã hội, tức là các nguồn lực từ khu vực tư nhân, doanh nghiệp nước ngoài và khu vực khác. Chứ không phải khu vực đó chỉ dành cho Nhà nước hoặc chỉ dành cho doanh nghiệp Nhà nước mà chúng ta phải có quan điểm, môi trường cạnh tranh bình đẳng.
Hơn nữa, các quy hoạch đó phải được công khai, hướng tới các đối tượng khác. Và như vậy thì quy hoạch sẽ được tổ chức thực hiện.
Đồng thời, quy hoạch cũng gắn với khung khổ pháp lý liên quan đến chức năng quản lý Nhà nước.
Chúng ta hãy mường tượng nếu như một quy hoạch thép không gắn chặt với với quy hoạch liên quan bảo vệ môi trường, chất lượng công nghệ chúng ta sẽ có những quy hoạch không hiệu quả.
Và vì vậy, vấn đề chúng ta hướng tới tiếp theo là hoàn thiện thể chế, hướng tới Chính phủ liêm chính, kiến tạo.
Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!
Nguồn: Uyên Hương/Vietnamplus.vn