menu search
Đóng menu
Đóng

Cơ hội lớn cho sôcôla Việt

16:06 13/12/2016

Chất lượng cacao Việt Nam cũng đã được thế giới công nhận, đây là lợi thế để các doanh nghiệp Việt Nam gia nhập thị trường mà không mất nhiều chi phí để quảng bá thương hiệu.

Những năm trước, ít ai biết rằng nhiều loại sôcôla cao cấp được bán ở châu Âu được sản xuất từ hạt cacao Việt.

Gần đây, với sự đầu tư mạnh mẽ của các hãng sôcôla lớn trên thế giới, những vùng nguyên liệu cacao rộng lớn với chất lượng cao đã được hình thành. Nhiều giải thưởng quốc tế cho cacao và sôcôla từ các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre dù thuộc về các doanh nghiệp nước ngoài nhưng đã khẳng định vị thế của cacao Việt. Điều này đã tạo đà cho nhiều doanh nghiệp Việt khởi nghiệp và thành công với sôcôla.

Thuận lợi từ thị trường

Nhật Bản là một trong những thị trường khắt khe nhất thế giới. Người tiêu dùng Nhật luôn đòi hỏi các sản phẩm được bày bán phải có chất lượng cao và đảm bảo nhiều tiêu chuẩn khác nhau.

Gần đây, làn sóng tiêu dùng các sản phẩm sôcôla cao cấp được sản xuất thủ công bean-to-bar với các hương vị khác biệt đang ngày càng gia tăng tại Nhật, đặc biệt với sôcôla làm quà tặng, mặc dù chúng có giá đắt đỏ hơn nhiều lần so với các loại sôcôla thường. Đây cũng là xu hướng chung tại nhiều nước trên thế giới.

Nhàm chán với các hương vị sôcôla truyền thống, khách hàng của dòng sôcôla cao cấp đang có xu hướng chuyển sang những sản phẩm sôcôla mới lạ, đặc biệt khi họ biết rằng hương vị sôcôla có thể thay đổi nhờ vào xuất xứ nguyên liệu. Họ muốn tìm hiểu xuất xứ của hạt cacao làm nên sôcôla, không chỉ tên quốc gia trồng cacao mà cả địa phương làm nên chúng, cũng như quy trình chế biến, vận chuyển. Xu hướng này đang buộc các hãng sản xuất phải thay đổi trong việc chọn nguồn nguyên liệu và sản xuất để đáp ứng nhu cầu của người dùng.

Theo các chuyên gia, thị trường tiêu thụ sôcôla hiện nay đang có sự dịch chuyển lớn từ khu vực các nước châu Âu, Hoa Kỳ sang các quốc gia châu Á. Trong đó, một số nước đang đạt mức tăng kỷ lục như Ấn Độ tăng 20%/năm, Trung Quốc tăng 30%/năm, Nhật Bản tăng 35%/năm…

Lượng tiêu thụ sôcôla bình quân đầu người tại châu Á hiện còn thấp trong khi xu thế tiêu dùng sôcôla lại đi lên, vì vậy thị trường này sẽ còn tăng trưởng tốt trong dài hạn.

Theo Hãng Euromonitor International, năm 2015, ngành bán lẻ sôcôla trên toàn cầu đạt 101 tỷ USD, tăng 6,7% so với năm trước. Nhu cầu cacao sẽ bức thiết hơn khi các chuyên gia dự đoán nhu cầu thị trường lên đến 1 triệu tấn năm 2020. Bên cạnh đó, sự sụt giảm sản lượng tại một số nước cung cấp phần lớn cacao của thế giới như Ghana, Bờ Biển Ngà, Indonesia, Malaysia… sẽ khiến giá mặt hàng này tăng 2 – 3% mỗi năm.

Cơ hội lớn cho sôcôla do người Việt sản xuất

Tuy là thị trường tiêu dùng mới của ngành hàng sôcôla, Việt Nam được đánh giá có nhiều tiềm năng phát triển bởi nguyên liệu cacao bền vững, ổn định. Điều này đã được chứng minh khi hàng loạt các hãng sản xuất sôcôla danh tiếng chọn Việt Nam để đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu trồng cacao và nhà máy sản xuất phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.

Chất lượng cacao Việt Nam cũng đã được thế giới công nhận, đây là lợi thế để các doanh nghiệp Việt Nam gia nhập thị trường mà không mất nhiều chi phí để quảng bá thương hiệu.

Có mặt tại Triển lãm Thực phẩm Việt Nam 2016 tại Trung tâm triển lãm SECC Q.7, TP.HCM tháng 11 vừa qua, gian hàng của Công ty TNHH Cacao Xuân Ron Chợ Gạo gây ấn tượng cho nhiều khách hàng nước ngoài bởi sản phẩm sôcôla bean-to-bar thương hiệu Alluvia. Trong nhận thức của nhiều người, sôcôla ngon và cao cấp phải do châu Âu sản xuất, thế nhưng, khi dùng thử sản phẩm của Xuân Ron, nhiều người thích thú bởi thiết kế bên ngoài lẫn hương vị bên trong.

Với nguồn nguyên liệu cacao đạt chuẩn UTZ tại tỉnh Tiền Giang, địa phương nổi tiếng với hạt cacao và sôcôla đạt những giải thưởng lớn, các nhà nhập khẩu nước ngoài gần như không đắn đo về chất lượng mà đặt hàng ngay sôcôla Alluvia cho mùa Valentine sắp tới.

Chị Nguyễn Ngọc Điệp - Giám đốc công ty cho biết, gia đình chị trước đây vốn có kinh nghiệm trồng, thu mua, sơ chế hạt cacao khô để bán cho các hãng lớn của nước ngoài đang kinh doanh tại Việt Nam. Đến năm 2013, nhận thấy tiềm năng thị trường với các sản phẩm cacao, sôcôla cao cấp được sản xuất thủ công, gia đình chị thành lập Công ty TNHH Cacao Xuân Ron Chợ Gạo kinh doanh các sản phẩm từ cacao như bột, bơ cacao, hạt cacao rang, đồng thời bắt đầu việc nghiên cứu sản xuất sôcôla bean-to-bar vốn đang được khách hàng quốc tế ưa chuộng.

Theo chị, thử thách lớn nhất khi sản xuất sôcôla là việc nghiên cứu để làm ra sản phẩm được khách hàng yêu thích mà vẫn giữ được yếu tố tự nhiên, tốt cho sức khỏe. Quá trình này cần thời gian, sự kiên trì vì phải trải qua rất nhiều lần sửa sai. Mãi đến năm 2015, sau nhiều lần thất bại, công ty đã cho ra đời các sản phẩm sôcôla bean-to-bar Alluvia với hương vị mới lạ nhưng vẫn giữ được vị thơm ngon tự nhiên.

Cộng với sự đầu tư về bao bì, Alluvia nhanh chóng được khách hàng trong nước lẫn khách Âu, Mỹ, Nhật, Hàn… đánh giá cao. Hiện đây cũng là sản phẩm sôcôla Việt bán chạy tại Ân Nam Gourmet, hệ thống cửa hàng chuyên bán thực phẩm ngoại cao cấp cho người nước ngoài.

Thách thức lớn nhất hiện nay với Xuân Ron cũng như nhiều doanh nghiệp sản xuất sôcôla khác của Việt Nam là bài toán tài chính để chuyên nghiệp hóa và mở rộng sản xuất. Nhiều nhà nhập khẩu từ Nhật Bản, Hàn Quốc đã ngỏ lời đặt hàng, thế nhưng vì sản xuất theo hướng thủ công, việc đáp ứng đơn hàng lớn với những tiêu chuẩn khắt khe của họ đòi hỏi Xuân Ron phải có sự đầu tư lớn về máy móc, cải tiến quy trình sản xuất.

Nếu đáp ứng được các đơn hàng này, đây sẽ là bước đệm quan trọng để thương hiệu Alluvia lớn mạnh và xâm nhập các thị trường khác. Công ty đang kêu gọi thêm nhà đầu tư để có vốn và nguồn lực mở rộng sản xuất.

Cacao và sôcôla Việt Nam cùng với nỗ lực của các doanh nghiệp như Xuân Ron đang có cơ hội lớn để khẳng định thương hiệu trên thị trường quốc tế. Trong quá trình này, doanh nghiệp rất cần sự chung tay của các cơ quan nhà nước trong việc hỗ trợ xúc tiến thương mại, đẩy mạnh xuất khẩu, tháo gỡ khó khăn trong chính sách tiếp cận vốn…

Một việc quan trọng cần làm ngay là chiến lược xây dựng chỉ dẫn địa lý cho cacao tại các địa phương để cacao Việt Nam được bảo hộ và gia tăng vị thế cạnh tranh, đồng thời giúp doanh nghiệp giảm bớt chi phí xây dựng thương hiệu.

Nguồn: TUỆ ANH/DNSGCT