menu search
Đóng menu
Đóng

Doanh nghiệp da giày: Xác lập vị thế tại thị trường nội địa

08:41 27/12/2016

Các doanh nghiệp (DN) da giày trong nước chưa chủ động khi tỷ lệ nhập khẩu nguồn nguyên phụ liệu chiếm gần 60%. Đây là nguyên nhân khiến các sản phẩm da giày Việt chưa có sức cạnh tranh, chưa thực sự xác lập được vị trí tại thị trường trong nước.

Với vị thế là nước sản xuất lớn thứ 3 thế giới và xuất khẩu (XK) thứ 2 thế giới (sau Trung Quốc), hiện sản lượng XK giày dép của Việt Nam chiếm 8,4% toàn cầu. Để làm được điều này, các DN ngành da giày đã không ngừng đổi mới, đầu tư trang thiết bị, công nghệ hiện đại, nâng cao chất lượng sản phẩm và nguồn nhân lực. Nhờ đó, các sản phẩm da giày, túi xách Việt Nam đã được XK đến nhiều quốc gia trên thế giới, tạo ra việc làm và thu nhập cho hàng triệu lao động.

Các DN cũng đang nỗ lực khai phá thị trường nội địa. Hiện nhóm sản phẩm được người tiêu dùng Việt ưa chuộng và tìm mua nhiều nhất là hàng Việt Nam XK với kiểu dáng, màu sắc, chất liệu đa dạng. Đặc biệt, các sản phẩm này đáp ứng tốt yêu cầu của mọi phân khúc giá và đối tượng tiêu dùng, từ trẻ em, giới trẻ đến người trung niên... Nhiều thương hiệu giày dép Việt đã chinh phục được người tiêu dùng nội địa như Bitis, giày Tuấn Việt, giày Thượng Đình… với chất lượng vượt trội và hệ thống phân phối rộng khắp.

Quyết tâm tạo ra được thương hiệu da giày “Made in Vietnam” trên trường quốc tế và chinh phục tốt hơn thị trường nội địa được coi là hướng đi đúng đắn, nhất là trong giai đoạn XK đang gặp khó như hiện nay.

 

Tuy nhiên, nhóm sản phẩm này hiện không đủ cho nhu cầu thị trường. Theo Hiệp hội Da giày Việt Nam (LEFASO), hàng của DN Việt sản xuất có đến 90% sản phẩm dành cho XK, chỉ 10% là dành tiêu thụ nội địa. Sản phẩm của ngành hiện chỉ mới đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu thị trường nội (nhu cầu tiêu thụ sản phẩm giày dép trong nước hiện nay khoảng 150 triệu đôi/năm). Đó là chưa kể việc sản phẩm tiêu thụ trên thị trường chủ yếu thuộc phân khúc thấp và trung cấp, nên khó cạnh tranh với hàng Trung Quốc.

Cũng theo LEFASO, điểm yếu của ngành Da giày tại thị trường nội địa là kém phát triển cả về chất lượng và chủng loại, bởi sản xuất phụ thuộc quá nhiều vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu (đến 60%). Công nghiệp phụ trợ cho ngành như thuộc da, hóa chất kém phát triển và thiếu các trung tâm nghiên cứu phát triển (R&D) cũng như đội ngũ nhân lực có trình độ cao. Các DN trong ngành đang chủ động liên kết để phát triển thị trường trong nước. Hiệp hội cũng đã làm việc với Bộ Công Thương và Bộ Khoa học và Công nghệ để khuyến khích DN đầu tư vào sản xuất sản phẩm mới, nâng dần giá trị.

Vai trò của thị trường trong nước đang không ngừng tăng cao khi mới đây, trong chuyến thăm và làm việc với Công ty Giày Thái Bình (tỉnh Bình Dương) - một trong những DN da giày lớn, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã chỉ đạo ngành da giày cần chuyển đổi, sử dụng những vật liệu mới thay thế nguyên vật liệu truyền thống, hạn chế thuộc da; nghiên cứu, phát triển các ý tưởng thời trang; quản lý sản xuất và mở rộng mạng lưới phân phối đủ mạnh để tạo sự cạnh tranh, không chỉ XK mà cả ở thị trường trong nước.

Nguồn: Bảo Ngọc/Báo Công Thương điện tử