Bộ Công Thương cho biết, các địa phương đã yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi cần xác định giá tối đa trong các khâu bán buôn, bán lẻ theo quy định. Giá kê khai này được gửi tới Sở Công Thương để làm cơ sở thực hiện việc đăng ký giá bán.
Phương pháp xác định giá tối đa trong khâu bán buôn và giá tối đa trong khâu bán lẻ thực hiện theo quy định tại Điều 2 Quyết định số 1079 của Bộ Tài chính về áp dụng biện pháp bình ổn giá đối với sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi và hướng dẫn tại Công văn số 6230 về bình ổn giá đối với sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi.
Quyết định nêu rõ, các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh sản phẩm sữa phải xác định giá tối đa trong khâu bán buôn, bán lẻ theo quy định, gửi cơ quan có thẩm quyền quản lý giá để làm cơ sở thực hiện việc đăng ký giá.
Cơ quan quản lý giá có trách nhiệm tiếp nhận đề nghị về giá tối đa và hồ sơ đăng ký giá để thực hiện rà soát chi phí hình thành giá tối đa, kiểm soát việc đăng ký giá theo quy định của pháp luật; công khai mức giá tối đa sản phẩm sữa của tổ chức, các nhân thuộc diện đăng ký giá tại Bộ Công Thương; trong phạm vi thẩm quyền xử lý hoặc trình cấp có thẩm quyền xử lý các vấn đề phát sinh, kịp thời để xuất các nội dung cần điều chỉnh cho phù hợp với diễn biến thị trường trong thời gian áp dụng bình ổn giá.
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm tổ chức thực hiện bình ổn giá tại địa phương theo quy định; tiếp nhận đề nghị về giá tối đa và đăng ký giá, thực hiện kiểm soát chi phí hình thành giá tối đa, kiểm soát việc đăng ký giá theo quy định của pháp luật đối với tổ chức, cá nhân thuộc diện đăng ký giá trên địa bàn; công khai mức giá tối đa sản phẩm sữa; báo cáo kết quả thực hiện biện pháp bình ổn giá hàng tháng và trường hợp có yêu cầu khác về Bộ Công Thương.
Kế hoạch bình ổn giá các mặt hàng sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi được áp dụng đến hết tháng 3 năm 2017.
Trước đó, từ 1/6/2014 theo Quyết định 1079/2014 của Bộ Tài chính, các sản phẩm sữa bột cho trẻ em dưới 6 tuổi đã được áp giá trần. Theo đó, mức giá bán buôn của nhiều sản phẩm sữa bị khống chế và giá bán lẻ được quy định không cao quá 15% so với giá bán buôn. Biện pháp này đã phần nào ổn định thị trường sữa vốn đang "loạn", tuy nhiên sau đó, một số doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp đã yêu cầu dỡ bỏ giá trần vì cho rằng biện pháp này không phù hợp với cơ chế thị trường.
Nguồn: Hoàng Dương/baotintuc.vn