Nguồn cung cạn kiệt đẩy đã đẩy giá lươn tại Nhật Bản lên cao. Điều này thúc đẩy các nhà khoa học nghiên cứu "biến" cá tra có mùi vị giống lươn.
Nhật Bản được xem là quốc gia tiêu thụ lươn lớn nhất thế giới. Mỗi năm quốc gia này tiêu thụ hàng trăm nghìn tấn lươn tương đương với 70% lượng lươn trên toàn thế giới. Trong đó, gần một nửa số lươn được tiêu thụ trong mùa hè do quan niệm truyền thống của người Nhật Bản là ăn nhiều lươn sẽ giúp cơ thể chống chọi với nắng nóng.
Chính vì điều này mà lượng cá thể lươn tự nhiên suy giảm nhanh chóng do hoạt động đánh bắt quá mức. Lượng cá thể lươn hoang dã đã giảm tới 90% chỉ trong vòng 3 thập kỷ. Năm 2013, chính phủ Nhật Bản đã phải đưa giống lươn Anguilla japonica vào Sách Đỏ những loài cá đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.
Việc nguồn cung lươn ngày càng trở nên khan hiếm trong khi đây lại là món ăn khoái khẩu của người dân Nhật Bản đã đẩy giá loài cá này liên tục leo thang thậm chí có cửa hàng phải nhập khẩu từ Trung Quốc với giá cắt cổ 40 USD/kg (khoảng hơn 850.000 VND/kg). Giá lươn tự nhiên được chế biến trong các cửa hàng cao cấp tại Nhật Bản thậm chí còn đắt hơn khoảng 50-60%.
Một số cửa hàng chuyên phục vụ món ăn về lươn bình dân thậm chí đã phải đóng cửa vì giá lươn nguyên liệu quá đắt. Điển hình như cửa hàng lươn nổi tiếng được nhiều người yêu thích Suekawa đã phải đóng cửa sau 65 năm hoạt động. Một cửa hàng lươn nổi tiếng khác với "tuổi đời" hơn 60 năm có tên Benkei cũng buộc phải dừng hoạt động. Những nhà hàng lươn còn lại phải mua lươn với giá cao gấp 10 lần so với 8 năm trước. Chuỗi nhà hàng Hanaya buộc phải quyết định "xóa sổ" món lươn ra khỏi thực đơn do chi phí chế biến quá đắt.
Để giải quyết hình này, giáo sư Masahiko Ariji thuộc trường đại học Kindai đã phát minh cách nuôi và chế biến cá tra có hương vị giống như lươn. Từ năm 2009, giáo sư Ariji bắt đầu nghiên cứu làm cách nào để nâng cao chất lượng thịt cá tra có mùi vị giống với lươn Nhật Bản.
Giáo sư Ariji cho rằng nguyên nhân khiến mùi vị của cá tra kém hấp dẫn là do các loại vi khuẩn trong môi trường sinh sống của cá gây nên. Vì vậy, ông và các cộng sự đã nuôi cá tra trong môi trường sử dụng nước ngầm sạch.
Năm nay, "Ngày ăn lươn" của Nhật Bản (Tiếng Nhật là doyo no ushi no hi) sẽ rơi vào ngày 30/7. Vì vậy nhu cầu món ăn này sẽ tăng cao và đây sẽ là cơ hội tốt đối với mặt hàng cá tra bởi nó có mùi vị gần giống với lươn trong khi giá chỉ bằng một nửa. Một suất cơm với món Kabayaki "giả lươn" làm từ cá tra có giá chỉ 2.000 yên Nhật (tương đương với khoảng 18 USD). Kabayaki là món lươn nướng yêu thích của người Nhật thường được chấm với nước tương đậu nành.
Giáo sư Masahiko Ariji còn đang tiếp tục nghiên cứu thêm nhiều món ăn được chế biến từ cá tra sao cho giống lươn trong đó bao gồm Sashimi. Những món ăn này sẽ được bán quanh năm tại Nhật.
Hiện sản phẩm này đang được bán rộng rãi tại trung tâm thương mại AEON tại Nhật Bản. Tại đây sẽ bán khoảng 7.000 suất Kabayaki được làm từ cá tra bắt đầu từ thứ 7 tuần trước, ông Masahiko Ariji cho biết.
Cá tra Việt Nam cũng được ưa chuộng tại thị trường Nhật Bản khi sản phẩm này được tẩm ướp giống như món lươn truyền thống của nước này. Mặt hàng này đồng thời đã đạt được tiêu chuẩn Top Valu về đáp ứng thị hiếu của khách hàng và quy chuẩn chế biến.
Nếu các sản phẩm cá tra có thể thay thế được lươn sẽ là một cơ hội lớn cho các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra của Việt Nam. Thị trường Nhật Bản là một thị trường khó tính đòi hỏi kiểm soát nghiêm ngặt về vấn đề chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm nhưng cũng là thị trường sẵn sàng chi trả mức giá cao. Trong khi thị trường Mỹ, Châu Âu hiện đang gặp khó khăn về thuế chống bán phá giá thì việc mở rộng thị trường Nhật Bản sẽ là bước đi mới của các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra có thể tiếp cận thị trường này.
Nguồn: Đức Quỳnh/Ndh.vn