menu search
Đóng menu
Đóng

Gia tăng xuất khẩu nông sản có lợi thế trong năm 2022

17:16 18/01/2022

Năm 2022, Bộ NN&PTNT xác định sẽ tập trung nâng cao chất lượng, tăng sức cạnh tranh và tiếp cận thị trường cho sản phẩm nông nghiệp; gia tăng xuất khẩu nông sản có lợi thế, thị trường; mở rộng thị trường xuất khẩu chính ngạch các sản phẩm chủ lực.
 
Đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, không để phụ thuộc quá lớn vào một thị trường là một trong những nhiệm vụ được Bộ NN&PTNT đẩy mạnh triển khai năm 2022.
Theo Bộ NN&PTNT, năm 2022, ngành NN&PTNT tiếp tục có nhiều cơ hội, nhưng cũng đứng trước những thách thức như: dịch bệnh Covid-19 làm thay đổi nhu cầu và phương thức tiêu dùng, đòi hỏi sự chuyển đổi phù hợp về tổ chức sản xuất và cơ cấu lại kênh phân phối, kết nối cung - cầu đối với sản phẩm nông, lâm, thuỷ sản.
Biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét, cực đoan hơn, thiên tai khó lường, hạn hán và xâm nhập mặn luôn là nguy cơ tiềm ẩn...
Những yếu tố trên đòi hỏi toàn ngành phải tập trung nguồn lực, thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 8/1/2022 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2022.
Đại diện Bộ NN&PTNT cho biết, một trong những nhiệm vụ, giải pháp chính của ngành là thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp cơ cấu lại ngành gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh dựa trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Cụ thể là, toàn ngành sẽ điều chỉnh lại cơ cấu sản xuất nông, lâm, thủy sản. Điều này được thể hiện qua việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sản phẩm phù hợp với lợi thế và nhu cầu thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Phát triển chăn nuôi theo quy mô trang trại, duy trì chăn nuôi nông hộ nhưng theo hướng hữu cơ và chuyên môn hóa; ưu tiên nhập khẩu giống tốt; sản xuất thức ăn chăn nuôi công nghiệp đáp ứng nhu cầu trong nước và một phần xuất khẩu.
Với thuỷ sản, thực hiện đồng bộ, hiệu quả khuyến nghị Ủy ban châu Âu (EC) đưa ra để rút “thẻ vàng” của EC và hướng tới phát triển thủy sản biển bền vững, hiệu quả...
Ở lĩnh vực lâm nghiệp, thực hiện hiệu quả, đồng bộ Hiệp định VPA/PLEGT đã được phê duyệt, tạo điều kiện đẩy mạnh xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang EU... là các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.
Đáng chú ý, ở góc độ phát triển thương mại, thúc đẩy tiêu thụ, tăng cường xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản, đại diện Bộ NN&PTNT nêu rõ: Bộ xác định nâng cao chất lượng, tăng sức cạnh tranh và tiếp cận thị trường cho sản phẩm nông nghiệp; gia tăng xuất khẩu nông sản có lợi thế, thị trường; mở rộng thị trường xuất khẩu chính ngạch các sản phẩm chủ lực.
Cùng với đó là đẩy nhanh tiến độ đàm phán mở rộng thị trường xuất khẩu sang các nước EU theo FTA Việt Nam-EU (EVFTA) và các nước theo FTA Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á - Âu (VN-EAEU FTA), chú ý thị trường Nga và thị trường tiềm năng khác.
Trăn trở về vấn đề xuất khẩu nông sản bền vững, trong cuộc trao đổi với một số cơ quan báo chí mới đây, Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan chia sẻ: “Tôi đã đi nhiều nước châu Âu và nhận ra rằng, giá trị xuất khẩu nông sản của Việt Nam những năm qua tăng cao nhưng thiếu bền vững, còn mang tính tự phát; nghĩa là chủ yếu do sự năng động của doanh nghiệp kết nối với thị trường nước ngoài để đưa hàng sang chứ chưa có đề án chiến lược xuất khẩu bền vững cho từng loại thị trường”.
Hiện, Bộ NN&PTNT đang tham vấn các Đại sứ quán, Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài, trước mắt là khối EU và Trung Quốc để xây dựng Đề án xuất khẩu nông sản bền vững, không để tình trạng tới mùa vụ mới đi thu gom nông sản xuất khẩu mà phải khởi tạo được vùng nguyên liệu chuẩn hoá.
Phải bắt đầu từ vùng nguyên liệu tại địa phương, người nông dân chuẩn hoá theo quy trình canh tác và sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật phù hợp với yêu cầu của thị trường xuất khẩu. Các doanh nghiệp, đơn vị logistics cũng phải tham gia vào tạo ra giá trị cạnh tranh nhiều hơn.
“Sắp tới, Bộ NN&PTNT sẽ xây dựng liên minh Hiệp hội của các đơn vị xuất khẩu nông sản, lần đầu tiên có sự tham gia của các doanh nghiệp logistics để phối hợp giảm chi phí trung gian...”, “tư lệnh” ngành nông nghiệp nói.
Năm 2021, xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản đạt kết quả cao kỷ lục 48,6 tỷ USD, tăng 14,9% so với năm 2020. Năm 2022, toàn ngành phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng toàn ngành 2,8 - 2,9%; tốc độ tăng giá trị sản xuất đạt 2,9 - 3,0%; tổng kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 49 tỷ USD.

Nguồn:Thanh Nguyễn/haiquanonline

Link gốc