Nhiều nông sản chủ lực
Hải Dương được đánh giá là một trong những địa phương có rất nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực. Hầu như vùng nào của tỉnh cũng có nông sản chủ lực, nổi tiếng cả trong và ngoài nước như: Vải thiều, cà rốt, nếp cái hoa vàng…
Những năm gần đây, các cấp chính quyền tỉnh Hải Dương luôn quan tâm, chú trọng xây dựng thương hiệu cho nông sản chủ lực, tăng cường quảng bá, xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường xuất khẩu.
Trong danh sách các nông sản chủ lực của tỉnh Hải Dương, vải thiều là nổi bật hơn cả. Theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương, vải thiều được sản xuất tập trung, quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, đồng thời chăm sóc theo quy trình VietGap, GlobalGap, đáp ứng tốt các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về an toàn thực phẩm.
Vải thiều là nông sản nổi bật của tỉnh Hải Dương đã khẳng định được thương hiệu tại thị trường trong nước và quốc tế.
Hải Dương hiện có 8.850 ha vải, riêng huyện Thanh Hà có 3.285 ha vải thiều gồm 1.950 ha vải sớm. Năm 2024, do ảnh hưởng của thời tiết nên sản lượng vải của tỉnh ước đạt 40.000 - 45.000 tấn, giảm khoảng 15.000-20.000 tấn so với năm trước đó.
Vụ vải năm nay có 4 doanh nghiệp lớn trong tỉnh thu mua, xuất khẩu vải gồm các Công ty: CP Ameii Việt Nam, TNHH Sản xuất, Thương mại, Dịch vụ Rồng Đỏ, TNHH một thành viên Rau củ quả an toàn Thanh Hà và CP Nông sản Hưng Việt. Đây là 4 doanh nghiệp chính tham gia thu mua và xuất khẩu vải với số lượng lớn sang thị trường các nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Pháp, Mỹ, Malaysia, Thái Lan, Trung Đông...
Bên cạnh vải thiều, cà rốt cũng là sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của tỉnh Hải Dương.
Hải Dương hiện duy trì khoảng 1.400 ha trồng cà rốt cho sản lượng trên 70.000 tấn, trong đó, 100% diện tích được sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn VietGap, GolobalGap phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Sản phẩm cà rốt của Hải Dương đã được xuất khẩu sang thị trường các nước khu vực Trung Đông, Hàn Quốc, Nhật Bản, châu Âu, Malaysia, Singapore và Thái Lan… 80% xuất khẩu dạng đông lạnh, còn lại 20% đưa vào sấy khô hoặc tiêu thụ trong nước.
Nói về địa bàn trồng cà rốt nổi tiếng ở Hải Dương không thể không nhắc tới xã Đức Chính, huyện Cẩm Giàng.
Theo lãnh đạo xã Đức Chính, toàn xã xuất khẩu hơn 32.000 tấn cà rốt, chủ yếu sang Hàn Quốc (15.000 tấn), còn lại là các nước Nhật Bản, Lào, Thái Lan, Malaysia và khu vực Trung Đông. Giá cà rốt xuất khẩu đạt 8.000 đồng/kg, tương đương năm trước.
Hiện tại, một số cơ sở sơ chế, chế biến lớn đang tiếp tục được xây dựng tại huyện Cẩm Giàng, đáp ứng nhu cầu bảo quản và xuất khẩu, nâng cao giá trị cho cây cà rốt trong những năm tiếp theo.
Hướng tới những mục tiêu xa hơn
Nhằm hiện thực hoá giấc mơ đưa nông sản Việt vươn tầm thế giới, các cấp chính quyền tỉnh Hải Dương đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp.
Chính quyền Hải Dương triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm giúp nông sản tỉnh nhà vươn tầm thế giới.
Bà Lương Thị Kiểm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương cho biết, địa phương đã và đang tổ chức nhiều hoạt động kết nối tiêu thụ, tăng cường hoạt động quảng bá cho các nông sản chủ lực của tỉnh trong năm 2024.
Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) đã được ký kết, mở ra nhiều cơ hội cho nông sản Việt Nam khi nhiều dòng thuế đối với các mặt hàng rau, quả tươi được EU giảm về 0%. Tuy vậy, đây là thị trường khó tính, đòi hỏi quy trình sản xuất nghiêm ngặt, kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật chặt chẽ. Với những nỗ lực về xây dựng thương hiệu, sản xuất theo chuỗi liên kết, nông sản Hải Dương hứa hẹn sẽ tự tin cạnh tranh với các đối thủ trong quá trình chinh phục thị trường EU và nhiều thị trường khó tính mới.
Cùng với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công thương tỉnh Hải Dương đã xây dựng các kế hoạch xúc tiến thương mại. Điển hình như việc, Sở chủ động làm việc với các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản từ sớm, trước khi chưa vào mùa vụ để nắm bắt xem các doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, tiêu thụ có những khó khăn, vướng mắc gì. Vướng mắc thuộc thẩm quyền của Sở sẽ được hỗ trợ luôn, nếu liên quan đến các ngành, các cấp ở các địa phương thì cũng có phối hợp để tháo gỡ.
Theo lãnh đạo Sở Công thương tỉnh Hải Dương, liên tục trong 3 năm (2021 - 2023), Sở tham mưu với UBND tỉnh đã phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức các sự kiện xúc tiến thương mại quan trọng như: Hội nghị xúc tiến thương mại vải thiều, Lễ mở vườn thu hái vải, đưa vải thiều lên các chuyến bay nội địa và quốc tế và tham dự các sự kiện xúc tiến thương mại, đầu tư quốc tế tại Nhật Bản, Anh, Pháp, Bỉ, Hoa Kỳ, Australia và New Zealand…
Từ năm 2023, Sở Công Thương và một số sở ngành liên quan đã tham mưu lãnh đạo tỉnh cùng với một số doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp xuất khẩu nông sản đi thực hiện xúc tiến đầu tư thương mại ở một số nước. Qua đó góp phần nâng cao giá trị và thương hiệu vải thiều Thanh Hà nói riêng, nông sản Hải Dương nói chung trên thị trường trong nước và quốc tế, thúc đẩy liên kết, tiêu thụ và mở rộng thị trường xuất khẩu.
Sát cánh cùng doanh nghiệp, Sở Công Thương tỉnh luôn đổi mới hoạt động xúc tiến xuất khẩu, vừa nỗ lực duy trì thị trường truyền thống, trọng điểm, vừa phát triển thị trường mới (như ở các khu vực Đông Âu, Tây Á, Nam Á, châu Phi, Mỹ La tinh).
Tỉnh Hải Dương đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ bà con nông dân như: Hỗ trợ liên kết tiêu thụ sản phẩm, hỗ trợ sản xuất vùng trồng, hỗ trợ tham gia thực hiện hoạt động xúc tiến thương mại và hỗ trợ bao bì đóng gói, đưa lên sàn thương mại điện tử…
Điều đáng nói, quy hoạch tỉnh Hải Dương thời kỳ 2021 - 2030 và định hướng đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt rất thuận lợi cho các doanh nghiệp tìm hiểu đầu tư trong lĩnh vực phục vụ cho xuất khẩu nông sản.
Với những chiến lược phát triển hết sức rõ ràng, khoa học, tỉnh Hải Dương kỳ vọng thời gian tới sẽ tiếp tục đưa nông sản tỉnh nhà gặt hái thêm nhiều thành công trên thị trường trong nước và quốc tế.
Nguồn: https://ictvietnam.vn