Theo phóng viên TTXVN tại Praha, Đại sứ Việt Nam Thái Xuân Dũng, đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Cộng hòa Séc, đại diện Bộ Công Thương Séc, đại diện Hiệp hội Công nghiệp và Giao thông Séc, Hội hữu nghị Séc-Việt đã tham dự hội thảo, đồng thời thu hút sự quan tâm tham dự của hàng chục nhà lãnh đạo, quản lý của các cơ quan hữu quan và các doanh nghiệp Séc.
Mục đích của hội thảo nhằm giới thiệu tiềm năng hợp tác về thương mại, đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam và Séc cũng như tìm hiểu, trao đổi thông tin về thị trường và môi trường đầu tư hai nước, đặc biệt là trong bối cảnh Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) đang được tích cực triển khai, trong khi Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam-EU (EVIPA) cũng đang trong quá trình phê chuẩn. Bên cạnh đó, Hội thảo còn nhằm thảo luận về những khó khăn và biện pháp giúp tháo gỡ khó khăn trong việc thúc đẩy quan hệ thương mại-đầu tư giữa Việt Nam và Séc, cũng như những kinh nghiệm của Séc đối phó với đại dịch COVID-19 để phục hồi và phát triển kinh tế sau dịch.
Tại hội thảo, tham luận của các đại biểu đều tập trung đánh giá ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, không chỉ gây tổn thất nặng nề về sinh mạng con người và khủng hoảng y tế toàn cầu mà còn trở thành một thách thức rất lớn đối với mọi nền kinh tế trên thế giới, bao gồm cả Việt Nam và Séc. Trong bối cảnh khó khăn đó, việc EVFTA đi vào hiệu lực từ 1/8/2020, trong khi EVIPA cũng đang được nghị viện các quốc gia EU xem xét phê chuẩn đã thực sự mở ra những cơ hội quý giá cho việc tiếp cận thị trường, thông thương hàng hóa giữa Việt Nam và EU, mà Séc là quốc gia thành viên.
|
Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: Hồng Kỳ/PV TTXVN tại Czech
|
Theo các đại biểu, Séc đóng vai trò là đầu mối hợp tác Việt Nam-EU, là cửa ngõ quan trọng để hàng hóa Việt Nam thâm nhập sâu rộng hơn vào thị trường EU. Trong khi đó, nhờ có EVFTA cũng như nỗ lực của cả hai phía, bất chấp những khó khăn do đại dịch COVID-19, nhất là tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, quan hệ hợp tác thương mại song phương vẫn đạt được những kết quả rất đáng khích lệ. Cụ thể, tổng kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam và Séc trong năm 2020 đạt 1,5 tỷ USD, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước. Trong 6 tháng đầu năm 2021, lĩnh vực này vẫn đạt con số 936 triệu USD, tăng 28% so với cùng kỳ năm 2020.
Nhiều đại biểu là lãnh đạo, nhà quản lý các doanh nghiệp Séc đánh giá cao tiềm năng hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực thương mại và đầu tư, đồng thời mong muốn tìm kiếm cơ hội hợp tác, nhất là các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam như nông sản, thủy hải sản, hàng may mặc và đặc biệt là các sản phẩm thuộc ngành hàng da giày. Phía Séc cũng bày tỏ quan tâm đến khả năng hợp tác trong những lĩnh vực khác, như lĩnh vực hàng không dân dụng, nhất là hợp tác đào tạo phi công cho Việt Nam và mở thêm các đường bay thẳng giữa hai nước.
Bên cạnh đó, đại diện một số doanh nghiệp Séc cũng thẳng thắn trao đổi về những mối quan tâm, lo ngại trong việc hợp tác với Việt Nam, nhất là các vấn đề về cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, thủ tục hành chính. Theo các đại biểu, mặc dù đã có hiệu lực được hơn 1 năm, EVFTA vẫn chưa thực sự đem lại hiệu quả cho các doanh nghiệp hai nước, nhất là đối với các doanh nghiệp Việt Nam. Những vướng mắc và tồn tại được các doanh nghiệp Séc nêu ra không chỉ là các thủ tục pháp lý mà còn là vấn đề nâng cao chất lượng hàng Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Séc và EU, trong khi giá thành sản phẩm vẫn còn nhiều điểm chưa hợp lý. Các đại biểu cũng đề nghị hai bên cần tăng cường phối hợp, trao đổi để cùng tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là cần tận dụng tối đa những thuận lợi do EVFTA và có thể tới đây là cả EVIPA đem lại.
|
Chủ tịch Hiệp hội quản lý Czech (CMA) Ivo Gajdos phát biểu. Ảnh: Hồng Kỳ/PV TTXVN tại Czech
|
Trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN, ông Ivo Gajdos, Chủ tịch CMA đánh giá các sản phẩm của Việt Nam có chất lượng ngày càng tốt, nên được thị trường đón nhận nhiệt tình hơn. Sản phẩm của Việt Nam được người Séc ưa chuộng và CMA rất quan tâm thúc đẩy nhập khẩu các sản phẩm của Việt Nam. Ngoài ra, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung diễn ra căng thẳng khiến các doanh nghiệp có xu hướng chuyển dịch ra khỏi Trung Quốc sang các nước khác trong đó đó Việt Nam, trong khi EVFTA đã đi vào hiệu lực sẽ tạo ra cơ hội để Việt Nam tăng cường hợp tác thương mại với các nước EU cũng như với Séc.
Trong khi đó, Chủ tịch Hội hữu nghị Séc-Việt Milos Kusy cho biết người tiêu dùng Séc rất thích các sản phẩm của Việt Nam, đặc biệt là giày dép có chất lượng tốt và giá thành hợp lý, qua đó nhiều khách hàng đã quan tâm hơn đến các sản phẩm khác của Việt Nam. Gạo và cà phê Việt Nam cũng là những mặt hàng được ưa chuộng. Hàng năm, Hội hữu nghị Séc-Việt đều tổ chức các diễn đàn, hội thảo nhằm giúp các doanh nghiệp Séc và Việt Nam có thể kết nối và tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư và kinh doanh. Chính vì vậy, các doanh nghiệp Việt Nam cần tranh thủ các diễn đàn để quảng bá tốt hơn nữa thương hiệu và các sản phẩm của mình.
Về phía Việt Nam, Đại sứ Thái Xuân Dũng khẳng định trong bối cảnh hiện nay khi EVFTA đã có hiệu lực và EVIPA đang trong quá trình phê chuẩn, cả Việt Nam và Séc đều quan tâm tăng cường hợp tác thương mại song phương nhằm khôi phục kinh tế sau đại dịch COVID-19. Những ý kiến của giới doanh nghiệp Séc tại Hội thảo cho thấy để thành công trong hợp tác, bên cạnh sự hỗ trợ về cơ chế, chính sách của chính phủ, các doanh nghiệp Việt Nam cần nỗ lực nâng tầm, trước hết là nâng cao hơn nữa chất lượng, mẫu mã sản phẩm cho phù hợp với thị trường.
Đặc biệt, với xu hướng tiêu dùng ưa chuộng các sản phẩm gắn với tự nhiên hiện nay, các doanh nghiệp Việt Nam cần có quy trình sản xuất thân thiện với môi trường, sản phẩm làm ra phải bảo đảm sức khỏe người tiêu dùng cũng như đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe của Séc và EU. Bên cạnh đó, cũng cần quan tâm đến văn hóa doanh nghiệp, thái độ phục vụ đối với khách hàng và tăng cường quảng bá thương hiệu.
Hội thảo doanh nghiệp Séc-Việt là diễn đàn thiết thực để các nhà quản lý và doanh nghiệp hai nước cùng nhau bàn bạc nhằm tìm ra những biện pháp giúp khôi phục kinh tế của mỗi nước sau đại dịch trong bối cảnh EVFTA đã có hiệu lực. Đồng thời, đây cũng là cầu nối tin cậy để các doanh nghiệp thúc đẩy hợp tác thương mại, góp phần tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Séc.
Nguồn:Hồng Kỳ - Ngọc Long (TTXVN)/Báo Tin tức