menu search
Đóng menu
Đóng

HSBC: Các ngành công nghiệp dịch vụ hưởng lợi nhiều nhất từ thương mại toàn cầu

09:13 23/12/2016

Đối với Việt Nam, mặc dù thương mại hàng hóa chiếm ưu thế so với thương mại dịch vụ, tăng trưởng thương mại dịch vụ lại có tiềm năng phát triển đáng kể, theo báo cáo của ngân hàng HSBC.

Theo báo cáo mới nhất của Khối Dịch vụ Tài chính Doanh nghiệp HSBC, khi những khó khăn về kinh tế và chính trị làm giảm thương mại toàn cầu đối với hàng hóa và sản phẩm, các doanh nghiệp nào đang tìm kiếm giải pháp thúc đẩy doanh số thông qua xuất khẩu cần tìm hiểu các cơ hội gắn liền với mảng dịch vụ.

Trong khi giá trị xuất khẩu hàng hóa toàn cầu có xu hướng giảm 3% trong năm 2016, sản lượng giao thương của mảng dịch vụ như du lịch, ngân hàng, xây dựng và phát triển phần mềm lại tăng 1%, theo Dự báo Thương mại Toàn cầu của HSBC. Nội dung bản báo cáo mới này của HSBC bao gồm phân tích toàn diện về tình hình thương mại dịch vụ qua các quốc gia.

Nếu chính phủ các nước không đặt ra thêm trở ngại mới nào cho thương mại, giá trị xuất khẩu hàng hóa toàn cầu được kỳ vọng sẽ khôi phục dần và đạt mức tăng 3% trong năm 2017 và 6% mỗi năm đến năm 2030. Trong khi đó, dịch vụ sẽ đạt mức tăng trưởng binh quân hàng năm 7% đóng góp 12.400 tỉ đô la Mỹ vào sản lượng thương mại toàn cầu năm 2030, tăng từ mức 4.900 tỉ đô la Mỹ năm nay.

Tuy nhiên, nếu các rào cản mới về thuế quan và phi thuế quan được áp dụng, do ảnh hưởng từ thay đổi chính sách thương mại của Mỹ do Donald Trump đề ra hay do “hard Brexit” tại Anh, giá trị thương mại của hàng hóa và dịch vụ năm 2030 có thể giảm 3% ở mức 48.800 tỉ đô la Mỹ so với con số dự báo hiện tại là 50.000 tỉ đô la Mỹ.

Đối với Việt Nam, mặc dù thương mại hàng hóa Việt Nam chiếm ưu thế so với thương mại dịch vụ, tăng trưởng thương mại dịch vụ lại có tiềm năng phát triển đáng kể. Thương mại dịch vụ tại Việt Nam tập trung vào lĩnh vực dịch vụ du lịch và lữ hành. Với vị trí địa lý thuận lợi, nhiều điểm du lịch thu hút và chi phí tương đối thấp, Việt Nam trở thành điểm đến ưa chuộng của nhiều du khách.

Xuất khẩu dịch vụ quan trọng kế tiếp của Việt Nam sau du lịch là dịch vụ vận tải, là lĩnh vực gắn liền với du lịch và thương mại hàng hóa. Xuất khẩu của một số lĩnh vực cụ thể như hậu cần, vận chuyển, và bảo hiểm… được hưởng lợi khi thương mại sản xuất được đẩy mạnh.

Triển vọng thương mại dịch vụ sẽ tiếp tục tăng trưởng nhưng vẫn sẽ tập trung vào những lĩnh vực đã chiếm vị trí quan trọng. Du lịch và lữ hành được kỳ vọng đóng góp nhiều nhất vào tăng trưởng thương mại dịch vụ, đóng góp 65% vào tổng tăng trưởng xuất khẩu trong năm 2016-20 và 66% trong năm 2021-30. Theo sau là vận tải và phân phối, kỳ vọng sẽ đóng góp gần 20% vào tăng trưởng trong cùng giai đoạn. Tuy nhiên, khi du lịch được kỳ vòng duy trì vị trí dẫn đầu trong xuất khẩu dịch vụ vào năm 2030, sự thiếu hụt các hoạt động tiếp thị và đầu tư phát triển sẽ hạn chế tiềm năng phát triển của lĩnh vực này trở thành yếu tố đóng góp nhiều hơn nữa vào tăng trưởng xuất khẩu dịch vụ.

Natalie Blyth, Giám đốc Toàn cầu Dịch vụ Thanh toán Quốc tế và Tài trợ Thương mại, HSBC, cho biết: “Bức tranh toàn cảnh về thương mại toàn cầu, bao gồm dịch vụ và hàng hóa, cho thấy rõ giá trị của việc giao thương quốc tế đối với các nền kinh tế cũng như giá trị của sự đa dạng hóa đối với tăng trưởng của doanh nghiệp trong dài hạn. Chúng ta có thể thấy sự tiến bộ về mặt công nghệ, chi tiêu của người tiêu dùng tăng, chi phí du lịch giảm là những yếu tố thúc đẩy tăng trưởng của mảng dịch vụ mặc dù những yếu tố như giá cả hàng hóa bất ổn và đầu tư giảm làm ảnh hưởng đến tăng trưởng thương mại hàng hóa.”

Trong bản phân tích về thương mại song phương giữa 25 quốc gia chính, HSBC và đối tác nghiên cứu Oxford Economics phát hiện ra rằng tăng trưởng xuất khẩu dịch vụ đã bỏ xa tăng trưởng thương mại hàng hóa kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Điều này cũng một phần do chi tiêu cho dịch vụ ít bị ảnh hưởng bởi biến động kinh tế hơn so với chi tiêu cho hàng hóa.

Cụ thể, dịch vụ thương mại giữa các doanh nghiệp (B2B) và công nghệ thông tin truyền thông (ICT) có nhiều khởi sắc, tăng trưởng bình quân 9% và 12% tương ứng mỗi năm từ năm 2000 đến 2015 khi mô hình kinh doanh phát triển, khai thác được những ứng dụng công nghệ mới như chia sẻ dữ liệu đám mây (cloud-based data-sharing).

Mỹ, Anh, Trung quốc, Đức và Pháp đã từng là các quốc gia xuất khẩu dịch vụ hàng đầu trên thế giới năm 2015, và sẽ tiếp tục duy trì vị trí này vào năm 2030. Nhưng các thị trường phát triển nhất sẽ mất thị phần vào tay các nền kinh tế mới nổi do sự phát triển về lực lượng lao động có kỹ năng cũng như cơ sở hạ tầng kỹ thuật số của các thị trường này. Ấn Độ là một ví dụ điển hình. Ấn Độ đã trở thành nhà xuất khẩu rất thành công trong mảng gia công quy trình nghiệp vụ (BPO) và các dịch vụ hỗ trợ trong tài chính, y khoa, và kỹ thuật, và sẽ tiếp tục xu hướng tăng trong những năm tới.

Tuy nhiên, trong khi thương mại dịch vụ tiếp tục khởi sắc, giá trị thương mại dịch vụ khá nhỏ bé so với thương mại hàng hóa toàn cầu. Thương mại hàng hóa toàn cầu sẽ đạt 37.000 tỉ đô la Mỹ đến năm 2030, theo bản dự báo, tương ứng 75% tổng giá trị thương mại.

Nguồn: ndh/vn