menu search
Đóng menu
Đóng

Hưng Yên: Xúc tiến tiêu thụ nhãn và nông sản Khoái Châu

09:13 17/08/2016

Sáng 16/8, tại Hưng Yên, UBND huyện Khoái Châu phối hợp với Sở Công Thương tỉnh Hưng Yên tổ chức Hội nghị xúc tiến thương mại tiêu thụ nhãn và nông sản tiêu biểu của huyện. 

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Đức Sơn - Chủ tịch UBND huyện Khoái Châu - cho biết: Sự kiện lần này nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thu mua, nhà phân phối, thương lái có cơ hội tiếp xúc, tìm hiểu thông tin, kết nối cung cầu, thúc đẩy và mở rộng hợp tác trong tiêu thụ nhãn và các sản phẩm nông nghiệp của địa phương; mở rộng thị trường với các trung tâm tiêu thụ lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Lào Cai, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh… và tiến tới xuất khẩu, góp phần nâng cao giá trị quả nhãn và các nông sản khác, tăng thu nhập cho người nông dân.

Trước đó, huyện đã phối hợp với các đơn vị liên quan đề nghị và được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể đối với gà Đông Tảo và nhãn hiệu chứng nhận “Chuối tiêu hồng Khoái Châu”, tạo thuận lợi hơn trong vấn đề bảo hộ đối với nông sản.

Hiện tỉnh Hưng Yên nói chung và huyện Khoái Châu nói riêng đang bước vào mùa thu hoạch nhãn. Chia sẻ về tình hình sản xuất và tiêu thụ nhãn trên địa bàn huyện Khoái Châu, ông Lê Hải Đăng - Phó Chủ tịch UBND huyện Khoái Châu - cho biết: Hiện nay, diện tích nhãn của huyện khoảng 1.600ha, diện tích trồng quy mô tập trung khoảng 900ha, tập trung nhiều ở các xã Hàm Tử, Đông Kết, Bình Kiều, An Vĩ, Ông Đình… Về sản lượng, năm 2016 là một năm được mùa do thời tiết thuận lợi. Do đó, tổng sản lượng nhãn đạt khoảng 18.000- 20.000 tấn. Về giá trị, hiện nay, giá nhãn bán tại cửa vườn với loại nhãn ngon có giá từ 40.000-50.000 đồng/kg, loại nhãn có chất lượng khá từ 25.000-30.000 đồng/kg, loại nhãn chất lượng trung bình có giá khoảng 18.000-20.000 đồng/kg, riêng với nhãn tại vùng VietGAP, giá bán luôn cao hơn nhãn sản xuất đại trà từ 10-15%. Như vậy, tính trung bình giá nhãn khoảng 25.000 đồng/kg thì tổng giá trị thu từ nhãn của huyện khoảng 400 tỷ đồng.

Cũng theo ông Đăng, diện tích nhãn trên địa bàn huyện tăng dần qua các năm, theo đó năm 2011 là 402ha thì đến năm 2016 đạt 1.600ha, cùng với việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất kết hợp với canh tác theo phương pháp truyền thống nên cây sinh trưởng khỏe, chất lượng quả nhãn thơm ngon, đáp ứng nhu cầu của thị trường và khách hàng.

Tại hội nghị, các siêu thị và các doanh nghiệp thu mua nhãn nói riêng và nông sản nói chung cũng đã đưa ra những ý kiến đóng góp nhằm đẩy mạnh kết nối tiêu thụ nông sản. Bà Vũ Thị Hậu - Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Nhất Nam (chuỗi siêu thị Fivimart) cho biết - là hệ thống siêu thị lớn, công ty sẵn sàng kết nối thu mua không chỉ nông sản, nhãn, mà cả thủy hải sản, gia súc gia cầm vào tiêu thụ tại hệ thống siêu thị và chuỗi nhà hàng của công ty. Tuy nhiên, để hàng hóa vào được kênh phân phối này, bà Hậu cho biết, nhà cung ứng phải có đầy đủ giấy chứng nhận đủ điều kiện về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm. “Trong chuỗi nhà hàng của chúng tôi, có những khách hàng đặt cỗ yêu cầu làm gà Đông Tảo, nhưng khi chúng tôi đi tìm nguồn, hỏi nhà cung ứng về giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm thì lại không có, do đó, chúng tôi không thể đưa hàng này vào với chuỗi siêu thị”, bà Hậu chia sẻ.

Thực tế, đến thời điểm này, Fivimart vẫn chưa ký được hợp đồng kết nối tiêu thụ nhãn Khoái Châu, mà mới ký hợp đồng tiêu thụ chuối tiêu hồng, vì vậy, bà Hậu hy vọng thông qua những hội nghị xúc tiến thương mại này sẽ ký kết được hợp đồng với các hợp tác xã trồng nhãn nói riêng hay các hợp tác xã nông sản nói chung.

Thực tế, đến thời điểm này, Fivimart vẫn chưa ký được hợp đồng kết nối tiêu thụ nhãn Khoái Châu, mà mới ký hợp đồng tiêu thụ chuối tiêu hồng, vì vậy, bà Hậu hy vọng thông qua những hội nghị xúc tiến thương mại này sẽ ký kết được hợp đồng với các hợp tác xã trồng nhãn nói riêng hay các hợp tác xã nông sản nói chung.

Phát biểu kết luận hội nghị, ông Nguyễn Đức Sơn - Chủ tịch UBND huyện Khoái Châu khẳng định: Trước mắt, huyện sẽ giữ ổn định diện tích nhãn hiện có, tập trung đầu tư thâm canh để nâng cao chất lượng sản phẩm, ứng dụng công nghệ bảo quản sau thu hoạch phù hợp với nhãn tươi nhằm bảo đảm chất lượng, kéo dài thời gian tiêu thụ, giảm áp lực thu hoạch. Bên cạnh đó, sẽ chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế nông nghiệp, tăng tỷ trọng chăn nuôi, trong đó phát triển đàn gà Đông Tảo, chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học và bền vững. Quy hoạch vùng sản xuất cây trồng có lợi thế và cho hiệu quả cao như nhãn muộn, chuối tiêu hồng… cung cấp cho thị trường trong nước và tiến tới xuất khẩu, xây dựng nhãn hiệu cho một số nông sản mới. Cùng với đó, huyện sẽ đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, dự báo thị trường, khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, các nhà khoa học ký kết hợp đồng sản xuất, tiêu thụ sản phẩm để phát triển, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản trong nước và từng bước xuất khẩu.

Ngay sau khi kết thúc hội nghị, nhiều hợp đồng ghi nhớ tiêu thụ nhãn và nông sản giữa các đối tác đã được ký kết. Việc này được đánh giá là những kết quả đáng trân trọng, mở ra cánh cửa tiêu thụ nông sản bền vững, tránh cho trái nhãn hay nông sản của huyện Khoái Châu rơi vào điệp khúc "được mùa rớt giá".

Nguồn: Nguyễn Hạnh/Báo Công Thương điện tử