Để tăng kim ngạch XK hàng hóa nông sản Việt Nam sang Ấn Độ, mấu chốt là cần nhanh chóng mở rộng thị trường.
Tiềm năng hợp tác rất lớn
Quan hệ thương mại, là một trong 5 trụ cột quan trọng của quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam và Ấn Độ, đã có bước phát triển vượt bậc trong thời gian vừa qua. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Ấn Độ tăng 2,06 lần từ 5,43 tỷ USD năm 2016 lên 11,21 tỷ năm 2019; XK tăng 2,5 lần từ 2,69 tỷ USD năm 2016 lên 6,67 tỷ USD (2019); nhập khẩu tăng 1,65 lần từ 2,75 tỷ USD lên 4,54 tỷ USD. Việt Nam chuyển từ nước nhập siêu với giá trị lớn sang xuất siêu 2,1 tỷ USD năm 2019.
Tuy nhiên, sự hiện diện của hàng hóa Việt Nam nói chung và hàng nông sản nói riêng còn khá khiêm tốn. Theo số liệu của Bộ Công Thương, 5 tháng đầu năm 2020, Việt Nam xuất khẩu sang Ấn Độ đạt 1,76 tỷ USD bằng 63,1% so với cùng kỳ năm 2019, ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng nhập khẩu 1,448 tỷ USD, bằng 79,4% so với cùng kỳ năm 2019.
Còn theo Bộ Công Thương Ấn Độ, Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ 16 của Ấn Độ, tỷ trọng thương mại của Ấn Độ với Việt Nam chỉ đạt khoảng 1,65% so với tổng giá trị xuất nhập khẩu hàng hóa của Ấn Độ với toàn thế giới trong năm tài chính 2018 - 2019 ở mức 844 tỷ USD.
Hiện, thanh long là trái cây duy nhất của Việt Nam được cấp phép nhập khẩu vào Ấn Độ, còn cá basa là mặt hàng duy nhất mà Việt Nam có thể cạnh tranh với một đất nước XK thủy sản như Ấn Độ. Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu đánh giá, nếu như trong đại dịch Covid-19, rất nhiều doanh nghiệp (DN) gặp khó khăn, thậm chí phá sản, lĩnh vực nông sản hàng hóa vẫn tiếp tục tăng trưởng. Người ta có thể không đi máy bay, không đi du lịch, không đi nghỉ dưỡng, không đến rạp xem phim nhưng không thể không thể ăn. Và dường như người ta muốn ăn nhiều hơn, ngon hơn và đa dạng hơn. Đó chính là tiềm năng hợp tác rất lớn giữa 2 nước. Tuy nhiên, thương mại nông sản Việt Nam - Ấn Độ chưa đạt được kỳ vọng.
Gần đây, người dân và DN Ấn Độ đã biết nhiều hơn đến các sản phẩm nông sản, thực phẩm đặc sản của Việt Nam. Cụ thể là cá basa Việt Nam được nuôi trồng theo tiêu chuẩn, có giá trị cạnh tranh cao nên được người tiêu dùng Ấn Độ ưa chuộng. Trái thanh long Việt Nam ngon hơn thanh long của nhiều nước nên đã có mặt tại nhiều siêu thị, chợ đầu mối, nhà hàng - khách sạn. Dù vậy, nhiều loại sản phẩm khác của Việt Nam như trái vải miền Bắc, trái chôm chôm của các tỉnh phía Nam thuộc danh mục các loại trái cây ngon với hương vị đặc biệt đã được nhiều người Ấn Độ biết đến và yêu thích vẫn chưa được mở đường vào Ấn Độ.
Cần nhanh chóng mở rộng thị trường
Ông Phạm Sanh Châu đánh giá, Ấn Độ có dung lượng thị trường lớn với gần 1,4 tỷ người tiêu dùng, thị trường còn khá sơ khai, dễ tính, yêu cầu về tiêu chuẩn kỹ thuật chưa cao… nhưng cũng là nước áp dùng nhiều biện pháp bảo hộ. DN cần nhìn nhận theo hướng tính cực “do nhu cầu trong nước cao, khách hàng dễ tính, hàng hóa nước ngoài dễ thâm nhập nên nhà nước mới áp dụng biện pháp bảo hộ”, và coi đây là cơ hội,mạnh dạn đầu tư kinh doanh tại Ấn Độ.
Giữa Việt Nam và Ấn Độ có quan hệ bổ trợ, nhiều mặt hàng của Việt Nam có tiềm năng XK như nông sản và thực phẩm chế biến; các sản phẩm hạt điều, cà phê; các loại gia vị như quế, hồi, thảo quả, đinh hương... còn nhiều dung lượng để phát triển thị trường. Để tăng kim ngạch XK hàng hóa nông sản Việt Nam sang Ấn Độ, các chuyên gia cho rằng, mấu chốt là cần nhanh chóng mở cửa thị trường. “Bộ Nông nghiệp hai nước cần nhanh chóng hoàn thiện thủ tục mở cửa đối với một số trái cây. Với Việt Nam, xem xét mở cửa cửa cho Ấn Độ các loại trái cây như: Quả Lựu, Nho. Với Ấn Độ, đề nghị mở cửa cho 4 trái cây của Việt Nam gồm: Vải, nhãn, bưởi, sầu riêng và chôm chôm….”, ông Phạm Sanh Châu kiến nghị.
Trong chuyến tháp tùng Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh thăm Ấn Độ, Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng đã có nhiều cuộc gặp gỡ với cơ quan chức năng, doanh nghiệp của Ấn Độ để mở đường cho hàng hóa Việt Nam sang Ấn Độ. Thứ trưởng cho rằng, hai nước cần nỗ lực để đạt mục tiêu kim ngạch 15 tỷ USD mà Lãnh đạo cấp cao hai nước đã đặt ra. Trong đó, Việt Nam có lợi thế và năng lực cạnh tranh các mặt hàng nông thủy sản, trái cây tươi.
Nguồn:Congthuong.vn