menu search
Đóng menu
Đóng

Kinh nghiệm thâm nhập các thị trường trọng điểm

09:14 06/07/2017

Vinanet - Muốn trụ vững tại thị trường nước ngoài, đặc biệt là các nước EU, Mỹ, Nhật Bản…, doanh nghiệp (DN) Việt Nam ngoài việc am hiểu nhu cầu khách hàng còn phải bảo đảm chất lượng hàng hóa cho đến khâu thanh toán, giao hàng.
Ông Trần Vương - đại diện NY Invesment Group - chia sẻ: Nhiều DN Việt Nam cứ nghĩ xuất khẩu sang Mỹ là phải vào các hệ thống lớn như Walmart, Costco. Tuy nhiên, hệ thống phân phối lớn luôn yêu cầu cao về hàng nhập khẩu (hàng tốt, giá rẻ), do đó, DN Việt Nam khó có lợi nhuận lớn. “Sau nhiều năm hoạt động tại Mỹ, chúng tôi nhận thấy, thị trường này rất ưa chuộng sản phẩm Việt Nam được đóng gói tại Mỹ. Đóng gói sản phẩm hàng hóa tại Mỹ, giá thành rẻ hơn và có độ tin cậy cao hơn với người tiêu dùng” - ông Trần Vương khẳng định thêm. Liên quan đến vấn đề thanh toán, ông Trần Vương khuyến nghị: Nếu DN có công ty mẹ ở Việt Nam và công ty con tại Mỹ, việc thanh toán sẽ thuận lợi hơn. DN Việt nên dùng người Mỹ đi bán hàng, mình chỉ giải quyết khâu cuối cùng, như vậy sẽ thuận lợi hơn.
Ông Tạ Quang Huyên - Tổng giám đốc Công ty TNHH Hoàng Sơn I (Bình Phước) - cho biết, lâu nay, Hoàng Sơn xuất khẩu điều nhân vào thị trường EU ổn định (khoảng trên 40 triệu USD/năm). Theo kinh nghiệm của công ty, để xuất khẩu được vào EU, DN cần đáp ứng các tiêu chuẩn như ISO 22000, FSSC 22000, BRC… Ngoài vấn đề về chất lượng, DN cũng cần phải giữ uy tín với khách hàng bằng cách thực hiện giao hàng đúng hẹn theo hợp đồng và đáp ứng đầy đủ các đơn hàng mà đối tác yêu cầu.
Ông Cao Thúc Uy - Giám đốc Công ty TNHH Cao Phát (Long An) - bổ sung, so với thị trường Mỹ, các nước EU có yêu cầu khắt khe về chất lượng hơn. Thậm chí, dù đạt được chứng chỉ chất lượng quốc tế nhưng trong quá trình giao hàng, chỉ cần trong số 11 triệu hạt điều có 1 hạt bị mọt cũng khiến cả lô hàng bị ảnh hưởng. Ngoài ra, trong 1 năm, có ít nhất 3 - 4 khách hàng đến tận nhà máy để kiểm tra sản phẩm, việc đối xử với người lao động… “Xác định được nhu cầu của thị trường nên nhiều năm qua, chúng tôi vẫn luôn xuất khẩu tốt. Chúng tôi dự kiến trong năm nay sẽ tăng sản lượng vào thị trường EU lên 75% trong tổng lượng hàng xuất khẩu của công ty. Để đạt mục tiêu trên, ngoài các tiêu chuẩn đáp ứng trước đây, Cao Phát tiếp tục chú trọng nhiều hơn cho mẫu mã, chất lượng và công tác bảo đảm an toàn môi trường, lao động khác” - ông Cao Thúc Uy chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Quốc Duẩn - Giám đốc Công ty TNHH Song Nam (chuyên xuất khẩu trái cây), Song Nam đang xuất khẩu đến 8 quốc gia trên thế giới, trong đó có thị trường Mỹ. Đối với một DN xuất khẩu, khi đưa hàng vào hệ thống phân phối tại nước ngoài đồng nghĩa với việc khẳng định được thương hiệu. Tuy nhiên, để ký được hợp đồng, phải có lượng hàng rất lớn, đòi hỏi vốn cao. Đây là trở ngại lớn cho những DN vừa và nhỏ, vốn ít.
Bà Vũ Kim Hạnh - Chủ tịch Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao: Từ tháng 6/2017, hàng hóa thực phẩm xuất vào thị trường Mỹ nếu không đáp ứng chuẩn theo Đạo luật “Hiện đại hóa an toàn thực phẩm - FSMA” sẽ rất khó tiếp cận thị trường. Vì vậy, DN cần tuân thủ các yêu cầu chất lượng như quy định, tránh vì thiếu hiểu biết mà lỡ cơ hội…
Nguồn: baocongthuong.com.vn