menu search
Đóng menu
Đóng

Lâm Đồng và TP.Hồ Chí Minh sẽ xây dựng trung tâm giao dịch hoa

15:01 09/01/2017

Dự án TTGD hoa Đà Lạt có công suất thiết kế 2,5 triệu cành/ngày cao điểm và dự báo khối lượng giao dịch là 550 triệu cành/năm.

Theo kế hoạch của UBND Thành phố Đà Lạt, Trung tâm giao dịch (TTGD) hoa Đà Lạt sẽ được xây dựng trên đường đèo Mimosa (QL20B) cách Đà Lạt 10 km, trên diện tích 16,6 ha đất. Trong đó thực hiện giai đoạn đầu là 8,1 ha và giai đoạn dự phòng là 8,5 ha. TTGD hoa TP.Hồ Chí Minh với diện tích 14ha, được xây dựng tại Chợ đầu mối Bình Điền. Các TTGD hoa sẽ kết nối để hình thành chuỗi cung ứng hoa từ Đà Lạt đến TP.HCM và cả xuất khẩu.

Dự án TTGD hoa Đà Lạt có công suất thiết kế 2,5 triệu cành/ngày cao điểm và dự báo khối lượng giao dịch là 550 triệu cành/năm. Khi dự án đi vào hoạt động sẽ hình thành đầu mối giao dịch hoa tin cậy cho người trồng và người mua với giá cả minh bạch; hoa có giá trị kinh tế cao hơn nhờ được xử lý sau thu hoạch, đóng gói, vận chuyển theo quy trình lạnh khép kín, duy trì được độ tươi cho hoa.

TTGD hoa Đà Lạt sẽ được kết nối với TTGD hoa TP.HCM được đặt tại chợ Bình Điền, tổng diện tích 14 ha do Tổng công ty Thương mại Sài Gòn làm chủ đầu tư. Tại đây, bộ phận phân phối và lưu trữ sẽ phân phối hoa về các chợ nhỏ hơn hoặc đưa thẳng đến các cửa hàng hoa theo đơn đặt hàng. Đồng thời, các đơn hàng tiếp theo và tiền sẽ được chuyển về TTGD hoa Đà Lạt để thanh toán cho người sản xuất.

Dự kiến, ngay trong năm 2017, TTGD hoa sẽ được tiến hành xây dựng giai đoạn một với kinh nghiệm học tập từ Hà Lan và Nhật Bản. Sau khi TTGD hoa phát triển ổn định, chất lượng hoa của nông dân được nâng lên thì hai đầu mối TP.HCM – Đà Lạt sẽ triển khai đấu giá hoa. Ngoài ra, trung tâm này cùng với các điểm trồng hoa, rau quả khác sẽ chính thức được chọn để tổ chức các hoạt động du lịch nông nghiệp theo hướng chuyên nghiệp và bài bản hơn.

Với diện tích canh tác khoảng 7.760 ha, sản lượng khoảng 2,4 tỷ cành mỗi năm, Đà Lạt là vùng trồng hoa lớn nhất, chiếm 40% diện tích và đến 50% sản lượng cả nước. Tuy nhiên, ngành hoa tại đây còn nhiều khó khăn như giá trị gia tăng chưa cao, xử lý sau thu hoạch còn kém, tỷ lệ hao hụt hớn và sản lượng xuất khẩu thấp, chỉ khoảng 10%. Trong khi đó, TP.HCM là thị trường tiêu thụ hoa chính của Đà Lạt nên việc kết hợp với TP.HCM để xây dựng hệ thống phân phối mới là cần thiết nhằm cải thiện chất lượng hoa, nâng cao giá trị kinh tế và tham gia xuất khẩu, tạo một mặt bằng giá cả công bằng, minh bạch.

Được biết mô hình thu mua và xử lý tập trung như trên được thực hiện dựa trên mô hình chợ đầu mối hoa OTA (Nhật Bản). Theo ông Susumu Kiryu, Giám đốc Viện Nghiên cứu hoa OTA, mấu chốt của chợ hoa là tiền mua, bán hoa phải được công khai, minh bạch để nông dân được biết. Chợ hoa giải quyết được việc nông dân lâu nay không quyết định được giá bán hoa của mình hoặc mù mờ về giá khi giao cho thương lái trung gian.

Nguồn: Thanh Thanh/Báo Công Thương điện tử