menu search
Đóng menu
Đóng

Làm gì để đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường ASEAN và Trung Quốc?

08:49 24/12/2018

Vinanet - Đứng thứ 3 và thứ 4 về thị trường XK của hàng hóa Việt Nam, Trung Quốc và ASEAN vẫn còn nhiều cơ hội để hàng hóa Việt Nam mở rộng thị trường, gia tăng thị phần XK.

Dư địa XK lớn

Tại Diễn đàn XK vào thị trường ASEAN, Trung Quốc do Trung tâm xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC) tổ chức cuối tuần qua, các chuyên gia cho biết, trong những năm qua, ASEAN luôn là đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam. Tổng trị giá trao đổi hàng hoá giữa Việt Nam và các nước ASEAN trong năm 2017 đạt 49,86 tỷ USD, tăng 19,6% so với năm trước 2016 và chiếm 11,7% tổng kim ngạch XNK của cả nước. 10 tháng 2018, kim ngạch giữa Việt Nam và ASEAN đạt 46,83 tỷ USD, tăng 14% so với cùng kỳ 2017 (41 tỷ USD). Với thị trường 650 triệu dân, ASEAN dự kiến trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới vào năm 2030. Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) hứa hẹn sẽ mở ra rất nhiều cơ hội mới cho DN Việt Nam.

Là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam và đứng thứ 3 về thị trường XK, trong năm 2017, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Trung Quốc đạt 93,7 tỷ USD. Tính đến tháng 10/2018, tổng kim ngạch XNK giữa Việt Nam và Trung Quốc đạt gần 87 tỷ USD.

Theo đánh giá của các chuyên gia, trong năm 2017 XK sang thị trường Trung Quốc có mức tăng trưởng rất cao, đạt đến 35,5 tỷ USD và tăng trưởng 61,5% so với năm 2016. Riêng kim ngạch XK của nhóm hàng nông, lâm, thủy hải sản đạt trên 8 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 35% tổng kim ngạch XK của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc. Nhiều mặt hàng nông sản XK vào thị trường Trung Quốc đã vượt 1 tỷ USD và có mức tăng trưởng hết sức ngoạn mục.

Với thị trường 1,3 tỷ dân, NK hàng hóa sẽ đạt 24.000 tỷ USD trong 15 năm tới cùng với xu hướng nới lỏng các điều kiện tiếp cận thị trường, thị trường Trung Quốc đang mở cơ hội lớn cho các DN XK Việt Nam tham gia vào thị trường này.

Kinh nghiệm gia tăng thị phần

Để khai thác tốt thị trường ASEAN, theo ông Phạm Thiết Hòa, Giám đốc ITPC, các DN cần tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, các chương trình khảo sát thị trường đồng thời tăng cường kết nối với các DN tại các thị trường mục tiêu.  Bên cạnh đó, hoạt động nghiên cứu thị trường cũng rất quan trọng. Các DN nên tập trung nghiên cứu về nhu cầu hàng hóa, dịch vụ, giá cả, thị hiếu, xu hướng tiêu dùng, hệ thống phân phối, vận chuyển, lưu thông hàng hóa, thanh toán, yêu cầu về bao bì, nhãn mác, văn hóa và pháp luật kinh doanh tại nước sở tại.

“Để đáp ứng không chỉ riêng thị trường ASEAN mà còn những thị trường khác, DN cần nghiên cứu cải tiến sản xuất để giảm chi phí sản xuất đồng thời hạ giá thành sản phẩm, thiết kế bao bì nhãn mác phù hợp với từng thị trường khai thác, tạo tính tiện lợi và tăng giá trị gia tăng cho sản phẩm. Việc khai thác các thị trường tiềm năng cần đi đôi với việc xây dựng, phát triển thương hiệu, bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa. Một điểm lưu ý nữa là DN cần liên kết và tìm sự hỗ trợ từ các cơ quan xúc tiến nhà nước để đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại sang các thị trường tiềm năng”, ông Hòa nhấn mạnh.

Ngoài các yếu tố nêu trên, chứng nhận Halal đang được xem là giấy thông hành quan trọng cho DN tại thị trường ASEAN vì người hồi giáo đang chiếm tới 42% tổng dân số tại đây. Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Hằng, trưởng bộ phận Marketing Văn phòng chứng nhận HALAL, sản phẩm được chứng nhận Halal không chỉ không có chứa chất cấm của người hồi giáo sử dụng, mà còn phải đảm bảo điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, giết mổ an toàn, truy xuất nguồn gốc… Đây là các tiêu chí đáp ứng yêu cầu cả những người không theo đạo hồi. Hiện nay, chuỗi cung ứng Hala phát triển mạnh mẽ tại các quốc gia hồi giáo tại ASEAN như Indonesia, Malaysia, Singapore, Thái Lan, Bruney... Do vậy, sản phẩm có chứng nhận Halal các sẽ rất dễ bán vào các thị trường này và nếu nguồn nguyên liệu đã có chứng nhận sẽ là thế mạnh cạnh tranh rất lớn của các DN XK.

Còn tại thị trường Trung Quốc, theo ông Ngô Tuấn, Tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại TPHCM, để có thể tham gia sâu vào thị trường này các DN Việt Nam phải tăng cường quảng bá marketing. Các DN có thể chủ động quảng bá ra thị trường Trung Quốc qua những sự kiện quan trọng có nhiều khách hàng tham dự như hội chợ Trung Quốc – ASEAN, Canton Fair, Hội chợ NK quốc tế Trung Quốc... Bên cạnh đó, các DN cần tìm kiếm các đối tác hợp tác chiến lược để tận dụng các lợi thế về thông tin thị trường, sở thích, xu hướng của người tiêu dùng từ đó nâng cao thị phần sản phẩm. Đồng thời, các DN Trung Quốc cũng có lợi thế về vốn công nghệ, thiết bị, năng lực quản trị trong canh tác, chăn nuôi và chế biến sâu các sản phẩm nông nghiệp và thủy sản nên việc hợp tác sẽ giúp nâng cao sản lượng, chất lượng và giá trị gia tăng và sức cạnh tranh cho các sản phẩm hàng hóa của Việt Nam.

Ngoài ra, theo ông Ngô Tuấn, trong tình hình hiện nay, để XK hiệu quả vào thị trường  Trung Quốc các DN cần tận dụng các nền tảng giao dịch bán hàng hiện đại như thương mại điện tử xuyên biên giới để thúc đẩy giao dịch trực tiếp giữa người sản xuất và người tiêu dùng. Đồng thời, phải tăng cường áp dụng công nghệ và thiết bị tiên tiến, đảm bảo ổn định sản lượng, năng suất, chất lượng và xây dựng thương hiệu. Bên cạnh đó, cần xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc, đầu tư cho hệ thống kho bãi và hậu cần để đảm bảo thời gian giao hàng và chất lượng sản phẩm đặc biệt là các mặt hàng nông, thủy sản...

Nguồn: Baohaiquan.vn