menu search
Đóng menu
Đóng

Làm sao để tôm Việt xuất khẩu tốt hơn sang EU, Hoa Kỳ?

07:00 26/11/2018

Vinanet -Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), thời gian tới, xuất khẩu tôm sang thị trường EU, Hoa Kỳ tiếp tục có nhiều triển vọng.
Tuy nhiên, muốn tận dụng tốt cơ hôi, các doanh nghiệp phải tăng chứng nhận các biện pháp thực hành nuôi tốt, đảm bảo tiêu chuẩn môi trường, xã hội.
Cụ thể, với thị trường EU, Cục Xuất nhập khẩu phân tích: Nhu cầu tiêu dùng tôm của EU vẫn ở mức cao. Hiện nay, ngày càng nhiều người dân châu Âu mua tôm ở siêu thị để chế biến ở nhà, thay vì ăn tôm tại các nhà hàng. Đây là lợi thế của tôm thẻ chân trắng. Trong khi các nhà hàng châu Âu thường dùng tôm sú do hương vị thơm ngon và kích cỡ lớn, nhưng tình hình kinh tế vẫn còn khó khăn đang khiến tôm chân trắng được lựa chọn nhiều hơn. Đối với phân khúc tôm chế biến, châu Âu ngày càng tăng nhu cầu với tôm hấp nguyên liệu.
Với xu hướng tiêu dùng này, tôm Việt Nam vẫn còn nhiều triển vọng xuất khẩu sang thị trường EU. Bên cạnh đó, việc nguồn cung tôm Thái Lan không đủ cho xuất khẩu và tôm Ấn Độ gặp khó khăn tại thị trường EU cũng sẽ là yếu tố hỗ trợ cho ngành tôm Việt Nam khi khai thác thị trường này.
Tuy nhiên, Cục Xuất nhập khẩu nêu rõ: Để khai thác tốt hơn nữa thị trường EU, ngành nuôi tôm Việt Nam cần chú ý tăng số lượng trại nuôi, nhà máy được chứng nhận các biện pháp thực hành nuôi tốt, đảm bảo tiêu chuẩn môi trường, xã hội, đồng thời tăng số lượng nhà máy được nâng cấp dây chuyền chế biến đáp ứng tiêu chuẩn bán lẻ của châu Âu.
Đây là vấn đề cần quan tâm bởi đối thủ cạnh tranh lớn nhất của Việt Nam tại thị trường EU hiện nay là Ecuador đã có kế hoạch đẩy mạnh sản xuất theo các tiêu chuẩn bền vững. Theo đó, người nuôi Ecuador sẽ tuân thủ 3 tiêu chí: Không sử dụng kháng sinh, truy xuất nguồn gốc đầy đủ và giảm thiểu ảnh hưởng tới các hệ thống nước của địa phương. Hiện nay, tôm Ecuador đã có lợi thế cạnh tranh hơn so với tôm Việt Nam do được hưởng thuế quan 0% theo Hiệp định FTA Ecudor và EU.
Với Hoa Kỳ, Cục Xuất nhập khẩu nhận định: Việc thuế chống bán phá giá đối với tôm Việt Nam tại thị trường Hoa Kỳ giảm sẽ tiếp tục là yếu tố hỗ trợ xuất khẩu tôm trong thời gian tới. Bên cạnh đó, việc các nhà chế biến tôm Ấn Độ, Thái Lan có khả năng gặp khó khăn để đáp ứng các đơn hàng trong các tháng cuối năm 2018 do nguồn cung trong nước thấp cũng sẽ là yếu tố thuận lợi cho xuất khẩu tôm của Việt Nam.
Thống kê của Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) cho thấy: 3 quý đầu năm, xuất khẩu tôm đạt 275,5 nghìn tấn, trị giá 2,6 tỷ USD, giảm 0,3% về lượng và giảm 3,8% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.
Với EU, xuất khẩu tôm trong 9 tháng đầu năm ghi nhận tăng 6,5% về lượng và tăng 12% về trị giá so với cùng kỳ năm 2017, lần lượt đạt hơn 68,3 nghìn tấn và trị giá trên 650 triệu USD. Còn tại Hoa Kỳ, lũy kế 9 tháng, xuất khẩu tôm tăng 2% về lượng, song giảm 2,9% về trị giá so với cùng kỳ năm trước, đạt 44,17 nghìn tấn và trị giá 471 triệu USD.

Nguồn: Người đồng hành/Báo Hải quan