Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Trần Đình Luân phát biểu tại Lễ xuât khẩu tôm sáng nay 11/9 tại Ninh Thuận. Ảnh: TCTS
Theo Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT), tôm là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang EU.
Ngay khi EVFTA có hiệu lực, thuế xuất khẩu một số mặt hàng tôm Việt Nam sang EU có mức thuế là 12% đến 20% về 0% ngay như tôm sú đông lạnh.
Sau 5-7 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, một số mặt hàng tôm khác sẽ được điều chỉnh về 0%. Hiện nay, hầu hết hệ thống phân phối sản phẩm tôm cao cấp tại EU đều yêu cầu chứng nhận ASC.
Đây là tiêu chuẩn quốc tế nghiêm ngặt nhất áp dụng cho nuôi trồng thủy sản, là bộ tiêu chuẩn dựa trên 4 nền tảng chính là môi trường, xã hội, an sinh động vật và an toàn thực phẩm. Hiện nay, diện tích nuôi tôm đạt chứng nhận này ở Việt Nam đã và đang được nhân rộng để đáp ứng yêu cầu thị trường EU. Những lô tôm xuất đi hôm nay đều đạt chứng chỉ ASC.
Từ góc độ doanh nghiệp, Công ty TNHH Thông Thuận (Vĩnh Hảo, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận) là một trong những doanh nghiệp điển hình trong ngành chế biến, xuất khẩu tôm, sẵn sàng tận dụng cơ hội từ EVFTA.
Doanh nghiệp này có 2 nhà máy, 1 đặt tại khu công nghiệp Thành Hải (Ninh Thuận) và 1 tại khu công nghiệp Suối Dầu (Khánh Hòa). Doanh số xuất khẩu của 2 nhà máy hàng năm đạt 100-120 triệu USD. Cơ cấu thị trường là: Nhật Bản chiếm 35%; châu Âu chiếm 45%; Mỹ chiếm từ 10-15%, còn lại các thị trường khác.
Quy trình sản xuất của Công ty Thông Thuận là một chuỗi sản xuất khép kín từ con giống đến nuôi và chế biến xuất khẩu. Toàn bộ các xí nghiệp nuôi và nhà máy của Thông Thuận đều đạt tiêu chuẩn quốc tế như: BRC, Global GAP, ASC, BAP….
Đại diện lãnh đạo Công ty cho hay, khi Việt Nam tham gia EVFTA, các đơn hàng của Công ty tại thị trường EU cũng tăng mạnh và có sự dịch chuyển cơ cấu nhóm thị trường xuất hàng của toàn hệ thống.
Tính tới ngày 31/8/2020, doanh thu hoạt động xuất khẩu của toàn hệ thống đạt gần 70 triệu USD. Tháng 9/2020, Công ty dự kiến xuất khẩu 9,5 triệu USD, trong đó xuất vào EU khoảng 4,5 triệu USD. Dự kiến trong năm 2020, doanh số xuất khẩu vào EU của Công ty Thông Thuận đạt khoảng 45 triệu USD.
Đề cập chung tới xuất khẩu tôm của toàn ngành, trao đổi với phóng viên Báo Hải quan, ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết, xuất khẩu tôm sang EU tháng 8/2020 tăng khoảng 20% so với tháng 8/2019.
Dự báo, xuất khẩu tôm Việt Nam sang EU từ nay đến hết năm sẽ tiếp tục tăng mặc dù tốc độ tăng chưa cao do vẫn chịu tác động từ dịch bệnh Covid-19. Nhờ lợi thế về thuế của tôm Việt Nam tốt hơn so với các đối thủ cạnh tranh nên nhà xuất khẩu của EU cũng tìm tới nguồn cung từ Việt Nam nhiều hơn.
Tại EU, dịch bệnh Covid-19 đã có tác động nhiều tới xu hướng của các nhà nhập khẩu EU và thói quen tiêu thụ tôm của người dân. Nhu cầu tôm tại lĩnh vực dịch vụ nhà hàng giảm mạnh trong khi nhu cầu tôm tại các hệ thống bán lẻ tăng do người dân mua về chế biến tại nhà.
Tiêu thụ các sản phẩm tôm tươi ít hơn trong khi các sản phẩm đông lạnh, đóng gói ăn liền, sản phẩm đóng gói tăng.
Bên cạnh đó, lãnh đạo Tổng cục Thủy sản phân tích: “Những năm gần đây người tiêu dùng EU ngày càng chủ động quan tâm đến sản phẩm bền vững. Khi dịch Covid-19 xảy ra, xu hướng này lại càng rõ nét. Người EU ưu tiên sản phẩm được chứng nhận, đảm bảo không chỉ tính bền vững mà còn phải truy xuất được nguồn gốc, lành mạnh, được sản xuất an toàn và vệ sinh”.
Việt Nam có lợi thế về sản xuất, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản còn EU lại có nhu cầu lớn các mặt hàng này với trị giá nhập khẩu chiếm 8,4% tổng trị giá nhập khẩu hàng năm. Điều đó cho thấy, dư địa tăng trưởng xuất khẩu nông sản vào thị trường EU vô cùng lớn.
Theo đánh giá bước đầu, sau hơn 1 tháng EVFTA có hiệu lực và được thực thi, nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực tại thị trường EU. Điển hình, từ đầu tháng 8/2020 đến nay, xuất khẩu thủy sản có số lượng đơn hàng tăng khoảng 10% so với tháng 7/2020. Trong đó mặt hàng tăng tập trung nhiều vào tôm và mực…
Nguồn:Haiquanonline