menu search
Đóng menu
Đóng

Lạng Sơn: Thúc đẩy XK nông sản sang Trung Quốc

10:10 17/11/2016

Trung Quốc là thị trường XK truyền thống, chiếm thị phần lớn trong XK nông, lâm, thủy sản của Việt Nam.
Chỉ tính riêng trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, 9 tháng đầu năm, kim ngạch XK các mặt hàng này đạt khoảng hơn 1,1 tỷ USD, chiếm 71,6% kim ngạch XK qua địa bàn.
Hiện nay, Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong các nước ASEAN. Đối với nhóm hàng nông, lâm, thủy sản, Trung Quốc là thị trường NK lớn nhất của Việt Nam chiếm 28,5% kim ngạch XK nông, lâm, thủy sản của cả nước (hiện Trung Quốc còn là thị trường đứng thứ 1 về cao su, rau quả và sắn các loại; đứng thứ 3 về gỗ và các sản phẩm gỗ; đứng thứ 4 về chè; đứng thứ 5 về thủy sản; đứng thứ 9 về cà phê...). Việt Nam đang XK sang Trung Quốc 9 mặt hàng thuộc nhóm nông, lâm, thủy sản, trong đó có 5 mặt hàng chiếm tỷ trọng cao trong tổng XK mặt hàng đó của cả nước (sắn và các sản phẩm từ sắn chiếm 87%; rau củ, hoa quả chiếm 65%; cao su chiếm 50%; dăm gỗ chiếm 48%; gạo chiếm 30%); các mặt hàng còn lại chiếm tỷ trọng không cao, khoảng dưới 10% (điều, chè, thủy sản, cà phê).
Theo báo cáo từ UBND tỉnh Lạng Sơn, năm 2015 tổng kim ngạch XNK qua địa bàn tỉnh đạt 4,1 tỷ USD, trong đó kim ngạch XK đạt 1,633 tỷ USD, kim ngạch NK đạt 2,467 tỷ USD. Đặc biệt, tổng kim ngạch XNK 9 tháng đầu năm 2016 qua địa bàn tỉnh đạt 2,85 tỷ USD, bằng 77% kế hoạch, kim ngạch XK là 1,6 tỷ USD đạt 95,2% kế hoạch, tăng 39,1% so với năm 2015; kim ngạch NK là 1,25 tỷ USD, đạt 61,9% kế hoạch, giảm 27,3% so với năm 2015. Trong đó, kim ngạch XK nông sản đạt khoảng 1,146 tỷ USD chiếm 71,6% kim ngạch XK qua địa bàn tỉnh (đạt 1,6 tỷ USD), tăng khoảng 45% so với cùng kỳ năm 2015.
Thống kê cũng cho thấy, các mặt hàng có lượng kim ngạch cao chủ yếu là gạo, sắn, hoa quả tươi (thanh long, dưa hấu, vải, gỗ ván bóc, thủy sản...). Cụ thể, trong 9 tháng, các DN đã thực hiện XK 6.753 tấn gạo, giá trị đạt 2,5 triệu USD; 412.598 tấn sắn tươi và khô, giá trị đạt 134,06 triệu USD; 144.000 tấn thanh long; khoảng 140.000 tấn dưa hấu; trên 70.000 tấn vải quả tươi, giá trị gần 70 triệu USD, vải khô đạt 12.650 tấn, trị giá khoảng 32 triệu USD; trên 51.000 m3 gỗ ván bóc, giá trị trên 9 triệu USD, tăng 19,1% so với cùng kỳ 2015...
Khẳng định tại hội nghị kết nối thương nhân XNK các mặt hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc do UBND tỉnh Lạng Sơn phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT tổ chức vừa qua (ngày 12-11), ông Nguyễn Công Trưởng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn cho rằng, việc tạo điều kiện thuận lợi nhất trong thông quan hàng hóa XNK, đặc biệt là các loại mặt hàng nông, lâm, thủy sản, hoa quả, trái cây XK qua các cửa khẩu của tỉnh là một trong các nhiệm vụ công tác được UBND tỉnh, các cơ quan chức năng của tỉnh quan tâm chú trọng để thực hiện tốt vai trò là cửa ngõ thông quan hàng hóa quan trọng của Lạng Sơn và của cả nước, các nước AESAN với thị trường Trung Quốc.
UBND tỉnh thường xuyên chỉ đạo các cơ quan chức năng liên quan trong tỉnh như: Công Thương, Hải quan, Biên phòng, Ban quản lý Khu KTCK Đồng Đăng-Lạng Sơn, Y tế, NN&PTNT… quan tâm thực hiện hỗ trợ các DN, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động XNK qua địa bàn tỉnh, tạo môi trường thông thoáng cho lưu thông hàng hóa và phương tiện XNK, tránh tình trạng kiểm tra tùy tiện, chồng chéo giữa các lực lượng chức năng, gây khó khăn cho các DN hoạt động trong lĩnh vực XNK hàng hóa. Bên cạnh đó, tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng khu Kinh tế cửa khẩu và các khu vực cửa khẩu để phục vụ tốt hơn cho hoạt động kinh doanh XNK. Đồng thời cải cách thủ tục hành chính tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng về thủ tục hải quan điện tử, triển khai áp dụng hiệu quả trong phương pháp quản lý hải quan tiên tiến của Hệ thống thông quan điện tử tự động (VNACCS/VCIS) và Cơ chế một cửa quốc gia... là những yếu tố cơ bản hỗ trợ và phục vụ DN đẩy nhanh thời gian làm thủ tục thông quan hàng hóa XNK. Đặc biệt, chủ động phối hợp với chính quyền và cơ quan chức năng tỉnh Quảng Tây giải quyết bằng nhiều giải pháp thực tế về điều kiện giao thông, cơ sở hạ tầng như mở rộng kho tàng bến bãi, kéo dài thời gian thông quan trong ngày vào các thời điểm mùa vụ thu hoạch, điều chỉnh cửa khẩu tiếp nhận hàng hóa… giải quyết các khó khăn, vướng mắc, ùn tắc hàng hóa XK của Việt Nam, hỗ trợ tốt cho hoạt động XNK của DN 2 nước, ông Nguyễn Công Trưởng nhấn mạnh.
Cũng theo ông Trưởng, phía Trung Quốc vẫn duy trì quản lý NK có điều kiện với một số mặt hàng nông sản của Việt Nam, công tác kiểm dịch phía Trung Quốc được thực hiện chặt chẽ nên cũng gây một số hạn chế nhất định trong hoạt động XK các mặt hàng này. Điều kiện về cơ sở hạ tầng, các khu vực kho bãi, hệ thống giao thông và hạn chế các cửa khẩu thông quan hàng hóa. Bên cạnh đó còn tồn tại về việc quy hoạch sản xuất của Việt Nam, phương thức quan hệ mua bán của DN chưa được thực hiện theo thông lệ quốc tế, các vấn đề về lựa chọn, đóng gói, bảo quản hàng hóa… không theo quy chuẩn là những nguyên nhân rất lớn, ảnh hưởng trực tiếp tới tiến độ và khả năng thông quan hàng hóa XK.
Cũng theo đại diện Bộ NN&PTNT, kinh tế mậu biên giữa các tỉnh biên giới của Việt Nam với Trung Quốc vẫn tồn tại một số khó khăn, thách thức như cơ chế, chính sách quản lý thương mại khác biệt giữa hai nước; mua bán vẫn theo hình thức đi chợ, không có hợp đồng dẫn tới tình trạng hàng hóa dồn ứ tại các cửa khẩu; xuất tiểu ngạch vẫn phổ biến. Do đó, đại diện Bộ NN&PTNT cho rằng, cần phải có những cơ chế, chính sách để hạn chế những điểm yếu kém này…
Với chủ trương thu hút và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các DN XNK hàng hoá qua địa bàn, theo UBND tỉnh Lạng Sơn, thời gian tới đơn vị sẽ tập trung thu hút đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng trong Khu Kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng–Lạng Sơn và các khu vực cửa khẩu phục vụ cho các hoạt động XNK; nâng cấp và hoàn chỉnh hệ thống giao thông, nhà kho, bến bãi, phương tiện bốc xếp tại các cửa khẩu và các điều kiện về cơ sở hạ tầng. Tăng cường và đẩy mạnh công tác phối hợp giữa các cơ quan chức năng của Lạng Sơn và Quảng Tây giải quyết các vấn đề thực tế để khắc phục các mặt còn hạn chế, nâng cao khả năng thông quan theo quy định và sự thống nhất của hai bên. Thông tin thường xuyên tới các thương nhân về chính sách điều hành hoạt động thương mại biên giới của phía Việt Nam cũng như phía Trung Quốc để các thương nhân có thể chủ động trong kế hoạch kinh doanh của DN...
Nguồn: baohaiquan.vn