Gần đây nhất, ngày 24/10, Sở Công Thương tỉnh Kontum đã khai trương mô hình điểm bán hàng Việt tại Siêu thị - nhà sách Hoàng Vũ (xã Đăk Long, huyện Kon Plông). Điểm bán hàng này, ngoài nguồn hàng trong nước sản xuất còn giới thiệu tiềm năng, thế mạnh, sản phẩm đặc trưng tiêu biểu của địa phương nhằm phục vụ du khách. Không những vậy, đây cũng là đầu mối hỗ trợ doanh nghiệp, đơn vị tìm kiếm khách hàng, hợp tác kinh doanh, phát triển hệ thống phân phối...
Quảng Bình lại chọn mô hình cung ứng đặc sản khi chọn Cửa hàng siêu thị đặc sản miền Trung xứ Quảng ngay trung tâm TP. Đồng Hới làm điểm bán hàng Việt. Tại đây có trên 350 mặt hàng, 100% là hàng Việt Nam, trong đó phần lớn là đặc sản của các tỉnh miền Trung. Nhằm bảo đảm nguồn hàng, Cửa hàng siêu thị đặc sản miền Trung xứ Quảng đã ký nhiều hợp đồng với các cơ sở làng nghề, doanh nghiệp sản xuất ở Quảng Bình và các tỉnh miền Trung.
Tại Quảng Nam, Sở Công Thương chọn mô hình điểm bán hàng Việt kiêm thu mua hàng nông sản của địa phương khi chọn hộ kinh doanh Phương Anh tại huyện vùng núi Nam Trà My làm điểm bán. Bên cạnh 100% hàng hóa Việt Nam, tại đây còn tổ chức thu mua, giới thiệu nông sản do chính đồng bào vùng cao sản xuất như: Tiêu rừng, chuối mốc, heo đen, sâm Ngọc Linh... Ông Nguyễn Quang Lâm – Trưởng phòng Quản lý thương mại (Sở Công Thương Quảng Nam) - cho biết, tại điểm bán hàng Việt, người tiêu dùng có thể yên tâm về chất lượng cũng như nguồn gốc, giá cả sản phẩm.
Khác với Quảng Nam, Thừa Thiên Huế chọn Công ty TNHH MTV nông sản hữu cơ Quế Lâm làm điểm bán hàng Việt. Đây là DN sản xuất, kinh doanh khép kín từ cây giống, phân bón đến thành phẩm như lúa gạo, rau củ, trái cây đến phân bón, thuốc trừ sâu có nguồn gốc từ thảo dược… Sản phẩm của công ty không những được trưng bày, mua bán ngay trung tâm TP. Huế mà còn phân phối ra hàng trăm đại lý trên toàn quốc.
Qua thực tế triển khai trong thời gian ngắn nhưng những điểm bán hàng Việt tại miền Trung đã cho thấy hiệu quả rõ rệt, không chỉ doanh số tăng lên mà ngay cả nguồn hàng cung cấp cũng rất dồi dào. Vì vậy, nhiều tỉnh, thành phố miền Trung đang tích cực triển khai xây dựng nhiều điểm bán hàng Việt mới. Tại Gia Lai, sau khi mở điểm bán hàng Việt ở Siêu thị Co.opmart Pleiku, Sở Công Thương chuẩn bị điểm thứ hai do Công ty Cổ phần thương mại Gia Lai đầu tư. Ngoài ra, Kon Tum chuẩn bị mở thêm điểm bán hàng Việt ở huyện Ngọc Hồi và thành phố Kon Tum; tỉnh Quảng Nam đang tìm nguồn vốn để 9 huyện miền núi đều có điểm bán hàng Việt…
Các điểm bán hàng Việt tại miền Trung đã trở thành địa chỉ mua sắm hàng Việt Nam chính hãng, có chất lượng cho đông đảo người tiêu dùng.
Nguồn: Minh Tích - Nguyễn Tuấn/Báo Công Thương điện tử