UKVFTA đã đưa ra rất nhiều biện pháp để có thể khuyến khích phát triển thương mại song phương. Đặc biệt, thuế nhập khẩu Vương quốc Anh sẽ được xoá bỏ đến 99,2% trong vòng 6 năm, tạo thuận lợi lớn cho hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam.
Ngoài các ngành xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam như dệt may, da giày, thủy sản, đồ gỗ... phát huy được lợi thế, thông qua Hiệp định UKVFTA, Vương quốc Anh cũng dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan bổ sung, được nhập khẩu miễn thuế đối với 14 mặt hàng. Qua đó, nhiều sản phẩm hàng hoá của Việt Nam đã tận dụng được lợi thế xuất khẩu vào Anh. Tuy nhiên, dư địa xuất khẩu vào thị trường Anh trong UKVFTA được đánh giá còn rất lớn. Hàng Việt Nam mới chỉ chiếm chưa đến 1% trong nhu cầu nhập khẩu mỗi năm lên tới hơn 600 tỷ USD của thị trường Anh.
Một trong những nguyên nhân được cho là do nhiều doanh nghiệp Việt Nam chưa sẵn sàng xuất khẩu sang Anh vì lo ngại có nhiều rào cản, tiêu chuẩn cao. Do vậy, rất cần có có những biện pháp nhằm giúp doanh nghiệp Việt Nam sẵn sàng chuyển đổi, đáp ứng tiêu chuẩn và mạnh dạn thâm nhập vào thị trường này.
Tại Tọa đàm với chủ đề: “Thích ứng tiêu chuẩn của thị trường Anh, gia tăng xuất khẩu theo UKVFTA” do Tạp chí Công Thương tổ chức ngày 13/12, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập – VCCI đánh giá, UKVFTA đã mang lại kết quả rất tích cực cho quan hệ thương mại giữa Việt Nam với Vương quốc Anh và Bắc Ireland, năm 2021 kim ngạch xuất khẩu tăng 23% so với lại năm 2020. Năm 2022 hy vọng với UKVFTA, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang Vương quốc Anh sẽ đạt được một đỉnh mới, khi kết quả 10 tháng xuất khẩu sang đã đạt 5,2 tỷ USD. Tuy nhiên, bên cạnh rất nhiều lợi thế, bà Nguyễn Thị Thu Trang cũng nêu lên những khó khăn bởi UKVFTA cũng là một hiệp định thế hệ mới, để hiểu và thực thi cũng không phải dễ dàng.
“Trước đây, doanh nghiệp quen khi kinh doanh với Anh là theo các quy trình, thủ tục chuẩn của EU. Hiện nay Anh tách ra và thiết lập những cơ chế mới, có khác biệt và không phải lúc nào doanh nghiệp cũng nhận diện được đâu là những khác biệt để có thể tiếp tục kinh doanh với thị trường Anh thay vì là kinh doanh với thị trường Anh trong EU như trước đây”, bà Nguyễn Thị Thu Trang nói.
Ngoài ra, trong so sánh với CPTPP, EVFTA thì dường như sự quan tâm của doanh nghiệp với UKVFTA vẫn còn hạn chế hơn. Khảo sát của Trung tâm WTO và Hội nhập – VCCI cho thấy 61% doanh nghiệp chỉ nghe nói đến tên của hiệp định mà chưa từng thực sự tìm hiểu có thể mang lại lợi thế gì cho doanh nghiệp.
Đánh giá về sự hiện diện của hàng hóa Việt Nam tại thị trường Anh trong thời gian qua, ông Nguyễn Cảnh Cường, Tham tán Công sứ Thương vụ Việt Nam tại Anh cho rằng, quan hệ của Việt Nam và Anh đang đạt những bước tiến rất đáng kể.
“Nếu như trước đây người Anh cũng như doanh nghiệp Anh ít nghe đến Việt Nam hoặc là ít nghe đến sản phẩm Việt Nam thì ngày nay họ rất hứng thú tìm các cơ hội kinh doanh, nhập hàng hóa của Việt Nam sang Anh để phân phối cho thị trường Anh”, ông Nguyễn Cảnh Cường cho biết và nhấn mạnh: từ góc độ của thương vụ có thể nói chưa bao giờ thương hiệu Việt Nam và sản phẩm của Việt Nam được người Anh quan tâm như ngày hôm nay và trên nền tảng đó các doanh nghiệp Việt Nam không nên chần chừ, không nên quá đắn đo trong việc ưu tiên thúc đẩy sản phẩm của mình sang thị trường Anh.
Theo Tham tán công sứ thương vụ Việt Nam tại Anh, doanh nghiệp Việt Nam phải nhanh hơn nữa và mạnh hơn nữa để tận dụng lợi thế so với các đối thủ cạnh tranh khác.
Để nâng cao khả năng thích ứng của doanh nghiệp Việt Nam trong việc tiếp cận cũng như tận dụng tốt hơn nữa những cơ hội mà Hiệp định UKVFTA mang lại để tăng trưởng xuất khẩu sang thị trường Anh, ông Nguyễn Cảnh Cường cho rằng, doanh nghiệp có thể tận dụng sự điều chỉnh trong chuỗi cung ứng về xuất khẩu và nhập khẩu của Vương quốc Anh, đặc biệt các hoạt động xúc tiến, kết nối trực tiếp với khách hàng là biện pháp tiếp cận hiệu quả, không thể thay thế.
Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland (UKVFTA) được áp dụng tạm thời kể từ ngày 1/1/2021 và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/5/2021.
Dù khởi đầu trong bối cảnh khó khăn do dịch bệnh Covid-19 nhưng trao đổi thương mại hàng hóa hai chiều giữa Việt Nam và Vương quốc Anh vẫn đạt mức tăng trưởng cao, thương mại song phương Việt Nam - Vương quốc Anh đạt gần 6,6 tỷ USD năm 2021.
Đây là minh chứng rõ nhất về lợi ích mà Hiệp định UKVFTA mang lại cho sự phát triển kinh tế, thương mại Việt Nam và Vương quốc Anh.
Số liệu thống kê cho thấy, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Vương quốc Anh trong năm đầu tiên thực thi Hiệp định (năm 2021) đã đạt 6,6 tỷ USD, tăng 17,2% so với năm 2020. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam đạt gần 5,8 tỷ USD, tăng 16,4%; xuất khẩu của Anh đạt 849 triệu USD, tăng 23,6%.
Nguồn:Haiquanonline