menu search
Đóng menu
Đóng

Những giải pháp nhằm tránh hàng hóa ứ đọng tại cửa khẩu hoặc bị trả về

15:57 20/12/2019

Vinanet - Bộ Công Thương đã chủ động thông tin, khuyến cáo về tình hình thị trường, về diễn biến thông quan tại cửa khẩu… đến các địa phương vùng trồng trọng điểm, các doanh nghiệp và tổ chức, cá nhân liên quan để có phương án điều tiết giao nhận hiệu quả, tránh gây thiệt hại, bị ép cấp, ép giá. 
Hoạt động xuất khẩu nông sản, trái cây sang thị trường Trung Quốc qua các tỉnh biên giới vẫn diễn ra bình thường trong suốt thời gian qua. Tuy nhiên, khi bắt đầu đến thời điểm chính vụ thu hoạch để tiêu thụ và xuất khẩu cũng như thời điểm cận kề Tết Nguyên đán hàng năm, vẫn tồn tại tình trạng ùn ứ, tồn đọng nông sản, trái cây cục bộ tại cửa khẩu, gây thiệt hại cho doanh nghiệp. Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là do lượng nông sản, trái cây khi vào chính vụ thu hoạch để xuất khẩu được đưa lên khu vực cửa khẩu tăng đột biến tại cùng một thời điểm, trong khi phía Trung Quốc cũng trùng thời điểm chính vụ thu hoạch với Việt Nam, dẫn đến nhu cầu nhập khẩu từ Việt Nam cũng sụt giảm nhất định. Bên cạnh đó, năng lực thông quan hàng hóa tại cửa khẩu hai nước Việt Nam - Trung Quốc, mặc dù đã được cải thiện so với giai đoạn trước, nhưng còn rất hạn chế so với nhu cầu xuất khẩu, dẫn đến việc không thể đáp ứng được lưu lượng xe đưa lên quá lớn tại cùng một thời điểm như hiện nay.
Với bối cảnh nêu trên, trước khi vào chính vụ thu hoạch các loại trái cây chủ lực hoặc trước khi bước vào thời gian cao điểm lễ tết, Bộ Công Thương đều chủ động thông tin, khuyến cáo về tình hình thị trường, về diễn biến thông quan tại cửa khẩu… đến các địa phương vùng trồng trọng điểm, các doanh nghiệp và tổ chức, cá nhân liên quan để có phương án điều tiết giao nhận hiệu quả, tránh gây thiệt hại, bị ép cấp, ép giá. Đồng thời, thường xuyên phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh biên giới (Lạng Sơn, Lào Cai…) theo dõi sát tình hình để kịp thời triển khai chủ động các giải pháp, biện pháp điều tiết hàng hóa tại khu vực cửa khẩu như phân luồng giao thông; ưu tiên thông quan xe chở nông sản, trái cây; huy động lực lượng chức năng thực hiện thủ tục hải quan, kiểm dịch thực vật, cấp C/O để hỗ trợ doanh nghiệp đưa hàng nông sản, trái cây được thông quan nhanh nhất, thậm chí làm thêm giờ; chủ động trực tiếp làm việc, trao đổi kịp thời với phía Trung Quốc để tháo gỡ các vướng mắc phát sinh, bảo đảm các tiêu chuẩn theo quy định được thông quan thuận lợi, an toàn.
Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng đưa các vấn đề vướng mắc trong quan hệ thương mại song phương nói chung và thương mại song phương về nông, thủy sản nói riêng trao đổi, vận động phía Trung Quốc tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi hoặc dành thời gian “quá độ” cho các chính sách mới, tháo gỡ khó khăn trong thông quan hàng hóa tại các dịp cao điểm trong khuôn khổ các cơ chế hợp tác song phương giữa hai nước, đồng thời vận động các cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương phía Trung Quốc (đặc biệt là Quảng Tây, Vân Nam) mở thêm các cửa khẩu chỉ định nhập khẩu nông sản, trái cây tại khu vực biên giới.
Ngày 13/9/2019, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội nghị “Phát triển xuất khẩu hàng hóa nông thủy sản sang thị trường Trung Quốc” để cùng phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp rà soát, đánh giá tình hình và bàn các biện pháp tháo gỡ khó khăn, định hướng tổ chức lại sản xuất đáp ứng đúng yêu cầu của Trung Quốc, góp phần tận dụng tốt các lợi thế từ Hiệp định ACFTA để phát triển xuất khẩu nông, thủy sản bền vững sang thị trường này thời gian tới. Bộ Công Thương cũng đã biên soạn, phát hành Sổ tay hướng dẫn xuất khẩu nông thủy sản sang thị trường Trung Quốc gửi tới các địa phương nuôi trồng, xuất khẩu trọng điểm, các hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp xuất khẩu và các cơ quan truyền thông báo chí để nắm bắt và có kế hoạch xuất khẩu phù hợp, đáp ứng đúng yêu cầu của thị trường, tránh gây tình trạng ùn ứ trong nước và ảnh hưởng đến tiến độ xuất khẩu thời gian tới.
Để hạn chế tình trạng hàng hóa ứ đọng tại khu vực cửa khẩu: cần sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương
Mặc dù đã có những nỗ lực giải quyết của Bộ, ngành, địa phương, các lực lượng chức năng tại chỗ, song vấn đề này sẽ không thể giải quyết căn cơ nếu không có những giải pháp quyết liệt, đồng bộ, mang tính lâu dài. Do đó, để giải quyết tình trạng trên một cách triệt để, góp phần ổn định hoạt động xuất khẩu nông sản, trái cây qua biên giới trong thời gian tới, cần sự vào cuộc tích cực của các Bộ, ngành, địa phương liên quan.
Về phía Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần rà soát, đánh giá tình hình, thống nhất công tác tổ chức sản xuất đáp ứng với nhu cầu, yêu cầu của phía Trung Quốc nhằm điều tiết lượng hàng hóa lưu thông qua các tỉnh biên giới phù hợp với điều kiện, năng lực thông quan thực tế tại các cửa khẩu, đặc biệt là thời gian cao điểm chính vụ. Đẩy nhanh tiến độ đàm phán mở cửa thị trường với phía Trung Quốc, mở rộng danh sách các mặt hàng được xuất khẩu chính ngạch; Tiếp tục đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng xây dựng các vùng chuyên canh tập trung, có quy mô, chất lượng đồng đều và đạt chuẩn phục vụ xuất khẩu.
Ủy ban nhân dân các tỉnh biên giới phía Bắc liên tục cập nhật tình hình xuất khẩu tại các cửa khẩu trọng điểm, nhất là vào dịp cao điểm; kịp thời phối hợp với các địa phương sản xuất trọng điểm cảnh báo thông tin và điều phối hàng hóa đưa lên biên giới; thu hút đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng khu vực biên giới, tăng cường hơn nữa cơ chế phối hợp của các lực lượng chức năng của hai nước tại khu vực biên giới và cửa khẩu; quán triệt chủ trương thúc đẩy thương mại “chính ngạch”, từng bước giảm dần xuất khẩu “tiểu ngạch”.
Bên cạnh đó, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần chủ động nắm bắt thông tin, tuyên truyền, thực hiện nghiêm túc văn bản khuyến cáo của các Bộ, ngành về thị trường Trung Quốc và diễn biến hoạt động thông quan tại cửa khẩu biên giới tới các hộ nông dân, ngư dân, cơ sở sản xuất, doanh nghiệp trên địa bàn; đồng thời phổ biến, định hướng và hướng dẫn các hộ nông dân, cơ sở sản xuất, doanh nghiệp trên địa bàn tái cơ cấu sản xuất đáp ứng yêu cầu của phía bạn, đồng thời thay đổi nhận thức, quan điểm về cách thức xuất khẩu thành “chính ngạch”, theo thông lệ quốc tế một cách quyết liệt.
Những thông tin về sản lượng, mùa vụ, cung cầu… của Trung Quốc đối với một số loại nông sản, trái cây mà Việt Nam có thế mạnh sản xuất, xuất khẩu sang Trung Quốc cũng như diễn biến thông quan tại cửa khẩu biên giới vào giai đoạn cao điểm đã được Bộ Công Thương (Vụ Thị trường châu Á - châu Phi và Cục Xuất nhập khẩu) và UBND các tỉnh biên giới (Lạng Sơn, Lào Cai…) đăng tải, công bố thường xuyên đến các cơ quan, tổ chức liên quan bằng nhiều hình thức, tuy nhiên, các địa phương và doanh nghiệp vẫn chưa thực sự “quan tâm”, chưa “chủ động” nắm bắt thông tin khuyến cáo, dẫn đến tình trạng liên tiếp đưa hàng lên khu vực cửa khẩu biên giới trong cùng một thời điểm để xuất khẩu, gây ra tình trạng quá tải và ùn ứ.

Nguồn:VITIC