menu search
Đóng menu
Đóng

Sản phẩm nho Ninh Thuận còn kém sức cạnh tranh

10:26 04/10/2016

Hiện nay, nhiều loại nho ngoại vẫn chiếm lĩnh thị trường. Việc nghiên cứu tìm kiếm các giống nho mới, có tính cạnh tranh cần được chú trọng.


Làm thế nào để nâng cao sức cạnh trạnh của nho và sản phẩm từ nho của tỉnh Ninh Thuận là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm trong cuộc tọa đàm “Nho và vang Ninh Thuận” vừa diễn ra tại TP. Phan Rang - Tháp Chàm.

Các nhà sản xuất, kinh doanh nho và sản phẩm từ nho ở trong và ngoài tỉnh đã chia sẻ, đóng góp ý kiến để loại nông sản đặc trưng này phát triển xứng tầm lợi thế.

Theo ngành nông nghiệp tỉnh Ninh Thuận, địa phương có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi nhất nước để phát triển cây nho. Toàn tỉnh hiện có hơn 1.220ha nho ăn trái và gần 40ha nho rượu. Sản lượng bình quân đạt hơn 30.300 tấn trái/năm.

Ninh Thuận cũng đã sản xuất được các sản phẩm từ nho như: mứt nho, mật nho, nho khô, xí muội nho, nước rong nho... Về rượu vang, toàn tỉnh mới chỉ có 5 tổ chức và 41 hộ kinh doanh tham gia sản xuất rượu vang nho công suất 230.000 lít/năm.

Tuy nhiên, hầu như các sản phẩm chủ yếu được sản xuất ở những cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, chưa có quy mô công nghiệp. Nho và các loại sản phẩm từ nho chưa có thị trường tương xứng là một sản phẩm đặc thù. Do vậy, việc đẩy mạnh hoạt động xúc tiến tìm kiếm thị trường tiếp tục được địa phương quan tâm.

Ông Phạm Văn Thành, Phó Giám đốc Sở Công Thương Ninh Thuận, cho biết: "Hiện nay, ngành công thương có chương trình xúc tiến thương mại, đề án khuyến công quốc gia, khuyến công địa phương... chúng tôi hỗ trợ cho các trang trại nho, các doanh nghiệp, các cơ sở trồng nho mang sản phẩm nho và sau nho kết nối với thị trường các tỉnh bạn".

Một số ý kiến cho rằng, trước khi mở rộng diện tích cây nho, tỉnh Ninh Thuận cần nghiên cứu kỹ thị trường tiêu thụ. Xem nhu cầu thị trường cần loại nho nào, kích thước, khẩu vị ra sao, để tính toán khuyến cao nông dân đầu tư hợp lý; tránh tình trạng sản phẩm làm ra nhiều, nhưng rồi giá cả bấp bênh.

Có thể thấy, hiện nay, nhiều loại nho ngoại nhập vẫn chiếm lĩnh thị trường trong nước. Vì thế, việc nghiên cứu tìm kiếm các loại giống nho mới, có tính cạnh tranh cũng cần được địa phương chú trọng.

Nho Ninh Thuận đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý vào năm 2012 với kỳ vọng góp phần nâng cao vị thế cây trồng đặc thù. Thời gian qua, dù đã có nhiều cố gắng, nhưng địa phương vẫn chưa có giải pháp để nâng cao giá trị sản phẩm nho Ninh Thuận khi sử dụng nhãn mác chỉ dẫn địa lý. Ông Đỗ Trung Thu, Chủ tịch Hiệp hội nho Ninh Thuận xem đó là mặt yếu cần sớm được khắc phục.

Là đối tác tiêu thụ phần lớn nho sạch của Ninh Thuận, đại diện Hệ thống trái cây sạch Bác Tôm (Hà Nội) cho rằng, thị trường luôn là vấn đề then chốt đối với mặt hàng nông sản, và nhất là nho. Để mở rộng thị trường, nho Ninh Thuận cần cải tiến chất lượng, tăng độ ngon và độ an toàn. Và nho sạch là xu hướng tất yếu.

Ông Trần Mạnh Chiến - Giám đốc hệ thống cửa hàng trái cây sạch Bác Tôm nói: "Chất lượng ở đây là độ an toàn, độ sạch thật sự cho quả nho. Cái thứ hai là độ ngon để phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng và cả hai yếu tố này chúng ta đều chưa làm đến ngọn đến ngành".

Tiếp thu các ý kiến đóng góp, ông Lưu Xuân Vĩnh - Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục bổ sung, hoàn thiện việc xây dựng chương trình phát triển nho và các sản phẩm từ nho theo chuỗi giá trị trong toàn bộ các khâu "sản xuất - chế biến - tiêu thụ".

Ninh Thuận cũng sẽ tiếp tục xây dựng các vùng nho chất lượng cao theo tiêu chuẩn VietGAP, đồng thời khuyến khích đầu tư công nghệ bảo quản, chế biến tiên tiến, đảm bảo các sản phẩm từ nho đạt chất lượng, phát triển cây nho ngang tầm với lợi thế hiện có của địa phương.

Nguồn: VOV