Nền tảng thương mại điện tử Tmall Global sẽ giúp doanh nghiệp Việt có thêm một kênh xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam với kim ngạch 4 tháng đầu năm đạt 16,8 tỷ USD, tăng 32,4%. Đây cũng là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với mức tăng trưởng 47,8%. Điều này phần nào thể hiện sức chống chịu và thích nghi của doanh nghiệp hai nước Việt Nam – Trung Quốc đã tăng lên trong bối cảnh dịch COVID đang diễn biến phức tạp.
Đó là khẳng định của ông Lê Hoàng Tài - Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) tại hội nghị giao thương trực tuyến nông sản, thực phẩm Việt Nam - Trung Quốc 2021” do Cục Xúc tiến thương mại tổ chức ngày 26/5 theo hình thức trực tuyến.
Theo ông Lê Hoàng Tài, hầu hết các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc như: nông sản, thực phẩm... đã và đang được nhiều doanh nghiệp, người tiêu dùng Trung Quốc ưa chuộng nhờ chất lượng và khả năng cung ứng ngày càng được cải thiện.
Trong số đó, mặt hàng rau quả, cà phê, gạo, sắn và các sản phẩm từ sắn, thủy sản luôn chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu các sản phẩm nông sản, thực phẩm của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này.
Tại hội nghị, ông Vũ Tiến Hùng - Trưởng đại diện Văn phòng Xúc tiến thương mại Việt Nam tại Hàng Châu (Trung Quốc) nhấn mạnh: Chiết Giang là tỉnh thuộc đồng bằng sông Dương Tử cùng với Thượng Hải và Giang Tô, đây là khu vực trung tâm tài chính, du lịch và kinh tế kỹ thuật cao của Trung Quốc.
Hàng năm, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của các địa phương đồng bằng sông Dương Tử từ Việt Nam đạt khoảng 20 tỷ USD; trong đó Thượng Hải khoảng 9,5 tỷ USD, Giang Tô và Chiết Giang mỗi địa phương khoảng 5 tỷ USD.
Ông Vũ Tiến Hùng chia sẻ thêm, hầu hết các địa phương khu vực đồng bằng sông Dương Tử có nhu cầu nhập khẩu lớn các mặt hàng nông nghiệp từ Việt Nam như: thanh long, mít, sầu riêng, măng cụt, bưởi; bánh kẹo, bánh ngọt, bánh trứng Tipo, sữa đậu nành, sữa tươi; cà phê hòa tan, hạt điều; hải sản chế biến, thủy sản đông lạnh, cá tra, tôm thẻ chân trắng, tôm hùm; cao su tự nhiên và công nghiệp.
|
Thu hoạch thanh long tại Bình Thuận. Ảnh: TTXVN
|
Chỉ riêng mặt hàng trái cây, tại chợ đầu mối hoa quả Gia Hưng, Chiết Giang (Trung Quốc) mỗi năm nhập khẩu khoảng 12 nghìn tấn mít, từ 15 - 17 nghìn tấn thanh long và khoảng 20 nghìn tấn xoài. Các sản phẩm nhập khẩu ngoài việc đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong tỉnh, còn phân phối cho mạng lưới thị trường khu vực miền Đông và các tỉnh, thành lân cận của Trung Quốc.
Mặc dù thị trường tỉnh Chiết Giang cũng như thị trường Trung Quốc có nhu cầu lớn về mặt hàng nông sản, thực phẩm của Việt Nam, nhưng các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 khiến việc vận chuyển hàng hóa ngày càng khó khăn, mất nhiều thời gian gây bất lợi với mặt hàng nông sản, thực phẩm tươi sống.
Để thúc đẩy xuất khẩu, ông Lê Hoàng Tài cho hay, Bộ Công Thương đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp như: kiểm nghiệm - kiểm dịch, truy xuất nguồn gốc, bao bì, nhãn mác, chứng thư xuất khẩu phù hợp với các quy định và nhu cầu của thị trường Trung Quốc và khuyến khích xuất khẩu qua các nền tảng thương mại điện tử.
Vì vậy, hội nghị trực tuyến hôm nay với sự tham gia của nền tảng thương mại điện tử Tmall Global sẽ giúp doanh nghiệp Việt có thêm một kênh xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Chia sẻ về nền tảng và cơ hội kinh doanh qua Tmall Global, ông Francis Chow - Trưởng phòng Phát triển kinh doanh Tmall Global nêu rõ, dịch COVID-19 được xem như động lực lớn thúc đẩy thương mại điện tử của Trung Quốc tăng trưởng chóng mặt.
Riêng với nền tảng thương mại điện tử Tmall Global cho phép doanh nghiệp và các thương hiệu trên khắp thế giới kinh doanh với 2 hình thức kinh doanh gồm: kinh doanh trực tiếp giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B) và kinh doanh giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng (B2C) tùy vào nhu cầu mà thương hiệu, doanh nghiệp lựa chọn hình thức phù hợp.
Hơn nữa, doanh nghiệp kinh doanh trên sàn cũng có nhiều lựa chọn hơn khi có thể phân phối độc quyền một thương hiệu hoặc đăng ký cửa hàng nhượng quyền để kinh doanh sản phẩm của nhiều thương hiệu khác nhau.
“Thời gian đăng ký gian hàng B2C trên sàn từ 7 - 12 tuần, trong thời gian này đội ngũ tư vấn của Tmall Global tại Hàng Châu sẽ tư vấn trực tiếp và theo dõi quá trình đăng ký của doanh nghiệp gồm trang trí cửa hàng, logictics, thanh toán, hậu mãi”, ông Francis Chow nhấn mạnh.
Mặc dù thông qua Tmall Global, doanh nghiệp nông sản, thực phẩm của Việt Nam có thêm kênh xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, ông Vũ Tiến Hùng cũng khuyến cáo sản phẩm của Việt Nam sẽ phải cạnh tranh gay gắt từ các quốc gia trong khu vực như: Thái Lan, Malaysia, Indonesia và các nhà cung cấp đến từ châu Âu, Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Đồng thời, những yêu cầu về truy xuất nguồn gốc, tiêu chuẩn chất lượng, mẫu mã bao bì sản phẩm khi xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc ngày càng khắt khe, nghiêm ngặt.
Do vậy, doanh nghiệp Việt Nam có nguyện vọng phát triển ở thị trường Trung Quốc nói chung và khu vực Chiết Giang nói riêng nên đầu tư tìm hiểu kỹ thị trường, nghiên cứu phương thức kinh doanh của đối tác, thói quen của người tiêu dùng, đặc biệt các yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng, mẫu mã bao bì, quy cách đóng gói và hình thức hợp tác với đối tác để gia tăng cơ hội khai thác thị trường.
Nguồn:Uyên Hương/BNEWS/TTXVN