menu search
Đóng menu
Đóng

Thí điểm xuất khẩu chanh leo chính ngạch sang Trung Quốc từ tháng 7/2022

09:09 08/07/2022

Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã có văn bản đồng ý nhập khẩu thí điểm quả chanh leo Việt Nam bắt đầu từ đầu tháng 7/2022 qua 7 cửa khẩu thuộc tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc).

 
Xuất khẩu qua 7 cửa khẩu
Phát biểu tại Hội nghị công bố xuất khẩu thí điểm chanh leo chính ngạch sang Trung Quốc và tập huấn các quy định liên quan do Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) tổ chức chiều ngày 7/7, bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho biết: Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã đồng ý nhập khẩu thí điểm quả chanh leo Việt Nam bắt đầu từ tháng 7/2022.
Chanh leo là quả thứ 10 của Việt Nam được phép xuất khẩu vào Trung Quốc, cùng với các loại quả: thanh long, dưa hấu, vải, nhãn, chuối, xoài, mít, chôm chôm và măng cụt.
Theo thỏa thuận về yêu cầu kiểm dịch thực vật, trước mắt, Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho phép nhập khẩu quả chanh leo tươi của Việt Nam qua 7 cửa khẩu thuộc tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc), bao gồm: Hữu Nghị quan, Pò Chài, Ga Đường sắt Bằng Tường, Bằng Tường, Đông Hưng, Long Bang và Thủy Khẩu.
“Ngoài các yêu cầu về kiểm dịch thực vật trước xuất khẩu, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đề nghị các vùng trồng và cơ sở đóng gói chanh leo phải được đăng ký và phê duyệt bởi Tổng cục Hải quan Trung Quốc và Cục Bảo vệ thực vật, thực hành nông nghiệp tốt, ghi chép và lưu trữ hồ sơ, giám sát sinh vật gây hại và dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, đảm bảo an toàn vệ sinh phòng chống dịch Covid-19…”, bà Hương nói.
Lãnh đạo Cục Bảo vệ thực vật đặc biệt nhấn mạnh: “Cán bộ kỹ thuật phải được đào tạo để kiểm soát toàn bộ quy trình sản xuất, đóng gói”.
Ông Nguyễn Quang Hiếu, Trưởng phòng Hợp tác quốc tế và Truyền thông (Cục Bảo vệ thực vật) thông tin thêm: hiện nay, chanh leo đang được trồng tại 46 tỉnh, thành phố với diện tích khoảng 6.000 ha với sản lượng 300.000-400.000 tấn/năm, tập trung chủ yếu ở miền núi phía Bắc, Tây Nguyên…
Nếu thâm canh tốt, chanh leo có thể cho thu hoạch 3 vụ/năm. Chanh leo ngoài ăn tươi, các sản phẩm chế biến từ chanh leo cũng được người tiêu dùng các thị trường ưa chuộng. Châu Âu đang là đối tác lớn nhất nhập khẩu chanh leo của Việt Nam; tiếp theo là thị trường Trung Quốc.
Từ năm 2016, Cục Bảo vệ thực vật đã khởi động quá trình đàm phán để mở cửa thị trường xuất khẩu sang Trung Quốc. Trong gần 6 năm qua, hai bên đã phối hợp tích cực để xúc tiến quá trình phân tích nguy cơ dịch hại và trao đổi thông tin, đi đến thống nhất về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với quả chanh leo nhập khẩu vào Trung Quốc.
Vườn xuất khẩu phải đăng ký với Bộ NN&PTNT
Chia sẻ chi tiết hơn quy định về xuất khẩu chanh leo sang thị trường Trung Quốc, ông Lương Ngọc Quang, chuyên viên phòng Hợp tác quốc tế và Truyền thông cho biết: vườn chanh leo và cơ sở đóng gói xuất khẩu sang Trung Quốc phải được đăng ký với Bộ NN&PTNT, được Bộ NN&PTNT và Tổng cục Hải quan Trung Quốc đồng phê duyệt.
Thông tin đăng ký bao gồm tên, địa chỉ, mã số đăng ký để thuận tiện cho việc truy xuất nguồn gốc.
Trước mùa xuất khẩu hàng năm, Bộ NN&PTNT sẽ cung cấp cho Tổng cục Hải quan Trung Quốc danh sách đăng ký. Sau khi Tổng cục Hải quan Trung Quốc xem xét và phê duyệt, Tổng cục Hải quan Trung Quốc sẽ công bố danh sách đăng ký trên trang website.
Danh mục các loài đối tượng kiểm dịch thực vật mà Trung Quốc quan tâm là ruồi đục quả, hai loài rệp sáp, hai loài nấm bệnh.
Tất cả vùng trồng muốn xuất khẩu sang Trung Quốc đều phải thực hiện theo quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP). Việc chế biến và đóng gói chanh leo xuất khẩu sang Trung Quốc phải được thực hiện dưới sự giám sát của Bộ NN&PTNT.
Bao bì đóng gói phải sạch, hợp vệ sinh, chưa qua sử dụng, bao bì dán đầy đủ thông tin bằng tiếng Anh gồm: tên trái cây, quốc gia, nơi xuất xứ, vườn trồng, mã số đăng ký…
Trước khi xuất cảnh, Bộ NN&PTNT lấy mẫu với tỷ lệ 2% mỗi lô hàng chanh leo xuất sang Trung Quốc để kiểm dịch, lấy ít nhất 30 quả và tất cả những quả khả nghi để cắt kiểm tra. Nếu phát hiện sinh vật có hại, lô hàng sẽ không được xuất khẩu sang Trung Quốc và sẽ tạm dừng tư cách xuất khẩu vụ mùa của xưởng đóng gói cũng như vườn trồng liên quan.
“Căn cứ vào kết quả xuất khẩu thí điểm, hai bên sẽ tiến hành đánh giá tình hình xuất nhập quả chanh leo tươi của Việt Nam để làm cơ sở cho các bước tiếp theo, tiến tới ký kết Nghị định thư chính thức về kiểm dịch thực vật đối với quả chanh leo Việt Nam nhập khẩu Trung Quốc trong thời gian tới, góp phần phát triển thương mại nông sản giữa hai nước”, ông Quang nói.

Nguồn:Haiquanonline

Link gốc