menu search
Đóng menu
Đóng

Thị trường Trung Đông- Châu Phi: Cơ hội cho doanh nghiệp Việt

10:00 11/06/2017

Ông Lê Thái Hòa- Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Thị trường châu Phi, Tây Á, Nam Á (Bộ Công Thương)

Vinanet - Những mặt hàng chủ yếu Việt Nam xuất khẩu sang Trung Đông là: Điện thoại di động và linh kiện; máy vi tính, sản phẩm điện tử; hàng thủy hải sản; nông sản như cà phê, gạo, hạt tiêu, hạt điều; sản phẩm dệt may, giày dép...
 Trung Đông- châu Phi là các thị trường xuất khẩu có nhiều tiềm năng của Việt Nam hiện nay, đây là 2 thị trường có sức mua lớn. Bên cạnh một số mặt hàng công nghiệp có giá trị gia tăng cao như điện thoại di động và linh kiện điện tử máy tính các loại, nhu cầu của bạn đối với các mặt hàng nông sản và hàng tiêu dùng của ta rất cao. Đó là khẳng định của ông Lê Thái Hòa- Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ thị trường châu Phi- Tây Á- Nam Á (Bộ Công Thương) với Báo Công Thương trong bài phỏng vấn dưới đây.
Xin ông cho biết, thực trạng xuất nhập khẩu của Việt Nam vào thị trường Trung Đông- châu Phi hiện nay?
Tình hình xuất nhập khẩu vào thị trường Trung Đông những năm gần đây tăng trưởng khá tốt. Năm 2011, tổng kim ngạch xuất- nhập khẩu Việt Nam- Trung Đông đạt 5,176 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất sang Trung Đông 2,545 tỷ USD và nhập khẩu 2,631 tỷ USD. Tuy nhiên, đến năm 2015, tổng kim ngạch xuất- nhập khẩu Việt Nam- Trung Đông đã đạt 12,203 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất sang Trung Đông 8,900 tỷ USD và nhập khẩu 3,303 tỷ USD. Năm 2016, tình hình kinh tế của một số nước trong khu vực này gặp khó khăn, do giá dầu xuống thấp, nên kim ngạch xuất – nhập khẩu Việt Nam- Trung Đông có giảm so với 2015, đạt 10,887 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu sang đạt 8,059 tỷ USD và nhập khẩu từ Trung Đông là 2,828 tỷ USD. 
Những mặt hàng chủ yếu Việt Nam xuất khẩu sang Trung Đông là: Điện thoại di động và linh kiện; máy vi tính, sản phẩm điện tử; hàng thủy hải sản; nông sản như cà phê, gạo, hạt tiêu, hạt điều; sản phẩm dệt may, giày dép... Mặt hàng chính Việt Nam nhập khẩu từ Trung Đông bao gồm: Chất dẻo nguyên liệu; khí đốt hóa lỏng, thức ăn gia súc và nguyên liệu; sản phẩm hóa chất...
Đối với thị trường châu Phi, năm 2011, kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều đạt 4,766 tỷ USD, trong đó xuất khẩu từ Việt Nam sang châu Phi là 3,526 tỷ USD và nhập khẩu từ châu Phi về Việt Nam là 1,240 tỷ USD. Đến năm 2016, kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam- châu Phi đạt 5,364 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu sang châu Phi đạt 2,762 tỷ USD và nhập khẩu là 2,602 tỷ USD. Những mặt hàng chính Việt Nam xuất khẩu sang châu Phi là gạo; điện thoại các loại và linh kiện; hàng thủy sản; cà phê. Việt Nam nhập khẩu từ châu Phi gồm hạt điều, bông, gỗ và các sản phẩm từ gỗ...
Xuất khẩu sang thị trường Trung Đông- châu Phi, doanh nghiệp (DN) có thể gặp phải những khó khăn gì, thưa ông?
Trung Đông- châu Phi hiện là thị trường xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam, song đây lại là hai thị trường thường có tình hình chính trị an ninh bất ổn. Ngoài ra, yếu tố văn hóa Hồi giáo là đặc thù của khu vực Trung Đông và Bắc Phi, thông thường sử dụng ngôn ngữ bản địa là tiếng Ả-rập thay vì tiếng Anh cũng là những khác biệt mà doanh nghiệp còn chưa nắm bắt rõ. Các DN Việt Nam cũng vẫn còn tâm lý e ngại trong giao dịch, tìm hiểu đối tác tại các thị trường này, chưa thực sự có chiến lược và kế hoạch chuẩn bị lâu dài, bài bản, cả về hàng hóa cũng như lộ trình xâm nhập thị trường. Đây những trở ngại chính của các DN Việt Nam khi xuất khẩu vào các thị trường này.
Ông Lê Thái Hòa- Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ thị trường châu Phi- Tây Á- Nam Á (Bộ Công Thương): Thị trường Trung Đông- Châu Phi rất ưa chuộng những sản phẩm nông sản có xuất xứ từ Việt Nam như gạo, cà phê, hạt tiêu...
Để giảm bớt khó khăn cho DN khi xuất khẩu vào thị trường Trung Đông- châu Phi, Bộ Công Thương mong muốn các DN cần xây dựng kế hoạch xâm nhập thị trường lâu dài, ổn định thông qua việc xây dựng đội ngũ cán bộ xuất- nhập khẩu có năng lực, có khả năng nghiên cứu, hiểu biết về văn hóa và tập quán kinh doanh của khu vực Ả-rập Hồi giáo, biết tiếng Ả-rập, đánh giá và tiếp cận thị trường tốt.
Thời gian qua, Việt Nam đã có chương trình cụ thể như thế nào để hỗ trợ DN xuất khẩu vào thị trường Trung Đông- châu Phi, thưa ông?
Để thúc đẩy xuất khẩu vào các thị trường này, Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển quan hệ giữa Việt Nam và Trung Đông- châu Phi từ nay đến 2025. Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng đang hoàn thiện để ban hành chương trình hành động cụ thể của Bộ để thực hiện Đề án này. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng thường xuyên có những hoạt động triển khai các chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, các hoạt động nghiên cứu và định hướng cho doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường Trung Đông- châu Phi, chỉ đạo các Thương vụ ở khu vực bám sát thị trường, nắm bắt cơ hội giao thương, cung cấp các thông tin giao thương và nhu cầu nhập khẩu cụ thể của đối tác cho DN, đồng thời bước đầu tổ chức các sự kiện hoạt động quảng bá, tuyên truyền giới thiệu hàng hóa Việt nam để tiếp cận trực tiếp một số chuỗi hệ thống các siêu thị phân phối ở các thị trường này.
Xin cảm ơn ông!
Nguồn: Hòa - Nga/Báo Công Thương điện tử