menu search
Đóng menu
Đóng

Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển khuyến cáo loạt giải pháp đưa nông sản vào Bắc Âu

16:03 20/09/2022

Theo Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển, kiêm nhiệm Đan Mạch, Na Uy, Iceland, và Latvia, Bắc Âu gồm 5 nước: Thụy Điển, Đan Mạch, Na Uy, Phần Lan, Iceland. Đây là các nước nhỏ, nhưng có nền kinh tế mở, hiện đại. Mặc dù, Việt Nam xuất khẩu nhiều nhất sang khu vực này nếu so với các nước ASEAN nhưng thị phần vẫn quá nhỏ, chưa đến 1%.
Trong khu vực Bắc Âu, 3 thị trường chính của hàng Việt Nam là Thụy Điển, Đan Mạch, và Na Uy. 3 nhóm nông sản Việt xuất khẩu chính vào khu vực là rau củ quả; trà, cà phê, gia vị và ngũ cốc.
Năm 2021, 3 nước Bắc Âu nhập khẩu khoảng 6,5 tỷ USD nông sản (4,8 tỷ USD rau quả, 1,2 tỷ USD trà, cà phê, gia vị, và 503 triệu USD ngũ cốc). Trong đó, nhập khẩu từ Việt Nam chỉ khoảng hơn 40 triệu USD, chủ yếu là hạt điều 21,7 triệu, cà phê 7,2 triệu, gạo 5,5 triệu, và hạt tiêu 4 triệu, các mặt hàng khác chỉ 2 triệu. Như vậy, có thể thấy, các nước Bắc Âu vẫn còn khá nhiều dư địa cho hàng nông sản mà các doanh nghiệp Việt Nam có thể khai thác.
Bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy – Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển phân tích, có 4 mặt hàng nông sản của Việt Nam nằm trong 50 mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam có tiềm năng tăng trưởng tại Thụy Điển, trong đó, cà phê chưa rang, chưa khử caffein đứng thứ 2, hạt điều đã bóc vỏ đứng thứ 13, gạo đã xát toàn bộ hoặc sơ bộ đứng thứ 25, và hạt tiêu nguyên hạt đứng thứ 45.
Đơn cử, với mặt hàng cà phê chưa rang, chưa khử caffein (HS090111): Việt Nam xuất khẩu 2,5 tỷ USD năm 2021. Thụy Điển là nước tiêu thụ cà phê tính trên đầu người đứng thứ 6 thế giới, trung bình 8,2kg/người/năm, chủ yếu xếp sau mấy nước láng giếng như Phần Lan số 1, Na Uy thứ hai, Đan Mạch thứ tư. Hàng năm, Thụy Điển nhập khẩu 305 triệu USD cà phê nhưng nhập khẩu từ Việt Nam mới khoảng 5,3 triệu USD. Cung có, cầu có, thuế bằng 0%. Do vậy, theo tính toán của Trung tâm Thương mại Quốc tế ITC, tiềm năng xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam vào Thụy Điển vẫn còn dư địa khoảng 160 triệu USD.
Đối với mặt hàng điều đã bóc vỏ (080132): hiện Thụy Điển nhập khẩu khoảng 27 triệu USD, nhưng tính toán tiềm năng xuất khẩu lên đến 31 triệu USD do tăng trưởng nhập khẩu điều của Thụy Điển trong 5 năm vừa qua là 4% nên trong các năm tới sẽ nhập khẩu nhiều hơn. Thụy Điển nhập khẩu điều chủ yếu từ Việt Nam và các nước trung gian trong khu vực. Chính vì vậy, ITC tính toán Việt Nam có thể cung cấp gần như toàn bộ điều cho thị trường Thụy Điển.
Hoặc với mặt hàng gạo đã xát toàn bộ hoặc 1 phần (HS100630) tiềm năng có thể khai thác thêm 16 triệu USD nữa. “Gạo là mặt hàng đạt mức tăng trưởng rất ấn tượng tại Thụy Điển trong thời gian qua. Nếu năm 2018, kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam tại thị trường này chỉ đạt 44.000 USD, thì tới năm 2021, kim ngạch đã tăng lên hơn 2,7 triệu USD” – bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy chỉ rõ.
Mặt hàng hạt tiêu nguyên hạt cũng được đánh giá là mặt hàng còn nhiều dư địa khai thác, có thể đạt kim ngạch 10 triệu USD.
Tại Đan Mạch, chỉ có 2 mặt hàng nông sản của Việt Nam nằm trong top 50 các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam có tiềm năng tại thị trường này là cà phê chưa rang, chưa khử caffein và hạt điều đã bóc vỏ, với tiềm năng tương ứng là 9,3 triệu và 3 triệu USD.
Tuy Đan Mạch không phải thị trường tiềm năng cho xuất khẩu hàng nông sản Việt Nam nhưng chúng ta có thể khai thác thị trường này theo một hướng khác. Đan Mạch có thế mạnh trong ngành nông nghiệp và công nghiệp chế biến thực phẩm. Nếu chúng ta thu hút được đầu tư trong lĩnh vực này sẽ xuất khẩu được hàng nông sản thực phẩm tại chỗ cho các nhà máy chế biến và sau đó xuất khẩu đi các nước khác trên thế giới.
Bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy thông tin: “Hiện nay, các doanh nghiệp Đan Mạch rất quan tâm đến thị trường Việt Nam. Trong tháng 8 vừa qua, đoàn 13 doanh nghiệp Đan Mạch trong lĩnh vực nông nghiệp và chế biến thực phẩm đã vào Việt Nam. Đầu tháng 11 tới, đoàn hơn 30 doanh nghiệp sẽ tháp tùng Thái tử kế vị Đan Mạch vào Việt Nam. Đây là cơ hội lớn cho Việt Nam để thu hút đầu tư vào ngành nông nghiệp của Việt Nam”.
Tương tự Thụy Điển, Việt Nam được đánh giá có 4 mặt hàng nông sản xuất khẩu tiềm năng vào thị trường Đan Mạch, trong đó 3 mặt hàng đầu giống Thụy Điển là cà phê chưa rang, chưa khử caffein có thể khai thác thêm 28 triệu USD, hạt điều đã bóc vỏ 8,6 triệu USD, và gạo đã xát sơ bộ hoặc toàn bộ 2,2 triệu USD. Mặt hàng cuối cùng là hoa quả tươi hiện Việt Nam chưa xuất khẩu nhiều, mới khoảng gần 300.000 USD, trong khi có khả năng xuất khẩu 3,1 triệu USD.
Vẫn còn khó khăn
Rõ ràng, thị trường Bắc Âu vẫn còn nhiều tiềm năng để khai thác. Tuy nhiên, trên thực tế, để khai thác được, vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn.
Đơn cử, đối với mặt hàng cà phê, mặc dù các nước Bắc Âu là các nước tiêu dùng cà phê tính trên đầu người cao nhất thế giới nhưng Việt Nam chủ yếu được biết đến với sản lượng Robusta, trong khi, các thị trường Bắc Âu đều hướng tới cà phê chất lượng cao, nên nhập khẩu chủ yếu cà phê Arabica và nhập khẩu cà phê Robusta với số lượng thấp. Đây chính là nguyên nhân lớn nhất cho cà phê Việt Nam chưa hiện diện nhiều tại thị trường khu vực này.
Hay, đối với mặt hàng gạo, thị trường gạo của các nước Bắc Âu nói chung đã nhỏ, gạo Việt Nam nằm trong phân khúc thị trường phục vụ cho người tiêu dùng Á châu lại còn nhỏ hơn nữa, thêm cạnh tranh với Thái Lan đã có chỗ đứng vững chắc là một khó khăn cho doanh nghiệp mới tham gia thị trường của Việt Nam. Bắt đầu từ năm 2022, gạo Campuchia tiếp tục được hưởng thuế 0%. Những năm trước đây, gạo Việt Nam gần như vắng bóng trên thị trường các nước này. Do vậy, để thay đổi thói quen tiêu dùng của người mua chuyển từ gạo Thái Lan, Campuchia sang gạo Việt Nam khá khó khăn. Đặc biệt, người Bắc Âu có thói quen tiêu dùng rất kiên định và khó thay đổi trong thời gian ngắn.
“Trong thời gian vừa qua, với nỗ lực của Thương vụ, gạo Việt Nam đã bắt đầu có chỗ đứng trên thị trường Bắc Âu. Tuy kim ngạch xuất khẩu chưa phải là nhiều nhưng với tốc độ tăng trưởng rất cao, trung bình 73%/năm trong giai đoạn 5 năm trở lại đây. Riêng Thụy Điển, tốc độ tăng trưởng 211%/năm” – bà Thúy chia sẻ.
Chưa kể, ngày 13 tháng 5 năm 2022, EU đã ban hành Quy định (EU) 2022/741 liên quan đến chương trình phối hợp kiểm soát nhiều năm của Liên minh cho các năm 2023, 2024 và 2025 để đảm bảo việc tuân thủ mức dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tối đa. Theo đó, các quốc gia thành viên sẽ lấy và phân tích mẫu cho các tổ hợp thuốc trừ sâu trên các lô hàng mẫu được chọn ngẫu nhiên để kiểm tra. Các sản phẩm được chọn ngẫu nhiên để kiểm tra như cam, táo, chuối, kiwi, bưởi, hành tây, cà rốt, bông cải xanh, cải bắp, đậu, ớt, gạo xát vỏ, mỡ gia cầm, sữa bò, trứng gà…
Mặc dù, Na Uy không phải là thành viên EU, nhưng là thành viên Cộng đồng Kinh tế châu Âu và tuân thủ các qui định về an toàn thực phẩm của EU. Vì vậy, trong mấy tháng vừa qua, Na Uy đã tăng cường kiểm tra ở biên giới đồng thời với việc lấy mẫu hậu kiểm các sản phẩm đang được bày bán tại thị trường.
Trong đợt kiểm tra vừa qua, ngoài một số sản phẩm mỳ ăn liền bị phát hiện vượt ngưỡng từ năm ngoái nhưng vẫn chưa được thu hồi hết, thì thêm 3 lô gạo của Việt Nam bị vượt ngưỡng qui định về thuốc trừ sâu, buộc phải đăng tin thu hồi trên các phương tiện thông tin đại chúng như báo, đài, TV. Việc này ảnh hưởng rất lớn đến hình ảnh gạo Việt Nam nói riêng và thực phẩm có xuất xứ từ Việt Nam nói chung và mặt hàng gạo Việt Nam sẽ bị tăng cường kiểm tra ngay tại cửa khẩu trong thời gian tới. Ngoài việc đăng thông tin rộng rãi trên các kênh thông tin của Thương vụ, Thương vụ của gửi công văn đề nghị Bộ Công Thương có hình thức cảnh báo doanh nghiệp để tránh các rủi ro không đáng có.
Tìm giải pháp đưa nông sản vào Bắc Âu
Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển khẳng định, đối với nông sản, thực phẩm, người tiêu dùng Bắc Âu ngày càng có xu hướng tiêu thụ thực phẩm hữu cơ với phương pháp sản xuất bền vững, ít tác động với môi trường. Người tiêu dùng tại thị trường này đang có xu hướng giảm tiêu thụ thịt, tăng tiêu thụ thủy sản, và các thực phẩm thay thế thịt. Do vậy, các thực phẩm từ thực vật có hàm lượng protein cao sẽ được đón nhận, ví dụ như mít non đóng hộp là một thực phẩm thay thế thịt được ưa chuộng.
Bên cạnh đó, người tiêu dùng Bắc Âu rất ý thức vấn đề bảo vệ môi trường, do vậy họ thường quan tâm đến nhãn mác. Tại Bắc Âu, nhãn sinh thái thiên nga Bắc Âu là nhãn sinh thái chính thức của tất cả các nước Bắc Âu: Iceland, Na Uy, Thụy Điển, Đan Mạch và Phần Lan. Cơ quan nhãn sinh thái Bắc Âu nỗ lực trong việc giảm tác động môi trường từ sản xuất và tiêu dùng, đồng thời giúp người tiêu dùng và người mua dễ dàng lựa chọn hàng hóa và dịch vụ tốt nhất cho môi trường. Do vậy, các sản phẩm được dán nhãn sinh thái sẽ dễ dàng được tiêu thụ tại các thị trường Bắc Âu.
Đối với hàng nông sản, thực phẩm, một số lưu ý đối với doanh nghiệp Việt Nam là nên tập trung vào các sản phẩm có lợi cho sức khỏe. Bên cạnh đó, an toàn thực phẩm và chứng nhận đã trở thành khía cạnh hàng đầu trong thương mại sản phẩm rau quả. Người mua ngày nay quan tâm đến vấn đề chứng nhận như với chính sản phẩm.
Đối với các sản phẩm hữu cơ, người tiêu dùng Bắc Âu ngày càng quan tâm đến điều kiện sản xuất và nông trại, cả vấn đề môi trường và xã hội. Các nước Bắc Âu cũng có xu hướng giảm các sản phẩm sử dụng bao bì nhựa, thay thế bằng bao bì thân thiện với môi trường. Nhiều người tiêu dùng thậm chí sẵn sàng trả giá cao hơn giá thông thường khoảng 20-50% để đảm bảo rằng các sản phẩm họ tiêu thụ là các sản phẩm thân thiện với môi trường và công bằng xã hội. Theo dự báo, đến năm 2030, lượng tiêu thụ thực phẩm hữu cơ ở các nước Bắc Âu sẽ tăng gấp 2 đến 3 lần hiện tại.
Riêng các đặc sản và các sản phẩm mới lạ: Khu vực Bắc Âu có đông dân nhập cư từ khắp nơi trên thế giới, do vậy, các loại sản phẩm là đặc sản của các nước cũng được nhập khẩu nhiều.
Với các sản phẩm tiện lợi, cuộc sống hiện đại làm tăng nhu cầu sử dụng các sản phẩm tiện lợi. Phụ nữ Bắc Âu ngày càng có học vấn cao, làm việc ngoài xã hội, tỷ lệ hộ độc thân cao, ít thời gian dành cho nấu nướng. Do vậy, các sản phẩm đóng gói sẵn ngày càng trở lên thông dụng ví dụ, rau sống được rửa và thái sẵn đóng gói, cà rốt rửa và cắt sẵn, rau tổng hợp cho các món xào, nấu...
Ngoài ra, kênh thông tin từ Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển cũng là kênh thông tin chính thống cho doanh nghiệp. Hiện, Thương vụ đã xây dựng trang web riêng về thị trường Bắc Âu, facebook tiếng Việt để tương tác trực tiếp và cung cấp thông tin về thị trường hàng ngày cho doanh nghiệp.
Ngoài ra, trang website và bản tin tiếng Anh theo chiều ngược lại, tương tác trực tiếp với các doanh nghiệp Bắc Âu. Trang web này dành để quảng bá doanh nghiệp và sản phẩm của Việt Nam đến các doanh nghiệp Bắc Âu miễn phí.
Thương vụ thường xuyên nghiên cứu thị trường, ngành hàng khu vực Bắc Âu để cung cấp thông tin cho doanh nghiệp thông qua các ấn phẩm sách. Đây được kỳ vọng sẽ là nguồn thông tin hữu ích cho doanh nghiệp Việt.
Nguồn: Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển, kiêm nhiệm Đan Mạch,
Na Uy, Iceland, và Latvia