Theo dữ liệu chính thức từ Ngân hàng Thế giới, năm 2023, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Pháp trị giá 3.030,90 tỷ USD, chiếm 1,28% nền kinh tế thế giới.
Sau khi trải qua một năm khó khăn 2023, kinh tế nước này đã có những chuyển biến tích cực trong những tháng đầu năm nay. Kinh tế đã tăng trưởng 0,2% trong quý 1/2024, tăng từ mức 0,1% trong quý IV/2023. Không tính đến tác động của các biến động theo mùa và ngày làm việc, doanh số bán hàng trong toàn bộ lĩnh vực thương mại ước tính tăng 0,5% so với mức trung bình của năm 2023.
Thâm hụt thương mại của Pháp tăng lên 7,6 tỷ Euro vào tháng 4/2024. Đây là mức thâm hụt thương mại lớn nhất kể từ tháng 10/2023, khi xuất khẩu giảm 1,7% so với tháng liền trước (tháng 3/2024) xuống còn 51,2 tỷ Euro, trong khi nhập khẩu tăng 2,3% lên 58,8 tỷ Euro.
Trong những năm gần đây, quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Pháp đã chứng kiến những bước phát triển đáng kể, đặc biệt là sau khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA) chính thức có hiệu lực. Pháp với vai trò là một trong những nền kinh tế lớn nhất của châu Âu, đã trở thành một đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam trong khu vực.
Hiệp định Thương mại tự do EVFTA đã trở thành một động lực quan trọng cho quan hệ thương mại hai nước, thúc đẩy xuất khẩu và nhập khẩu giữa hai nước thông qua việc giảm thiểu các rào cản thương mại và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, hiệp định này cũng giúp Việt Nam củng cố vị thế của mình trên thị trường châu Âu, đồng thời mở rộng cánh cửa cho các sản phẩm Pháp vào thị trường Việt Nam.
Những năm gần đây, thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Pháp nhìn chung tăng trưởng ở mức ổn định, với kim ngạch thương mại đạt trung bình 4,94 tỷ USD trong giai đoạn từ 2020-2023. Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sang Pháp các mặt hàng như dệt may, giày dép, thủy sản, và nông sản, trong khi nhập khẩu từ Pháp các sản phẩm công nghiệp như máy móc, thiết bị, dược phẩm, hóa chất.
Nguồn:Vinanet/VITIC