Đại sứ Đinh Toàn Thắng đã tiếp xúc và làm việc với các tổ chức ngành nghề nông nghiệp Pháp như Hiệp hội liên ngành thịt lợn (INAPORC), Ủy ban liên ngành quốc gia về rượu vang (CNIV), Ủy ban liên ngành về Gan ngỗng (CIFOG), Hiệp hội liên ngành rau quả tươi (INTERFEL)… Trong các buổi làm việc, Đại sứ đã nêu bật thế mạnh về nông nghiệp của Việt Nam và trao đổi thông tin cụ thể về cơ hội hợp tác với đối tác, hướng tới phát triển bền vững và cùng có lợi cho các bên trong quan hệ hợp tác thương mại Việt Nam - Pháp.
Đại sứ Việt Nam tại Pháp (khẩu trang đen) làm việc với các đối tác tại Hội chợ quốc tế về Nông nghiệp Pháp 2022. Ảnh: Thu Hà
Chia sẻ với phóng viên TTXVN, Đại sứ cho rằng hợp tác nông nghiệp cũng như xuất khẩu các mặt hàng nông sản sang thị trường Pháp và châu Âu là một kỳ vọng lớn của Việt Nam. Đại sứ nhấn mạnh: “Sau khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) được ký kết thì các mặt hàng nông sản và thủy sản đang được kỳ vọng lớn nhất để có thể có những bước tiến dài và mạnh tại thị trường này. Hiện nay Việt Nam cũng đã đặt những mục tiêu tăng sản lượng các mặt hàng xuất khẩu này vào các thị trường Pháp và châu Âu”. Trong cuộc làm việc với các nhà xuất khẩu, chế biến cũng như các nhà sản xuất nông nghiệp Pháp và một số đối tác quốc tế khác, Đại sứ đã nêu rõ nhu cầu của nông nghiệp Việt Nam là “phấn đầu từ nay đến năm 2030, tầm nhìn 2050, có thể phát triển nông nghiệp Việt Nam hiện đại, chất lượng cao, đáp ứng tiêu chuẩn về thị trường, tiêu dùng, vệ sinh cũng như đảm bảo sự phát triển bền vững, do đó Việt Nam sẵn sàng hợp tác với Pháp và châu Âu để có thể tạo ra sản phẩm nông nghiệp đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng trong thời gian tới”. Đại sứ cũng cho biết rất nhiều đối tác trong các ngành hàng quan trong như chế biến thịt, phát triển chăn nuôi, chế biến thủy sản muốn tìm hiểu cơ hội phát triển hợp tác với Việt Nam.
Về phía đại diện Bộ Nông nghiệp, ông Trần Văn Công, tham tán Nông nghiệp Việt Nam tại EU, cho rằng châu Âu nói chung và Pháp nói riêng là thị trường tiềm năng và SIA chính là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam muốn mở rộng thị trường và giới thiệu quảng bá sản phẩm nông sản của mình. Ngoài hội chợ này, Pháp còn có chợ bán buôn rất lớn là chợ Rungis để kết nối, đưa hàng nông sản Việt vào thị trường Pháp.
Ông Trần Văn Công khẳng định: “Việt Nam và EU đã ký hiệp định EVFTA. Hiện nay châu Âu đang thực hiện các lộ trình giảm thuế và các mặt hàng nông sản của Việt Nam đều được có lợi thế này, so với các mặt hàng tương tự của một số nước khác không được hưởng thuế trong hiệp định mậu dịch tự do. Cho nên chúng tôi mong muốn doanh nghiệp Việt Nam tìm hiểu thêm và hàng năm tham gia hội chợ lớn như thế này để có cơ hội tăng cường quảng bá nông sản Việt Nam tại Pháp cũng như tại châu Âu”.
SIA2022 và những con số ấn tượng
Một góc “trang trại” của Hội chợ quốc tế về Nông nghiệp Pháp 2022. Ảnh: Thu Hà
Mở cửa từ 26/2 đến 6/3, SIA2022 là một trong những hội chợ triển lãm nông nghiệp hàng đầu thế giới. Lần đầu tiên được tổ chức vào năm 1870 như một cuộc thi nông sản trên toàn nước Pháp, Hội chợ đã trở thành sự kiện thường niên thu hút hàng triệu lượt khách hàng năm, từ những nhà thu mua chuyên nghiệp cho tới khách tham quan, cả trong nước và nước ngoài. Ngoài ra, SIA hàng năm cũng là “điểm hẹn” của các chính trị gia Pháp. Sự xuất hiện thường xuyên của Tổng thống, Thủ tướng và các quan chức Pháp khác khiến cho hội chợ trở thành biểu tượng cho chính sách nông nghiệp của nước này. Đặc biệt trong bối cảnh bầu cử Tổng thống Pháp sẽ diễn ra trong vài tuần tới, hội chợ lần thứ 58 này cũng là điểm đến không thể bỏ qua của các ứng cử viên Tổng thống.
Khu vực giới thiệu các sản phẩm quốc tế tại Hội chợ quốc tế về Nông nghiệp Pháp 2022. Ảnh: Thu Hà
Theo thông báo của ông Jean Luc Poulain, Chủ tịch SIA2022, sau một năm bị gián đoạn do COVID-19, hội chợ năm nay diễn ra sôi nối hơn với nhiều “con số ấn tượng”. Cụ thể là hơn 1.000 đơn vị tham gia triển lãm đến từ 20 quốc gia, tập trung trong 8 tòa nhà với tổng diện tích hơn 134.000m2. Năm nay, hơn 60 công ty khởi nghiệp của Pháp và châu Âu từ lĩnh vực nông nghiệp và thực phẩm cũng có mặt để giới thiệu nền nông nghiệp của tương lai. Hơn 70 hội nghị diễn ra trong 9 ngày để thảo luận về 4 chủ đề chính: chăn nuôi và chế biến, cây trồng và các ngành thực vật, các sản phẩm nông nghiệp nước ngoài và thế giới và các dịch vụ và nghề nông nghiệp. Hơn 4.000 động vật đã được đưa đến triển lãm bao gồm bò, cừu, lợn, gia cầm, thỏ, ngựa và cả chó, mèo. Hơn 3.670 phóng viên trong và ngoài nước đăng ký tham gia đưa tin về sự kiện. Dự kiến, triển lãm thu hút khoảng 500.000 lượt khách tham quan. Bên cạnh đó, đây cũng là cơ hội để chuyên gia, nhà nông, nhà sản xuất, nhà tiêu thụ có dịp để cùng tận hưởng ẩm thực Pháp và quốc tế cùng các đặc sản địa phương, cũng như khám phá những cải tiến mới nhất trong chăn nuôi, trồng trọt và chế biến thực phẩm.
Hội chợ quốc tế Nông Nghiệp Pháp không chỉ là nơi trưng bày các sản phẩm nông nghiệp, mà còn mà nơi để gặp gỡ, chia sẻ, khám phá và học hỏi giữa những người làm nghề nông, tăng cường mối quan hệ giữa các đối tác trong và ngoài nước, cũng như tạo mối liên kết chặt chẽ giữa người sản xuất, với nhà khoa học, nhà quản lý, nhà phân phối và đặc biệt là người tiêu dùng... Đó cũng là lý do khiến SIA trở thành một trong những sự kiện gặp gỡ lớn nhất trong năm tại Pháp.
Nguồn:Thu Hà - Nguyễn Tuyên (TTXVN)/Báo Tin tức