menu search
Đóng menu
Đóng

Việt Nam – Thái Lan hướng tới thương mại cân bằng giai đoạn hậu Covid

08:16 25/04/2022

Trái cây Việt Nam đã tìm được chỗ đứng ở thị trường Thái Lan.

Cán cân thương mại giữa Việt Nam và Thái Lan trong những năm qua luôn ở trạng thái không cân bằng với mức thâm hụt nghiêng về phía Việt Nam, do đó hai bên đang hướng tới các giải pháp phát triển thương mại theo hướng cân bằng hơn, cùng có lợi…
Thái Lan là một trong những đối tác có kim ngạch xuất, nhập khẩu lớn với tổng giá trị trao đổi thương mại luôn nằm trong số 10 quốc gia có quan hệ thương mại lớn nhất với Việt Nam.
TẠO THUẬN LỢI THƯƠNG MẠI
Theo số liệu thống kê của Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC), kim ngạch thương mại của Việt Nam với Thái Lan tăng gấp 7 lần, từ 2,31 tỷ USD năm 2004 lên đến 16,58 tỷ USD năm 2020, tốc độ tăng trưởng trung bình đạt hơn 11%/năm.
Năm 2021, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Thái Lan đạt gần 19 tỷ USD, tăng 17,9% so với năm 2020. Đây là mức kim ngạch cao nhất từ trước tới nay. 3 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước đạt gần 5 tỷ USD, tăng 7,4%.
Tuy nhiên, cán cân thương mại giữa Việt Nam và Thái Lan trong những năm qua luôn ở trạng thái không cân bằng với mức thâm hụt nghiêng về phía Việt Nam. Mức thâm hụt trong quan hệ thương mại Việt Nam - Thái Lan ngày càng lớn, tăng từ 1,43 tỷ USD năm 2004 lên 7,11 tỷ USD năm 2018 và 5,54 tỷ USD năm 2020.
Nhóm các mặt hàng Việt Nam xuất khẩu chủ yếu sang thị trường Thái Lan bao gồm điện thoại, máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng, sắt thép các loại, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện… Các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu nhập khẩu những mặt hàng từ Thái Lan, như: máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng, nguyên liệu, hàng điện gia dụng và linh kiện.
Để đạt mục tiêu kim ngạch thương mại song phương 25 tỷ USD như Thủ tướng hai nước đã đặt ra, tại Kỳ họp lần thứ 4 Uỷ ban Hỗn hợp Thương mại Việt Nam – Thái Lan tổ chức ngày 20/4/2022 tại Băng Cốc (đoàn Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên dẫn đầu) hai bên đã thống nhất một số định hướng, giải pháp, kế hoạch hoạt động cụ thể cho quan hệ hợp tác giữa hai nước trong giai đoạn hậu Covid.
Phiên họp toàn thể Kỳ họp lần thứ tư Ủy ban Thương mại hỗn hợp Việt Nam – Thái Lan.
Đó là tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn trong việc tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp. Trong khi đó cần phải chú ý hơn tới các giải pháp phát triển thương mại theo hướng cân bằng hơn, cùng có lợi.
Với một số biện pháp cụ thể như: giảm tối đa việc áp dụng và tìm phương hướng giải quyết các rào cản thương mại không cần thiết nhằm đảm bảo sự vận hành bình thường của các chuỗi cung ứng. Thiết lập kênh trao đổi thông tin giữa các cơ quan phụ trách lĩnh vực phòng vệ thương mại.
Đồng thời, phối hợp tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại tại Thái Lan và Việt Nam, khuyến khích các tập đoàn bán lẻ của Thái Lan làm cầu nối đưa hàng hoá Việt Nam đến với người tiêu dùng Thái Lan và người tiêu dùng tại các nước mà Thái Lan có đầu tư phát triển hệ thống phân phối.
Hai bên khuyến khích các đơn vị phụ trách thương mại điện tử tăng cường hợp tác trong lĩnh vực này, trong đó có việc trao đổi kinh nghiệm xây dựng hệ sinh thái xúc tiến thương mại số.
Phía Việt Nam đã đề nghị Thái Lan trao đổi, chia sẻ thông tin về cơ chế, chính sách, thủ tục nhập khẩu của Thái Lan. Dỡ bỏ những quy định không cần thiết đối với các mặt hàng Việt Nam quan tâm, trong đó có mặt hàng sắt thép, đường, sữa, sắn lát... Đơn giản hóa các thủ tục xuất nhập cảnh đối với tàu hàng Việt Nam ghé cảng Thái Lan.
MỞ RỘNG THỊ TRƯỜNG TRÁI CÂY
Đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp, hai bên cam kết tiếp tục phối hợp để mở rộng tiếp cận thị trường đối với các sản phẩm trái cây tươi, đẩy nhanh quy trình phân tích nguy cơ dịch hại, nhấn mạnh tầm quan trọng của Bản ghi nhớ hợp tác trong việc áp dụng các biện pháp vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật (SPS) ký năm 2004 và trao đổi khả năng ký lại Bản ghi nhớ.
Thái Lan cho biết đã cấp phép nhập khẩu cho 4 loại hạt là hạt ớt chuông, cà, khoai tây và ngô nhập khẩu vào Thái Lan, bên cạnh 5 loại trái cây đã được cấp phép từ trước (thanh long ruột trắng, thanh long ruột đỏ, vải, nhãn, xoài).
Để đẩy mạnh hợp tác thương mại, hai bên nhất trí tăng cường sự phối hợp trong việc triển khai Hiệp định Tạo thuận lợi cho vận tải qua biên giới ở tiểu vùng Mê Công (GMS CBTA).
Đồng thời phối hợp cùng Lào trong việc thiết lập các tuyến xe khách kết nối các địa phương giữa ba nước, phối hợp cùng Campuchia phát triển tuyến đường vận tải biển từ phía Đông Thái Lan qua phía Nam Campuchia và Việt Nam, khuyến khích hợp tác phát triển dịch vụ vận tải hai chiều giữa hai nước.
Nhằm khắc phục những tác động của dịch Covid-19 đối với các nền kinh tế khu vực, hai bên nhất trí tăng cường phối hợp trong việc thực thi và nâng cấp Hiệp định thương mại hàng hoá ASEAN và các Hiệp định thương mại tự do ASEAN+.
Tập trung vào thực hiện các biện pháp tạo thuận lợi thương mại, giải quyết hàng rào phi thuế quan, tăng cường minh bạch... nhằm bảo đảm dòng chảy hàng hoá không bị gián đoạn, củng cố thương mại nội khối ASEAN và chuỗi cung ứng khu vực, đóng góp cho phục hồi kinh tế của khu vực sau đại dịch.
Việt Nam cũng đề nghị Thái Lan tạo điều kiện thuận lợi cho việc thành lập Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Thái Lan, để làm cầu nối hỗ trợ các doanh nghiệp, nhà đầu tư Việt Nam hoạt động, kinh doanh tại Thái Lan.

Nguồn:Vũ Khuê/VnEconomy

Link gốc