menu search
Đóng menu
Đóng

Xây dựng thương hiệu nông sản: Cần chương trình tổng thể

09:43 22/05/2017

Dù là quốc gia nông nghiệp nhưng đến nay vẫn hơn 80% lượng nông sản chưa xây dựng được thương hiệu, chưa có logo, nhãn mác. Đây là bất lợi lớn khiến các loại nông sản Việt thiếu sức cạnh tranh và phải chịu nhiều thiệt thòi.
Từ các mô hình hiệu quả
Cùng với vải thiều Thanh Hà (Hải Dương), vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang), chôm chôm Chợ Lách, bưởi da xanh (Bến Tre), xoài cát Hòa Lộc, xoài Cát Chu (Đồng Tháp), quýt đường (Trà Vinh)… Quảng Nam là địa phương khá “nổi" trong xây dựng thương hiệu gắn với chuỗi giá trị. Theo số liệu từ Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tỉnh Quảng Nam, đến nay, 45 đặc sản nông sản của tỉnh đã có thương hiệu dưới các hình thức như chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể như: Sâm Ngọc Linh, quế Trà My, gà tre Đèo Le…. Thạc sỹ Lê Minh Thảo - Trưởng phòng Quản lý chuyên ngành (Sở KH&CN Quảng Nam) - chia sẻ: Phát triển sản phẩm nông nghiệp theo chuỗi giá trị và xây dựng thương hiệu nông sản ở Quảng Nam luôn gắn với giá trị văn hóa truyền thống, tính đặc trưng vùng miền của địa phương. Sở KH&CN đang phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan xúc tiến đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp tiến tới xây dựng nhãn hiệu cho 32 đặc sản nông sản khác.
Tại Quảng Trị, các sản phẩm hồ tiêu, cà phê, tinh bột sắn cũng đã tạo nên thương hiệu độc quyền nhờ chất lượng và độ an toàn cao. Dự án “Xây dựng chỉ dẫn địa lý Quảng Trị” cho sản phẩm tiêu của địa phương đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký từ năm 2010. Hiện sản phẩm này đã xuất khẩu sang nhiều nước châu Âu.
Phát triển thương hiệu gắn với chuỗi giá trị
Bên cạnh những kết quả đạt được, theo các chuyên gia, việc phát triển sản phẩm nông nghiệp Việt theo chuỗi giá trị gắn với xây dựng thương hiệu hàng hóa vẫn còn không ít hạn chế. Đến nay vẫn còn 80% lượng nông sản chưa xây dựng được thương hiệu, chưa có logo nhãn mác, không ít sản phẩm tiêu thụ trên thị trường thế giới thông qua thương hiệu của nước khác. Thực trạng này đã làm cho nông sản nước ta dù giá trị đến mấy vẫn không có sức cạnh tranh, chịu thiệt thòi, từ đó nguồn lợi thu về từ xuất khẩu nông sản còn khiêm tốn.
Theo bà Võ Thị Lý - Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) - nguyên nhân của tình trạng trên là do chưa có chương trình tổng thể về xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản chủ lực, làm căn cứ định hướng để địa phương, doanh nghiệp xác định mặt hàng, thị trường tập trung làm thương hiệu; chưa có hệ thống quy định của pháp luật thống nhất trong lĩnh vực này; hệ thống cơ chế, chính sách hỗ trợ, hướng dẫn về sở hữu trí tuệ, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý còn nhiều bất cập, khó triển khai trong thực tiễn tại địa phương...
Trong bối cảnh Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định thương mại, thị trường xuất khẩu nông sản ngày càng mở rộng, việc phát triển thương hiệu gắn với chuỗi giá trị sẽ là giải pháp nâng cao giá trị nông sản Việt Nam. Để thực hiện, nhà nước cần xây dựng chương trình tổng thể về phát triển thương hiệu nông sản Việt, trong đó bao gồm đầy đủ các hướng dẫn thực hiện về lộ trình, công cụ tài chính, kỹ thuật, thị trường, cơ chế phối hợp, hệ thống chia sẻ, xác định thị trường, ngành hàng tập trung xây dựng thương hiệu… một cách khả thi áp dụng thực tiễn để các địa phương có căn cứ triển khai thực hiện.
Bộ NN&PTNT đã có kế hoạch xây dựng Chương trình phát triển thương hiệu nông sản chủ lực đến năm 2020. Trước mắt, sẽ tập trung vào 5 mặt hàng có thế mạnh để đầu tư xây dựng thương hiệu gồm xoài, thanh long, chè, cà phê và cá tra.

Nguồn: baocongthuong.com.vn