menu search
Đóng menu
Đóng

Xuất khẩu nông sản sang Australia: Chinh phục thị trường khắt khe

09:24 17/04/2023

Hiện có 4 loại trái cây tươi của Việt Nam là xoài, nhãn, vải thiều, thanh long được xuất khẩu vào thị trường Australia. Tuy nhiên, để mở rộng thị phần cho các sản phẩm nông nghiệp này là không dễ bởi Australia là thị trường có những yêu cầu khắt khe về nhãn mác, an toàn thực phẩm, thậm chí một số tiêu chuẩn còn cao hơn cả Hoa Kỳ và EU.

 
Nhận diện khó khăn
Đánh giá về thị trường Australia, ông Vũ Huy Phúc, Phó trưởng bộ môn nghiên cứu Thị trường và Ngành hàng, Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho biết, năm 2022, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam sang Australia đạt 845 triệu USD. Tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu bình quân 9%/năm trong giai đoạn 2009 - 2022. Trong đó, tăng trưởng mạnh nhất là sản phẩm thuỷ sản, tiếp đến là các mặt hàng rau quả cũng tăng mạnh nhờ mở cửa thị trường. Ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng nhập khẩu nhiều nông sản từ Australia. Tổng giá trị kim ngạch nhập khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam từ Australia năm 2022 đạt 2,7 tỷ USD. Tốc độ tăng trưởng nhập khẩu của Việt Nam từ Australia đạt 32,6%/năm (giai đoạn 2009 - 2022).
“Với số lượng cộng đồng người Việt tại Australia lớn, đi cùng với đó là nhu cầu của người dân Australia với các sản phẩm của Việt Nam cũng ngày càng lớn (trái cây, gia vị…). Bên cạnh đó, các mặt hàng nông sản giữa hai quốc gia không có sự trùng lắp về loại hình nông sản nào đó như các quốc gia lân cận mình (về trái cây, trái cây Việt Nam là trái cây nhiệt đới, Australia là trái cây ôn đới). Ngoài ra, Việt Nam và Australia cùng là thành viên của nhiều FTA song phương và đa phương. Đây là những điều kiện thuận lợi để Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu nông sản sang Australia”, ông Vũ Huy Phúc phân tích.
Bên cạnh những thuận lợi, nông sản của nước ta xuất khẩu vào thị trường này còn chịu sự cạnh tranh lớn của các nước khác. Hiện có 4 loại trái cây tươi của Việt Nam là xoài, nhãn, vải thiều, thanh long được xuất khẩu vào thị trường Australia. Do đó, để tăng kim ngạch xuất khẩu không phải là điều dễ dàng. Ngoài ra, quy mô sản xuất nông sản của Việt Nam chủ yếu nhỏ, lẻ. Khả năng truy xuất nguồn gốc, kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm còn hạn chế.
Trong khi đó, Australia được đánh giá là một trong những thị trường khó tính nhất thế giới với nhiều yêu cầu tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm cao, quy trình nhập khẩu nghiêm ngặt. Tại thị trường này, các rào cản kỹ thuật, yêu cầu về nhãn mác, vệ sinh an toàn thực phẩm rất khắt khe, một số tiêu chuẩn còn cao hơn cả Hoa Kỳ và EU. Australia cũng yêu cầu nhiều quy định về nhập khẩu như: chính sách thuế và thuế suất; quy định về bao bì, nhãn mác; quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm dịch; quyền sở hữu trí tuệ; thương hiệu; tập quán kinh doanh,... Đây cũng là một thị trường có nền nông nghiệp nội địa dồi dào, phong phú. Chính vì vậy, nếu muốn thâm nhập thị trường Australia, các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cần đặt ưu tiên hàng đầu đối với chất lượng sản phẩm, thay vì giá thành. Ngoài ra, người tiêu dùng Australia còn chú trọng bao bì, mẫu mã và thương hiệu.
Làm gì để gia tăng kim ngạch xuất khẩu?
PGS.TS. Nguyễn Anh Thu, Phó hiệu trưởng, Trường Đại học kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) nhận định, Việt Nam và Australia đều có thuận lợi về các tuyến vận tải thương mại bằng đường thủy và đường hàng không, tạo điều kiện cho giao thương hai chiều. Bên cạnh đó, Việt Nam và Australia là thành viên chung của ít nhất 3 Hiệp định thương mại tự do (FTA), bao gồm FTA ASEAN-Australia-New Zealand (AANZFTA), Hiệp định CPTPP và mới đây nhất là Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP). Điều này giúp xóa giảm đáng kể các rào cản với thương mại nông sản hai chiều Australia và Việt Nam
Tuy nhiên, bà Nguyễn Anh Thu cũng chỉ ra thực tế rằng nhu cầu của thị trường Australia còn thấp với nông sản của Việt Nam, có thể một phần do vấn đề thị hiếu. Còn về chủ quan, chất lượng của nông sản Việt Nam chưa thật sự cao và chưa đáp ứng được yêu cầu và quy định nhập khẩu của Australia, giá trị thương hiệu chưa cao. Ngoài ra, các doanh nghiệp và nông dân chưa thực sự hiểu biết về các cam kết của các FTA, trong khi đó phải cạnh tranh gay gắt với các đối tác thương mại khác của Australia như Mỹ, Trung Quốc, New Zealand, Thái Lan…
“Để thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu nông sản sang thị trường Australia, cơ quan chức năng cần tăng cường thông tin về các FTA và lợi ích ngoài thuế quan của các FTA. Đồng thời, thông tin rộng rãi về thị trường Australia, việc này không chỉ hướng đến các nhà xuất khẩu và chế biến nông sản mà cần hướng tới cả nông dân. Còn các doanh nghiệp cần chú ý hơn đến các sản phẩm nông sản đông lạnh và nghiên cứu để xuất khẩu các sản phẩm trái cây đông lạnh vì đây là những sản phẩm không bị ràng buộc bởi giấy phép xuất khẩu... Đặc biệt, mặc dù hiện nay nông sản Việt Nam chưa bị Australia áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại tuy nhiên cần quan tâm hơn về vấn đề này trong tương lai. Do đó, Chính phủ, hiệp hội doanh nghiệp, các doanh nghiệp cần đoàn kết, hỗ trợ lẫn nhau để có thể đối phó và giải quyết làm sao để giúp các sản phẩm của Việt Nam có thể tiến ra thị trường thế giới nói chung và thị trường Australia nói riêng”, bà Nguyễn Anh Thu đề xuất.
Đối với một thị trường tiềm năng nhưng “khó tính” như Australia, các chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp cần tăng cường kiểm soát chất lượng vùng trồng, vùng nuôi. Hoàn thiện hệ thống đăng ký, đánh giá cấp mã vùng trồng, vùng nuôi, cơ sở đóng gói, sơ chế, chế biến. Cơ quan chức năng cũng cần xây dựng các chương trình hỗ trợ phát triển thương hiệu và đăng ký bảo hộ thương hiệu nông sản xuất khẩu sang Australia. Tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại kết nối giao thương cho doanh nghiệp hai nước. Thúc đẩy chuyển đổi số trong sản xuất, thương mại nông sản.
Đồng thời, các doanh nghiệp Việt Nam cần chú trọng hơn nữa về bao bì sản phẩm, đảm bảo chất lượng hàng hóa nhất là các quy định về hóa chất, quan tâm chú ý về các thủ tục hải quan, đóng gói để đảm bảo tốt nhất thời gian vận chuyển giúp hàng hóa tươi ngon. Đồng thời, cần có sự phối hợp nhịp nhàng giữa các khâu, từ nguồn cung, nhà xuất khẩu, vận chuyển, đến nhà nhập khẩu, phân phối, nhằm duy trì tốt chuỗi cung ứng, tránh để xảy ra tình trạng gián đoạn. Một vấn đề khác mà doanh nghiệp trong nước cũng cần quan tâm đó là nghiên cứu thêm nhiều sản phẩm đông lạnh, chế biến, thay vì chỉ xuất thô, giá trị thấp.

Nguồn:Haiquanonline

Link gốc