menu search
Đóng menu
Đóng

Bộ Y tế hướng dẫn chẩn đoán, điều trị sốt xuất huyết Dengue

16:33 05/09/2019

Vinanet - Bộ Y tế hướng dẫn chẩn đoán, điều trị sốt xuất huyết Dengue là nội dung nổi bật nêu tại Quyết định 3705/QĐ-BYT do Bộ Y tế ban hành và có hiệu lực kể từ ngày 22/8/2019.
Theo đó, sốt xuất huyết Dengue là bệnh truyền nhiễm gây dịch do vi rút Dengue gây nên. Vi rút này truyền từ người bệnh sang người khác do muỗi đốt, xảy ra quanh năm, thường tăng vào mùa mưa. Vi rút Dengue có 4 týp huyết thanh là DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4. Vi rút truyền từ người bệnh sang người lành do muỗi đốt. Muỗi Aedes aegypti là côn trùng trung gian truyền bệnh chủ yếu.
Bệnh gặp cả ở trẻ em và người lớn. Bệnh sốt xuất huyết Dengue có biểu hiện lâm sàng đa dạng, diễn biến nhanh chóng từ nhẹ đến nặng, bệnh thường khởi phát đột ngột và diễn biến qua ba giai đoạn: Giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm và giai đoạn hồi phục.
Ở giai đoạn sốt, người bệnh sốt cao đột ngột liên tục, nhức đầu, chán ăn, buồn nôn, da xung huyết, đau cơ, đau khớp, nhức hai hố mắt, nghiệm pháp dây thắt dương tính, thường có chấm xuất huyết ở dưới da, chảy máu chân răng hoặc chảy máu mũi.
Giai đoạn nguy hiểm thường vào ngày thứ 3-7 của bệnh, người bệnh có thể còn sốt hoặc đã giảm sốt, có thể có thêm biểu hiện đau bụng nhiều và liên tục hoặc tăng cảm giác đau nhất là ở vùng gan, vật vã, lừ đừ, li bì, gan to hơn 2 cm dưới bờ sườn, có thể đau…
Giai đoạn hồi phục thường vào ngày thứ 7-10 của bệnh, người bệnh hết sốt, toàn trạng tốt lên, thèm ăn, huyết động ổn định và tiểu nhiều, có thể nhịp tim chậm, không đều, suy hô hấp do quá tải dịch truyền.
Theo Tổ chức Y tế thế giới 2009, bệnh sốt xuất huyết Dengue được chia làm 03 mức độ: Sốt xuất huyết Dengue, sốt xuất huyết Dengue có dấu hiệu cảnh báo và sốt xuất huyết Dengue nặng. Nếu không được chẩn đoán sớm và xử trí kịp thời, người bệnh có thể chết.
Trong trường hợp bị sốt xuất huyết Dengue, cần lưu ý những điểm sau:
- Không ăn uống những thực phẩm có màu nâu hoặc đỏ như xá xị, sô cô la…
- Khuyến khích uống nhiều nước oresol hoặc nước trái cây như nước dừa, cam, chanh… hoặc nước cháo loãng với muối; Nên uống theo nhu cầu cơ bản, khuyến khích uống nhiều;
- Nếu sốt cao từ 38,5 độ C trở lên thì uống thuốc hạ nhiệt theo chỉ định của bác sĩ, nới lỏng quần áo và lau mát bằng nước ấm;
- Không dùng aspirin, analgin… để điều trị vì có thể gây xuất huyết, toan máu;
- Phải đến khám lại ngay nếu có một trong các dấu hiệu: Khó chịu mặc dù sốt giảm hoặc hết sốt; Không ăn, uống được; Nôn ói nhiều; Đau bụng nhiều; Tay chân lạnh, ẩm; Chảy máu mũi, miệng hoặc xuất huyết âm đạo…
Quyết định này có hiệu lực từ ngày 22/8/2019.
Xem chi tiết Quyết định 3705/QĐ-BYT tại đây.