Nghị định gồm có 4 Chương, 117 Điều; trong đó Điều 1 quy định về hành vi VPHC, hình thức, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với từng hành vi VPHC, thẩm quyền lập biên bản, thẩm quyền xử phạt VPHC theo từng chức danh đối với hành vi VPHC trong lĩnh vực y tế.
Trong Điều 3 qui định, hình thức xử phạt chính là cảnh cáo và phạt tiền. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân có hành vi VPHC có thể bị áp dụng một hoặc nhiều hình thức xử phạt bổ sung: a- Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn từ 1-24 tháng đối với: giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược; giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh; giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn an toàn sinh học cấp III; giấy chứng nhận đủ điều kiện xét nghiệm HIV; giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm; giấy phép kinh doanh rượu, bia; giấy phép hoạt động Ngân hàng mô; chứng chỉ hành nghề dược; chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh; b- Tịch thu tang vật, phương tiện VPHC trong lĩnh vực y tế; c- Đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 1-24 tháng; d- Trục xuất.
Điều 4 qui định, mức phạt tiền tối đa đối với hành vi VPHC về dân số là 30 triệu đồng đối với cá nhân và 60 triệu đồng đối với tổ chức.
Mức phạt tiền tối đa đối với hành vi VPHC về y tế dự phòng và phòng, chống HIV/AIDS là 50 triệu đồng đối với cá nhân và 100 triệu đồng đối với tổ chức.
Mức phạt tiền tối đa đối với hành vi VPHC về bảo hiểm y tế là 75 triệu đồng đối với cá nhân và 150 triệu đồng đối với tổ chức.
Mức phạt tiền tối đa đối với hành vi VPHC về khám bệnh, chữa bệnh, dược, mỹ phẩm và trang thiết bị y tế là 100 triệu đồng đối với cá nhân và 200 triệu đồng đối với tổ chức.
Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 15/11/2020.
Nguồn:VITIC