menu search
Đóng menu
Đóng

Những điểm nổi bật của Nghị quyết 27-NQ/TW về cải cách tiền lương

09:15 04/01/2024

Nghị quyết 27-NQ/TW về cải cách tiền lương của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã được ban hành ngày 21/5/2018. Những điểm mới, nổi bật của Nghị quyết 27-NQ/TWcụ thể như sau:
 
Tiếp tục tăng lương cơ sở, lương tối thiểu vùng
Nghị quyết nêu rõ, trong khu vực Nhà nước, giai đoạn từ năm 2018 đến 2020 sẽ tiếp tục điều chỉnh tăng lương cơ sở, bảo đảm không thấp hơn chỉ số giá tiêu dùng và phù hợp với tốc độ tăng trưởng kinh tế; không bổ sung các loại phụ cấp mới theo nghề. Tuy nhiên, đến năm 2021, mức lương cơ sở sẽ hoàn toàn được bãi bỏ.
Trong khu vực doanh nghiệp, thực hiện tăng mức lương tối thiểu vùng để đến năm 2020, mức lương tối thiểu bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ. Từ năm 2021, vẫn tiếp tục điều chỉnh lương tối thiểu vùng theo định kỳ.
Từ 2021, lương Nhà nước bằng lương doanh nghiệp
Từ năm 2021, mức lương cơ sở và hệ số lương được bãi bỏ, xây dựng mức lương cơ bản bằng số tiền cụ thể, đảm bảo mức lương thấp nhất của cán bộ, công chức phải bằng mức lương thấp nhất bình quân các vùng của khu vực doanh nghiệp.
- Đến năm 2025, tiền lương thấp nhất của cán bộ, công chức cao hơn mức lương thấp nhất bình quân các vùng của khu vực doanh nghiệp.
- Đến năm 2030, tiền lương thấp nhất của cán bộ, công chức bằng hoặc cao hơn mức lương thấp nhất của vùng cao nhất của khu vực doanh nghiệp.
Xây dựng 5 bảng lương mới theo chức vụ, vị trí việc làm
Bao gồm:
- 1 bảng lương chức vụ: Áp dụng với cán bộ, công chức giữ chức vụ lãnh đạo, không phân biệt bộ, ngành, ban.
- 1 bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ: Áp dụng chung với công chức, viên chức không giữ chức danh lãnh đạo; được xây dựng trên nguyên tắc: Cùng mức độ phức tạp công việc thì mức lương như nhau…
- 3 bảng lương với lực lượng vũ trang nhân dân, gồm: 1 bảng lương sĩ quan quân đội, sĩ quan và hạ sĩ quan nghiệp vụ công an; 1 bảng lương quân nhân chuyên nghiệp, chuyên môn kỹ thuật công an và 1 bảng lương công nhân quốc phòng, công an.
Bổ sung tiền thưởng trong cơ cấu tiền lương
Cơ cấu tiền lương mới đối với khu vực Nhà nước sẽ bao gồm: Lương cơ bản (chiếm khoảng 70% tổng quỹ lương) và các khoản phụ cấp (chiếm khoảng 30% tổng quỹ lương); bổ sung tiền thưởng (quỹ tiền thưởng bằng 10% tổng quỹ lương của năm, không bao gồm phụ cấp).
Bãi bỏ hàng loạt phụ cấp và khoản chi ngoài lương
Nghị quyết nêu rõ, sẽ tiếp tục áp dụng phụ cấp kiêm nhiệm, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp khu vực nhưng sẽ bãi bỏ các loại phụ cấp khác như: Phụ cấp thâm niên nghề (trừ quân đội, công an, cơ yếu); phụ cấp chức vụ lãnh đạo; phụ cấp công tác đảng, đoàn thể; phụ cấp độc hại, nguy hiểm.
Đồng thời, bãi bỏ các khoản chi ngoài lương của cán bộ, công chức có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước như: Tiền bồi dưỡng họp; tiền bồi dưỡng xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, đề án…
Không áp dụng lương công chức với nhân viên thừa hành, phục vụ
Đối với những người làm công việc thừa hành, phục vụ (yêu cầu trình độ đào tạo dưới trung cấp) sẽ không còn được áp dụng bảng lương công chức, viên chức như quy định hiện nay mà thực hiện thống nhất chế độ hợp đồng lao động theo quy định của Bộ luật Lao động.
Tiếp tục thí điểm cơ chế tăng thu nhập cho công chức nhiều nơi
Cũng theo Nghị quyết, sẽ mở rộng áp dụng cơ chế thí điểm đối với một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã tự cân đối ngân sách và bảo đảm đủ nguồn thực hiện cải cách tiền lương, các chính sách an sinh xã hội được chi thu nhập bình quân tăng thêm không quá 0,8 lần quỹ lương cơ bản cho cán bộ, công chức thuộc phạm vi quản lý.
Nhà nước không can thiệp vào tiền lương của doanh nghiệp
Nhà nước chỉ công bố mức lương tối thiểu vùng theo tháng và theo giờ, tiền lương bình quân trên thị trường đối với các ngành nghề và hỗ trợ cung cấp thông tin thị trường lao động mà không can thiệp trực tiếp vào chính sách tiền lương của doanh nghiệp.
Doanh nghiệp và người lao động tự thương lương, ký hợp đồng và trả lương gắn với năng suất và kết quả lao động./.
 Xem chi tiết văn bản tại đây

Nguồn:Vinanet/VITIC