menu search
Đóng menu
Đóng

Indonesia có thể không cần phải nhập khẩu thêm gạo

14:34 12/09/2013
Chính phủ Indonesia vẫn chưa quyết định liệu có nhập khẩu gạo để bảo đảm kho dự trữ cuối năm hay không, trước hy vọng rằng mưa kéo dài sẽ làm tăng sản lượng lúa gạo trong nước.

Chính phủ Indonesia vẫn chưa quyết định liệu có nhập khẩu gạo để bảo đảm kho dự trữ cuối năm hay không, trước hy vọng rằng mưa kéo dài sẽ làm tăng sản lượng lúa gạo trong nước.

Bộ trưởng Nông nghiệp Indonesia Suswono cho biết bộ đã kêu gọi nông dân tận dụng tình hình thời tiết có mưa thường xuyên để trồng lúa. Điều này sẽ giúp bổ sung thêm gạo vào kho dự trữ và sẽ tránh được việc phải nhập khẩu gạo.

Báo Jakarta Post dẫn lời Bộ trưởng Suswono cho biết: "Việc Chính phủ Indonesia có quyết định nhập khẩu gạo hay không phụ thuộc vào Cơ quan Hậu cần Quốc gia (Bulog) có thể thu mua bao nhiêu gạo trong nước và cần bao nhiêu để lấp đầy mức tối thiểu 2 triệu tấn gạo dự trữ cuối năm. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn đang xem xét Indonesia có thể sản xuất được bao nhiêu tấn lúa cho đến cuối năm do mùa mưa kéo dài giúp gia tăng sản lượng, và có thể chúng tôi sẽ không cần phải nhập khẩu thêm gạo.”

Trong khi trước đó, Giám đốc của Bulog, Sutarto Alimoeso, cho biết Indonesia có thể phải nhập khẩu ít nhất 600.000 tấn gạo cuối năm nay do thời tiết bất thường và hệ thống thủy lợi kém khiến sản lượng thấp.

Theo ông Sutarto, việc nhập khẩu gạo là không thể tránh khỏi vì lượng gạo tồn kho của Bulog đã giảm mạnh sau khi được dùng để phân phát cho người nghèo, khoảng 700.000 tấn thông qua chương trình trợ giúp của chính phủ, khi giá nhiên liệu có trợ cấp tăng.

Ông Sutarto cho biết nhập khẩu gạo cũng cần thiết bởi sản lượng thóc trong năm nay thấp hơn dự kiến, chỉ tăng 0,31% lên 69,27 triệu tấn.

Bulog phải giữ 2 triệu tấn gạo trong kho dự trữ đến cuối năm để phục vụ nhu cầu trong nước và bình ổn giá trong thời gian gieo trồng giai đoạn từ tháng Giêng đến tháng Ba, thời điểm dự trữ ở mức thấp.

Theo Cơ quan thống kê quốc gia Indonesia (BPS), năm 2012, nước này sản xuất 69,06 triệu tấn thóc tương ứng với 40 triệu tấn gạo.

Ông Suswono giải thích: “Thay vì nhập khẩu gạo, điều cần thiết hiện nay là cần nhanh chóng giải phóng gạo trong kho dự trữ bởi hầu hết là gạo cũ, đồng thời tránh để cho chất lượng gạo bị sụt giảm.”

Hồi tháng 7/2012, Chính phủ Indonesia cho biết Bulog sẽ nhập khẩu tới 1 triệu tấn gạo, nhưng cuối cùng chỉ nhập khoảng 670.000 tấn, trong đó có 600.000 tấn từ Việt Nam và 70.000 tấn từ Ấn Độ.

Indonesia đặt mục tiêu tự cung tự cấp gạo trong năm 2008 và 2009, nhưng đã bắt đầu nhập khẩu gạo trong năm 2010 để bảo đảm nguồn dự trữ khi sản xuất kém, và sẽ tiếp tục nhập khẩu gạo cho đến khi chứng kiến hoạt động sản xuất tăng dần trong những năm tiếp theo.

Indonesia đã ký một thỏa thuận với Myanmar hồi năm ngoái, theo đó nhất trí bán cho quốc gia này tới 200.000 tấn gạo/năm, nếu cần thiết./.

(TTXVN)