Xuất khẩu đã đi được 3/4 chặng đường và có nhiều tín hiệu tích cực. Với kim ngạch XK 10,7 tỷ USD/tháng như hiện nay thì mục tiêu XK 126,1 tỷ USD trong năm 2013 hoàn toàn khả thi, thậm chí còn vượt kế hoạch.
Tổng kim ngạch XK hàng hóa 9 tháng đạt 96,46 tỷ USD, trong khi đó kim ngạch NK hàng hóa 9 tháng ước đạt 96,58 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, với việc kim ngạch NK tăng cao hơn so với XK khiến cho nhập siêu trong 9 tháng đầu năm của Việt Nam ở mức thấp đạt 124 triệu USD.
Nhìn vào những con số thống kê có thể thấy rằng, XK đạt được sự vượt trội trên nhiều mặt, cả về quy mô, tốc độ tăng, mặt hàng, thị trường. Mới qua 9 tháng, kim ngạch XK đã tương đương với kim ngạch của cả năm 2011, còn so với cùng kỳ năm trước, XK đã tăng 15,7%.
Cụ thể, theo số liệu công bố ngày 30-9 của Bộ Công Thương, kim ngạch hàng hóa XK 9 tháng ước tính đạt 96,46 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước tương đương 13,08 tỷ USD. Tuy nhiên, con số XK này vẫn thể hiện nhiều điểm đáng lo ngại.
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, kim ngạch XK 9 tháng tăng cao chủ yếu DN FDI. Trong khi XK của DN FDI (không kể dầu thô) tăng tới 27%, ước đạt 58,44 tỷ USD thì XK của các DN trong nước chỉ tăng 4,4%, đạt 32,5 tỷ USD. Tính riêng một số mặt hàng có sự tham gia của khối DN FDI như dệt may, giày dép, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, điện thoại các loại và linh kiện đã chiếm đến 43,7% tổng kim ngạch XK của Việt Nam.
Nếu tính giá trị tuyệt đối, 9 tháng đầu năm so với cùng kỳ tăng 13,08 tỷ USD thì nhóm 4 mặt hàng này đã tăng gần 11,8 tỷ USD. Như vậy, mức tăng của khối DN trong nước chỉ bằng 1/6 so với DN FDI. Với lợi thế về vốn, công nghệ của DN FDI thì đây là điều mà các cơ quan chức năng phải lưu ý để có những biện pháp tháo gỡ khó khăn cho DN trong nước.
Đáng lưu ý, nếu trước kia nhóm hàng nông lâm thủy sản đóng vai trò chủ lực cho kim ngạch XK của cả nước thì trong 9 tháng đầu năm nay, XK nhóm hàng nông sản, thủy sản tiếp tục giảm cả về giá và lượng so với cùng kỳ. Điều này thể hiện việc các DN XK các nhóm hàng này tiếp tục đối mặt với những khó khăn như nhu cầu thị trường giảm, giá cả thị trường thế giới của một số mặt hàng giảm do cung vượt quá cầu, nguồn hàng cho XK giảm đối với một số mặt hàng đã hết mùa vụ.
Sự suy giảm đáng lo ngại của nhóm hàng nông lâm thủy sản đã khiến cho nhóm hàng công nghiệp chế biến vươn lên vị trí dẫn đầu, đóng góp chính cho sự tăng trưởng của XK. XK nhóm hàng công nghiệp chế biến ước đạt 67,24 tỷ USD chiếm hơn 69,7% trong tổng kim ngạch XK, trở thành nhóm hàng có tốc độ tăng trưởng XK cao và là nhóm chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng kim ngạch XK.
Nổi lên trong nhóm là mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện, sản phẩm điện tử và linh kiện có quy mô và tốc độ tăng trưởng cao lần lượt là tăng 75,5% và 45,3%. Tuy nhiên, 2 nhóm hàng này chủ yếu là đóng góp chính của các DN FDI, giá trị gia tăng không cao. Đây cũng là điều đáng lo ngại khi bức tranh XK phụ thuộc vào những ngành hàng này.
Trong 7 mặt hàng nông sản XK chủ yếu, có đến 4 mặt hàng có lượng XK giảm là cà phê, chè, gạo, sắn và sản phẩm từ sắn còn lại các mặt hàng khác lượng XK đều tăng, trong đó giảm nhiều nhất là mặt hàng sắn XK giảm 28,7%, tiếp đến là cà phê giảm 22,5%, gạo giảm 12,3%, chè giảm 2,8%.
Bộ Công Thương nhìn nhận, trong 9 tháng đầu năm, XK đã đạt 96,46 tỷ USD và trên thực tế, tình hình XK vẫn có xu hướng tăng mạnh vào những tháng cuối năm nếu không có yếu tố đột biến khả năng XK cả năm sẽ đạt khoảng 131 tỷ USD, tăng khoảng 14% so với năm 2012, cao hơn 4% so với chỉ tiêu Quốc hội đề ra. Trong khi đó, mục tiêu đặt ra trước đó là kim ngạch XK tăng 10%, đạt 126,1 tỷ USD.
Để đạt được con số trên, các giải pháp mà Bộ Công Thương đặt ra là: Tích cực và chủ động phối hợp với các bộ, ngành địa phương và các đơn vị trong bộ triển khai các giải pháp, các đề án trong chương trình hành động thực hiện Chiến lược XNK hàng hóa thời kỳ 2011-2020, định hướng đến 2030, đẩy mạnh các hoạt động đàm phán song phương, đa phương nhằm mở rộng thị trường XK.
Ngoài ra, việc theo dõi, đánh giá tình hình thực hiện XK và dự báo khả năng XK vào các thị trường, nhất là các thị trường có quy mô lớn, cải thiện chất lượng hàng hóa tránh rủi ro cho DN khi thực hiện các hợp đồng XK cũng là biện pháp được Bộ Công Thương tiến hành.
Trên thực tế, theo ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục XNK (Bộ Công Thương), việc vận dụng những ưu đãi thuế quan thông qua các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) là cơ hội giúp các DN tiếp tục gia tăng kim ngạch XK. Trong 9 tháng đầu năm 2013, các DN đã tận dụng tốt lợi thế do các FTA mang lại. Tỷ lệ hàng hóa được hưởng ưu đãi của Việt Nam cao so với các đối tác trong khu vực và luôn có tỷ lệ tăng trưởng cao. Đơn cử tại Hàn Quốc, trên 90% hàng XK của Việt Nam được hưởng ưu đãi về thuế thông qua FTA ASEAN-Hàn Quốc, thị trường ASEAN tăng từ 25% lên 31%.
Tuy nhiên, hiện nay Việt Nam đang tích cực đàm phán nhiều hiệp định mới như Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ hoàn tất vào cuối năm 2013, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) sẽ hoàn tất vào năm 2015. Đây là cơ hội để mở rộng thị trường, tăng kim ngạch XK của Việt Nam nhưng cũng mở ra rất nhiều thách cho các DN. Bởi vậy, để giữ được đà XK như hiện nay, rất cần có sự hỗ trợ từ phía Chính phủ, các bộ, ngành để DN có thể tận dụng tốt những lợi thế này.
Theo Bộ Công Thương, kim ngạch NK từ thị trường châu Á vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong số các thị trường NK của Việt Nam, chiếm 80,6%, trong đó NK từ ASEAN chiếm hơn 16%, các nước Đông Á chiếm 59,7%, riêng Trung Quốc chiếm hơn 27,5%. Còn theo số liệu của Tổng cục Hải quan, 8 tháng đầu năm Việt Nam nhập siêu khoảng 14,92 tỷ USD từ Trung Quốc.
Châu Âu vẫn là thị trường XK có mức tăng trưởng cao nhất trong 9 tháng đầu năm, tăng 21,9%. Tiếp theo là thị trường châu Mỹ với mức tăng 13,4%, châu Á là 12,9% và thị trường châu Đại Dương đứng thứ 4 với mức tăng trưởng 9,4%, châu Phi đứng thứ 5 với mức tăng 6,5%.
Nguồn:Hải quan Việt Nam