menu search
Đóng menu
Đóng

Xuất khẩu: Đối mặt với nhiều rào cản mới

15:27 03/09/2009
Luật sư James Lockett thuộc Công ty Baker & McKenzie (Hà Nội), cho biết dự báo của WTO trong thời gian tới do khủng hoảng kinh tế sẽ xảy ra nhiều vụ kiện chống bán phá giá. Nhiều quốc gia sẽ áp dụng nhiều rào chắn kỹ thuật nhằm bảo hộ cho hàng hóa sản xuất trong nước. Các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ ngày càng khó khăn hơn bởi các nguy cơ này.

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết tính từ vụ kiện chống bán phá giá đầu tiên năm 1994 (gạo, Colombia), cho đến ngày 15/6/2009, hàng hóa xuất khẩu Việt Nam đã là đối tượng bị kiện của 39 vụ kiện phòng vệ thương mại. Riêng trong quý I năm nay đã có 4 vụ kiện (giày - Braxin, giày và đế giày cao su - Canada, túi nhựa PE - Hoa Kỳ, đĩa ghi DVD - Ấn Độ).

Ngân hàng Thế giới công bố, từ Hội nghị thượng đỉnh G20 vào tháng 11/2008 cho đến nay, các nước thuộc G20 đã áp dụng 47 biện pháp hạn chế thương mại. Nhiều biện pháp thắt chặt an toàn thực phẩm nhập khẩu vào thị trường Hoa Kỳ đã được triển khai, trong đó có nhiều quy định mới liên quan đến các mặt hàng nông sản, hải sản, đồ gỗ xuất khẩu vào thị trường này.

Tháng 12/2009, một luật mới của Hoa Kỳ sẽ được ban hành và thực thi, luật mới buộc các lô hàng cá da trơn nhập khẩu sẽ phải chịu sự kiểm tra bởi Ban Thanh tra và An toàn thực phẩm (FSIS). Theo tổ chức này, các quy định kiểm tra sẽ định nghĩa cá da trơn và phạm vi bao trùm của các quy định sẽ được áp dụng với cơ sở chế biến cá da trơn trong đó sẽ tính đến các điều kiện nuôi và vận chuyển cá đến cơ sở chế biến.

Ngoài ra, đối với các sản phẩm đồ gỗ, đạo luật Lacey sửa đổi đang yêu cầu các nhà nhập khẩu phải khai báo chi tiết đối với từng loại hàng thực vật về tên khoa học (giống và loài), giá trị nhập khẩu, khối lượng thực vật, tên của các quốc gia mà thực vật được thu hoạch theo lộ trình từ cuối năm 2008 cho đến tháng 4/2010. Với đạo luật này trong thời gian sắp tới các nhà nhập khẩu có thể yêu cầu các nhà xuất khẩu có hệ thống kiểm tra chi tiết, tìm lại xuất xứ thu hoạch để thực hiện một cách chính xác việc khai báo và chịu trách nhiệm về những thông tin đã cung cấp về sản phẩm. Vì vậy, các doanh nghiệp xuất khẩu các mặt hàng nằm trong phạm vi điều chỉnh của đạo luật này cần lập hồ sơ thu thập thông tin xuất xứ về sản phẩm.

Hàng may mặc và giày dép dành cho trẻ em cũng có những quy định mới, về lượng chì trong sản phẩm và trong sơn bề ngoài của sản phẩm hiện nay là 600ppm, nhưng bắt đầu từ ngày 14/9/2009 lượng chì trong sơn bề ngoài của sản phẩm chỉ còn 90 ppm và lượng chì trong sản phẩm chỉ còn 300 ppm. Về nhãn mác, yêu cầu phải bao gồm tên của nhà sản xuất, thời gian, địa điểm sản xuất và các thông tin về sản phẩm…

Theo Thư ký Hội đồng tư vấn các biện pháp phòng vệ thương mại quốc tế - TRC,  trong nhiều năm chúng ta chỉ bị kiện chống bán phá giá và biện pháp tự vệ. Tuy nhiên, với vụ kiện chống trợ cấp mà Hoa Kỳ tiến hành đối với túi nhựa Việt Nam đầu năm nay, chúng ta đã bắt đầu phải đối mặt với công cụ cuối cùng của nhóm các biện pháp phòng vệ thương mại, hết sức nguy hiểm trong trường hợp cụ thể của Việt Nam khi nhiều nước chưa công nhận nước ta có nền kinh tế thị trường.

Các chuyên gia kinh tế nhận định rằng trong khó khăn, các nền kinh tế đều đang có xu hướng tăng cường các rào cản thương mại. Nhật Bản vừa siết chặt hơn các điều kiện về tiêu chuẩn, kỹ thuật với sản phẩm thuỷ sản nhập khẩu; Hoa Kỳ và Pháp ra quy định cao hơn giảm tỷ lệ hàm lượng chì, keo trong gỗ nhập khẩu của Việt Nam xuống rất thấp; Hoa Kỳ thông qua dự luật PBNS yêu cầu giám sát hàng dệt may nhập khẩu từ Việt Nam và Trung Quốc… Hoa Kỳ cũng mới thực hiện Luật Điều chỉnh bổ sung các mặt hàng xuất khẩu vào Hoa Kỳ.

Những mặt hàng mà cơ quan an toàn vệ sinh thực phẩm của Hoa Kỳ đặc biệt lưu ý là: Sách vở, dụng cụ học tập, sản phẩm dùng để vệ sinh răng miệng và đồ gỗ. Có những quy định rất nhỏ như nếu lớp sơn trên dây kéo quần dành cho trẻ em có hàm lượng chì thì sản phẩm đó sẽ vĩnh viễn bị cấm nhập vào Hoa Kỳ. Ngành xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam vào Hoa Kỳ cũng sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi Đạo luật Nông nghiệp 2008 - bắt đầu có hiệu lực từ năm 2009.

Thương vụ Việt Nam tại Canada cũng khuyến cáo các DN xuất khẩu sang thị trường này cần lưu ý tuân thủ những qui định Luật về Dán nhãn và quảng cáo hàng dệt may và Luật Thuế hải quan. Ngoài ra, chất liệu sợi dùng trong quần áo trẻ em cần tuân thủ quy định về độ cháy. Thương vụ Việt Nam tại Canada cũng cho biết, nhà xuất khẩu và nhà nhập khẩu thường giao dịch dựa trên cơ sở mẫu hàng, do vậy các mẫu hàng cần phải tuân thủ đúng quy định và tiêu chuẩn của Canada về an toàn, độ bền, trọng lượng, chất liệu, chất lượng.

Điều đáng báo động là sau gần 3 năm gia nhập WTO, các DN Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế khi đối mặt với nguy cơ chống bán phá giá cũng như lúng túng, bị động với các rào cản về tiêu chuẩn hàng hoá (do không hiểu biết pháp luật quốc tế). VCCI khuyến cáo DN cần sớm trang bị kiến thức cơ bản về kiện chống bán phá giá, thường xuyên nắm bắt thông tin về khả năng bị kiện chống bán phá giá tại thị trường liên quan, từng bước chuẩn hoá hệ thống sổ sách kế toán, lưu giữ tất cả các dữ liệu có thể làm bằng chứng chứng minh không bán phá giá. Quan trọng hơn, các DN phải lưu ý đến các giải pháp thị trường nhằm tránh từ xa nguy cơ bị kiện. Chuyển dần từ cạnh tranh bằng giá sang cạnh tranh bằng chất lượng, đa dạng hoá sản phẩm và thị trường…

 (TTNN)

Nguồn:Vinanet