menu search
Đóng menu
Đóng

Doanh nghiệp cần chủ động trước các vụ kiện chống bán phá giá

09:34 08/06/2015
Để hạn chế thiệt hại của các vụ kiện chống bán phá giá từ các nước nhập khẩu, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) khuyến cáo các doanh nghiệp (DN) nên sử dụng hệ thống cảnh báo sớm các vụ kiện chống bán phá giá.

Để hạn chế thiệt hại của các vụ kiện chống bán phá giá từ các nước nhập khẩu, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) khuyến cáo các doanh nghiệp (DN) nên sử dụng hệ thống cảnh báo sớm các vụ kiện chống bán phá giá.

Các vụ kiện ngày càng phổ biến

Theo ông Trịnh Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương), trong xu hướng tự do hóa thương mại trên thế giới, với khoảng 300 FTA đã ký kết (từ năm 2002 đến nay là 119 FTA), những rào cản thuế quan không còn hữu hiệu thì việc các quốc gia, nhất là các nước phát triển sử dụng các vụ kiện phòng vệ thương mại (PVTM) là các biện pháp điển hình nhằm bảo hộ các ngành nghề sản xuất trong nước. Trong đó, các vụ kiện về chống bán phá giá là phổ biến.

Tuy nhiên, các vụ kiện chống bán phá giá sẽ ngày càng trở nên phức tạp hơn với các đặc điểm là: Hiệu ứng dây chuyền (một quốc gia kiện thì các quốc gia khác cũng kiện theo); thời gian áp thuế gần như vô thời hạn do liên tục gia hạn. Bên cạnh đó, xu hướng kiện đồng thời chống bán phá giá và chống trợ cấp cũng là xu hướng mới mà các DN cần lưu tâm.

Theo khuyến cáo từ Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương), nếu như trước kia chúng ta nghĩ rằng, chỉ có các DN lớn bị kiện thì ngày nay cũng như trong thời gian tới, các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) cũng có thể bị kiện, trong khi các DN này ít có sự chuẩn bị, cũng như có tiềm lực tài chính hạn chế không thể theo đuổi được các vụ kiện.

Điều này sẽ kéo theo một loạt các DN SMEs có cùng mặt hàng xuất khẩu như DN bị kiện bị ảnh hưởng theo. Từ đó gây thiệt hại rất lớn cho cộng đồng DN, nhất là trong bối cảnh có đến hơn 90% DN Việt Nam là các DN SMEs.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Hữu Trường Hưng, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) cho biết, trong xu hướng tương lai, các sản phẩm có giá trị thấp cũng là đối tượng bị điều tra; trong đó, thép và sợi vẫn sẽ là đối tượng bị điều tra nhiều nhất.

Các nước nhập khẩu hàng hóa cũng áp dụng phương pháp thị phần nhập khẩu cộng gộp trên 7% để khởi xướng điều tra các vụ kiện PVTM. Điều đó có nghĩa là mặc dù, các nước có thị phần hàng hóa tại nước nhập khẩu dưới 3% (theo quy định của WTO không bị khởi kiện) thì vẫn có thể bị kiện do bị cộng gộp với một số nước để vượt quá thị phần 7%.

Cùng với đó, để “lách” các cam kết trong WTO, các nước cũng sẽ có những điều chỉnh quy định, công thức tính toán biên độ bán phá giá nhằm gây khó khăn cho các nước xuất khẩu.

Cảnh báo sớm giúp DN chủ động trước các vụ kiện

Bà Phạm Châu Giang, Trưởng Phòng Điều tra vụ việc phòng vệ thương mại, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) cho biết, nhược điểm của DN Việt Nam thường mắc phải là bị động trước vụ kiện, không có thông tin và luật sư riêng am hiểu về luật pháp của nước sở tại. Bên cạnh đó, hệ thống kế toán khác biệt và vấn đề minh bạch sổ sách tài chính cũng là hạn chế khi các vụ kiện PVTM tiến hành điều tra.

Chia sẻ về điều này, bà Nguyễn Thị Ngọc Liên, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Thép Nam Kim, DN bị kiện thuế chống bán phá giá mặt hàng Tôn Kẽm tại Australia năm 2014 và bị kiện bán chống phá giá mặt hàng Tôn mạ màu tại Malaysia cho biết, để theo đuổi các vụ kiện này, DN đã tốn rất nhiều thời gian và công sức, các chi phí khởi kiện hoặc thuê luật sư tại nước sở tại là rất cao, thông tin thu thập cũng bị hạn chế.

Chính vì vậy, bà Giang khuyến nghị với DN xuất khẩu của Việt Nam cần phối hợp chặt chẽ với hiệp hội, doanh nghiệp thành viên (xây dựng, triển khai chiến lược ứng phó, trao đổi thông tin, hỗ trợ nhân lực...). Phối hợp với liên minh có cùng lợi ích với Việt Nam tại nước sở tại như các nhà nhập khẩu, người tiêu dùng (vận động hành lang, quan hệ công chúng…). Sử dụng chuyên gia tư vấn và các luật sư nắm rõ các quy định về pháp lý trong vụ kiện cũng rất quan trọng.

Điều quan trọng nữa là, các DN cần giữ liên lạc với các cơ quan Nhà nước để được hỗ trợ, nhất là quá trình Cảnh báo sớm và hỗ trợ trong quá trình kháng kiện.

Đặc biệt, hiện nay, Bộ Công Thương đã xây dựng Chương trình cảnh báo sớm hỗ trợ các DN xuất khẩu với 12 ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam nhằm dự báo trước các biến động thị trường, giúp các DN nhận biết và phòng tránh khả năng bị kiện chống bán phá giá. Đồng thời, thông qua chương trình này, các DN trong ngành sẽ tăng cường phối hợp, trao đổi thông tin để cùng hợp sức, chống lại các vụ kiện PVTM, mà phổ biến là các vụ kiện chống bán phá giá.

Nguồn: chinhphu.vn

Nguồn:Tin tham khảo