menu search
Đóng menu
Đóng

Những điều cần biết khi kinh doanh tại thị trường Cameroon

09:24 08/11/2012
 

1/ Khái quát

Cộng hoà Cameroon nằm ở khu vực Trung Phi, giữa Ghi-nê Xích đạo và Nigeria. Với diện tích 475.440 km2, Cameroon có thủ đô là Yaoundé, dân số 20.129.878 người (T7/2012). Tiếng Anh và tiếng Pháp là ngôn ngữ chính thức. Ngoài ra còn có các thứ tiếng bản địa. Đơn vị tiền tệ là đồng franc của Cộng đồng Kinh tế, Tiền tệ Trung Phi (CAF) với tỷ giá 1 USD= 506,04 CAF (7/2012).

Về tôn giáo, tín ngưỡng bản địa chiếm 40%, Thiên chúa giáo 40%, Đạo hồi 20%. Cameroon có khí hậu nhiệt đới ở vùng ven biển, nóng, ẩm ở vùng lục địa.

Về lịch sử, người Bồ Đào Nha có mặt tại Cameroon đầu tiên. Năm 1884, Đức bảo hộ Cameroon và đến năm 1914 thì chiếm toàn bộ nước này. Đại chiến Thế giới lần thứ I chấm dứt với thất bại của Đức và Cameroon được đặt dưới sự uỷ trị của Hội quốc liên (1919). Cameroon được chia làm hai phần: phần phía Đông đặt dưới sự giám hộ của Pháp, phần phía Tây đặt dưới sự giám hộ của Anh. Năm 1960, Cameroon thuộc Pháp giành độc lập và trở thành Cộng hòa Cameroon. Phần phía Nam, Cameroon thuộc Anh sáp nhập vào Cộng hòa Cameroon vào năm 1961.

Về chính trị, tháng 12/1990, quốc hội Cameroon thông qua việc chuyển tiếp sang chế độ đa đảng. Tháng 10/1992, cuộc bầu cử Tổng thống đa đảng đầu tiên được tổ chức, ông Paul Biya thắng cử Tổng thống. Ông Paul Biya sau đó tiếp tục giành chiến thắng trong các cuộc bầu cử Tổng thống các năm 1997, 2004, 2011. Đảng cầm quyền hiện nay là Liên minh dân chủ nhân dân Cameroon (RDPC).

Về đối ngoại, Cameroon là thành viên LHQ, Phong trào KLK, Liên minh châu Phi, Tổ chức Đại hội đồng các Quốc gia Hồi giáo, Cộng đồng Pháp ngữ, Khối thịnh vượng chung, WTO, Cộng đồng Kinh tế và Tiền tệ Trung Phi (CEMAC)...

Cameroon có quan hệ mật thiết với Pháp và phương Tây nhằm tranh thủ viện trợ và đầu tư.

2/ Hoạt động kinh tế thương mại

Cameroon là nền kinh tế lớn nhất khu vực Trung Phi, riêng GDP của nước này đã bằng 1 nửa tổng GDP của 6 nước thành viên Cộng đồng kinh tế và tiền tệ Trung Phi (CEMAC). Cameroon có nhiều tiềm năng xuất khẩu các mặt hàng cacao, chuối, cà phê, bông, mật ong, các sản phẩm lâm nghiệp, khai khoáng và dầu lửa.

Năm 2011, tổng sản phẩm quốc nội của Cameroon đạt 25,6 tỷ USD, tăng trưởng 4,1% so với năm 2010. GDP bình quân đầu người đạt khoảng 1.272 USD/năm. Tỷ lệ lạm phát được duy trì ở mức 2,9%.

Trong cơ cấu kinh tế, nông nghiệp đóng góp 19,5% GDP, công nghiệp 31% và dịch vụ 49,5%.

Về ngoại thương, năm 2011, Cameroon xuất khẩu 5,55 tỷ USD hàng hoá các loại, trong đó có dầu thô, các sản phẩm dầu lửa, hạt coca, nhôm, bông, cà phê, gỗ xẻ. Các đối tác xuất khẩu của Cameroon là Ý, Tây Ban Nha, Pháp, Hàn Quốc, Mỹ và Hà Lan.

Kim ngạch nhập khẩu năm 2011 của Cameroon đạt 6,1 tỷ USD với các mặt hàng chính là máy móc, thiết bị điện, xe cộ, xăng dầu và thực phẩm. Các bạn hàng nhập khẩu của Cameroon là Pháp, Nigeria, Trung Quốc, Mỹ và Bỉ.

Về chính sách ngoại thương, Cameroon là thành viên của Cộng đồng Kinh tế và Tiền tệ Trung Phi (CEMAC) gồm 6 quốc gia Gabon, CH Trung Phi, CH Congo, Chad, và Ghinê Xích đạo áp dụng một biểu thuế nhập khẩu ngoại khối chung với mức thuế trung bình là 18,4%. 4 loại thuế cơ bản gồm: 5% đối với hàng hoá thiết yếu; 10% đối với nguyên liệu thô và hàng hoá tạm nhập; 20% đối với hàng bán thành phẩm và 30% đối với hàng tiêu dùng. Ngoài ra còn có một số loại thuế đối với hàng hoá nhập khẩu đặc biệt tuỳ theo tính chất của hàng hoá, số lượng hàng và phương thức vận chuyển. Để tận thu thuế nhập khẩu, Chính phủ Cameroon đã thuê một công ty Thuỵ Sỹ phụ trách việc thu thuế. Các công ty xuất nhập khẩu phải đăng ký với Bộ Kinh tế và Tài chính và bảo đảm việc trả thuế trước khi đăng ký với Bộ Thương mại Cameroon.

3/ Quan hệ thương mại Việt Nam – Cameroon

Việt Nam và Cameroon có quan hệ từ khá sớm, hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao từ ngày 30 tháng 8 năm 1972. Hiện nay Đại sứ quán ta tại Algeria kiêm nhiệm Cameroon và Đại sứ quán Cameroon tại Trung Quốc kiêm nhiệm Việt Nam. Nhằm đẩy mạnh quan hệ hợp tác kinh tế thương mại với Cộng hòa Cameroon, tháng 8 năm 2011, Đoàn công tác của Bộ Công Thương do Thứ trưởng Lê Dương Quang dẫn đầu đã sang thăm và làm việc tại nước này. Tham gia đoàn có đại diện của Bộ Ngoại giao, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, một số doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực gạo, gỗ, điều, thương mại tổng hợp, chuyển giao công nghệ. Hai bên đã trao đổi dự thảo MOU về thương mại gạo nhằm tiến tới ký kết vào thời gian thích hợp.

 Cameroon là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam ở khu vực Trung Phi và là 1 trong 10 nước có trao đổi thương mại lớn nhất trong các nước châu Phi.

Năm 2011, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này đạt 78,93 triệu USD (tăng gấp đôi so với năm 2010) trong đó mặt hàng xuất khẩu chính là gạo (đạt 42,8 triệu USD), dệt may (24,5 triệu USD), hàng hải sản (4,5 triệu USD)... 6 tháng đầu năm 2012, kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt 21,24 triệu USD, giảm 46% với các mặt hàng chính là gạo và thủy sản.

Kim ngạch nhập khẩu từ Cameroon cũng không ngừng tăng, đặc biệt là mặt hàng gỗ nguyên liệu phục vụ sản xuất trong nước. Giá trị nhập khẩu từ Cameroon năm 2011 đạt 81,05 triệu USD trong đó các mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ chiếm 77,8 triệu USD, bông các loại 2,6 triệu USD. 6 tháng đầu năm 2012, kim ngạch nhập khẩu đạt 28,5 triệu USD chủ yếu là gỗ và bông các loại, giảm 30% so với cùng kỳ năm 2011.

3/ Triển vọng và tiềm năng thị trường

Về xuất khẩu

Gạo: Với dân số hơn 20 triệu người, nhu cầu tiêu thụ gạo của Cameroon vào khoảng 450.000 đến 500.000 tấn mỗi năm. Do sản xuất trong nước chưa đủ, hàng năm, Cameroon phải nhập khẩu 400.000 tấn gạo chủ yếu từ các quốc gia châu Á như Trung Quốc, Pakistan, Thái Lan, Ấn Độ và Việt Nam. Kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam sang Cameroon mấy năm gần đây tăng liên tục từ 23,5 triệu USD năm 2010 lên 42,8 triệu USD năm 2011.

Sản phẩm dệt may: Cũng là mặt hàng Việt Nam có kim ngạch xuất khẩu tăng nhanh từ 12.783 USD năm 2010 lên 24,5 triệu USD năm 2011. Ngoài phục vụ tiêu dùng trong nước, Cameroon còn nhập khẩu hàng dệt may để xuất khẩu sang các nước trong khu vực.  

Hàng hải sản: Đây là mặt hàng Việt Nam có nhiều triển vọng đẩy mạnh xuất khẩu sang Cameroon với kim ngạch tăng từ 2,5 triệu USD năm 2010 lên 4,5 triệu USD năm 2011. 

Nguyên phụ liệu thuốc lá: Cũng là mặt hàng có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao, từ 761.975 USD năm 2010 lên 3,66 triệu USD năm 2011.

Bên cạnh những sản phẩm trên thì phân bón, sản phẩm từ giấy, linh kiện phụ tùng xe đạp, xe máy, sản phẩm sắt thép... cũng là những mặt hàng Việt Nam có nhiều tiềm năng tăng kim ngạch xuất khẩu do nhu cầu của Cameroon liên tục tăng trong những năm gần đây.

Về nhập khẩu

Gỗ và sản phẩm gỗ: Cameroun là quốc gia có khối lượng gỗ lớn thứ hai châu Phi (sau CH Dân chủ Congo) với diện tích rừng 19.875.000 ha. Trong những năm gần đây, rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã sang tìm hiểu thị trường và mua những đơn hàng gỗ lớn từ Cameroon. Kim ngạch nhập khẩu gỗ của Việt Nam đã tăng rất mạnh từ 33.259 USD năm 2010 lên 77,8 triệu USD năm 2011 (chiếm 95% tổng giá trị nhập khẩu từ Cameroon).

Bông: Là mặt hàng nhập khẩu quan trọng thứ hai của Việt Nam từ Cameroon. Năm 2010, kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này lên tới 11,78 triệu USD. Năm 2011, giá trị nhập khẩu bông giảm xuống còn 2,67 triệu USD.

             Sắt thép phế liệu: Cũng là mặt hàng Việt Nam thường xuyên nhập khẩu Cameroon. Năm 2010, doanh nghiệp của ta đã mua từ thị trường này 3 triệu USD sắt thép phế liệu, mức cao nhất trong các năm trở lại đây.

            4/ Một số lưu ý khi giao dịch với đối tác Cameroon

            Vấn đề ngôn ngữ

Người dân Cameroon có thể sử dụng cả 2 ngôn ngữ tiếng Anh và tiếng Pháp. Khi giao dịch với các đối tác tại Cameroon, có thể thấy trên các giấy tờ chứng nhận đều được thể hiện song song bằng hai ngôn ngữ này. Đây là một điểm thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam trong việc giao dịch với các đối tác Cameroon

            Tiêu chuẩn, kiểm định dán nhãn và chứng nhận

            Một ủy ban thuộc Chính phủ về kiểm soát giá, trọng lượng và đo lường có trách nhiệm chính trong việc quản lý các tiêu chuẩn. Nhãn hàng hóa phải ghi bằng tiếng Anh và tiếng Pháp, nêu rõ nước xuất xứ, tên và địa chỉ của nhà sản xuất. Việc kiểm định trước khi vận chuyển có thể bao gồm cả việc kiểm tra chất lượng hàng hóa nhập khẩu vào Cameroon.

Hiện tượng lừa đảo tại Cameroon

Thời gian qua, đã có các doanh nghiệp trong nước nhận được qua mạng Internet những đề nghị mua, bán hàng hoặc ký hợp đồng giao dịch, hợp tác kinh doanh từ một số đối tượng lừa đảo tại Cameroon cũng như từ một số nước Tây Phi như Togo, Benin, Nigeria và Ghana.

            Hình thức lừa đảo phổ biến nhất là lừa đảo lệ phí trả trước, trong đó kẻ lừa đảo thường giả danh một doanh nghiệp nhập khẩu và đưa ra các giấy chứng nhận doanh nghiệp giả mạo (chẳng hạn có doanh nghiệp Cameroon gửi giấy chứng nhận kinh doanh có đóng dấu của Bộ Kinh tế - Thương mại Cameroon, thực tế Bộ này không tồn tại) hoặc đưa ra những địa chỉ doanh nghiệp khống mà khi cần các doanh nghiệp Việt Nam không thể liên hệ được. Họ thường đề nghị mua hàng với những hợp đồng giá trị lớn hàng chục triệu USD, điều kiện thanh toán dễ dàng sau đó đề nghị doanh nghiệp xuất khẩu trả một khoản lệ phí để xin giấy chứng nhận nhập khẩu hàng hoá hoặc phí đăng ký nhập khẩu vào nước sở tại... với giá trị vài nghìn đô-la Mỹ trả vào tài khoản do đối tác chỉ định.

Thời gian gần đây, còn xảy ra hiện tượng lừa đảo tiền đặt cọc hàng nhập khẩu qua mạng Internet. Các đối tượng này thường tiến hành việc chào hàng, ký hợp đồng bán hàng với điều kiện hấp dẫn và yêu cầu đặc cọc tối thiểu 10% bằng hình thức điện chuyển tiền (TT). Sau khi doanh nghiệp Việt Nam chuyển tiền để thực hiện hợp đồng, đối tượng chấm dứt mọi giao dịch, thông tin liên hệ, không thực hiện việc giao hàng như hợp đồng đã ký. Đã có doanh nghiệp Việt Nam bị lừa mất hàng chục ngàn USD.

Để hạn chế rủi ro, tránh tổn thất tài chính trong quá trình hợp tác kinh doanh, thực hiện hợp đồng XNK và có thể tìm kiếm được các đối tác thực sự tin cậy từ các nước Châu Phi, các DN cần lưu ý không tìm kiếm khách hàng qua mạng điện tử Internet.

Để tìm kiếm đối tác, doanh nghiệp nên tích cực tham gia các đoàn nghiên cứu thị trường, xúc tiến thương mại do Bộ Công Thương, VCCI và các cơ quan XTTM của Việt Nam tổ chức, tham dự các Hội chợ-triển lãm quốc tế hoặc qua người quen giới thiệu.

DN cần yêu cầu đối tác cung cấp đầy đủ Giấy phép kinh doanh, Thẻ XNK, địa chỉ ngân hàng nơi đối tác mở tài khoản và gửi cho Thương vụ Việt Nam tại Châu Phi hoặc gửi về Bộ Công Thương (Vụ Thị trường Châu Phi, Tây Á, Nam Á) để nhờ tư vấn.

Giải quyết tranh chấp tại Cameroon

            Việc giải quyết các tranh chấp thương mại tại tòa án Cameroon có chi phí cao và thủ tục phức tạp. Hơn nữa, trong trường hợp doanh nghiệp có được phán quyết có lợi của tòa án, việc bắt buộc bên thua kiện thực hiện các phán quyết của tòa án cũng còn nhiều bất cập.

 Thành lập công ty tại Cameroon

Thủ tục thành lập doanh nghiệp tại Cameroon tương đối dễ dàng. Để thành lập 1 công ty, các doanh nghiệp phải mất trung bình 19 ngày làm việc. Có 2 loại hình doanh nghiệp chính là Công ty trách nhiệm hữu hạn và Công ty cổ phần. Người nước ngoài có thể tham gia sở hữu 100% vốn doanh nghiệp.

Việc xin visa

Hiện nay, Việt Nam chưa có cơ quan đại diện ngoại giao tại Cameroon và ngược lại. Vì vậy, các doanh nghiệp Việt Nam muốn xin visa vào Cameroon phải xin tại đại sứ quán của nước này tại Trung Quốc hoặc một số nước khác. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng có thể xin visa tại sân bay nơi đến ở Cameroon với điều kiện Cơ quan phụ trách xuất nhập cảnh Cameroon gửi trước giấy phép đồng ý cho nhập cảnh vào nước này. Lưu ý: Chỉ khi đến nơi, người xin visa mới phải nộp lệ phí cho Hải quan cửa khẩu./.

Nguồn:Tin tham khảo