menu search
Đóng menu
Đóng

Xây dựng chiến lược xuất khẩu cho vải thiều

15:32 15/06/2009
Theo Thời báo Kinh tế Việt Nam, hiện Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất vải thiều của tỉnh Bắc Giang. Theo thống kê của Sở Công thương tỉnh Bắc Giang, năm 2008, lượng vải thiều tươi xuất khẩu sang thị trường TrungQuốc đạt khoảng 36 nghìn tấn, bằng 90% tổng sản lượng vải htiều xuất khẩu toàn tỉnh. Chủ yếu là xuất khẩu tiểu ngạch qua cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) và Hà Khẩu (Lào Cai).

Vào vụ thu hoạch, vải thiều được tập kết số lượng lớn tại các cửa khẩu này chờ thương nhân Trung quốc sang xem hàng, trả giá và làm thủ tục nhập khẩu. Với chính sách biên mậu đã ký giữa hai nước Việt-Trung, việc kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật  kha thông thoáng, thuế suất nhập khẩu bằng 0% tạo điều kiện thuận lợi cho vải thiều Việt Nam xâm nhập thị trường Trung quốc.

Thế nhưng, theo nhiều chủ vườn, áp lực của hình thức tiêu thụ này không hề nhỏ bởi với số lượng lớn, thời gian tiêu thụ ngắn và sự liên kết chặt chẽ của thương nhân Trung quốc nên việc ép cấp, ép giá đối với vải thiều khó tránh khỏi.

Ngoài quả vải tươi, vải thiều được xuất khẩu sang các nước khác dưới các dạng chế biến thành cùi vải đông lạnh, đóng hộp, nước ép vải,… nhưng số lượng không nhiều.

Hiện nay, doanh nghiệp chế biến vải thiều lớn nhất Bắc Giang là Cty Cổ phần thực phẩm XK Bắc Giang năm 2008 cũng chỉ chế biến được khoảng 2.000 tấn, không đáng kể nếu so với sản lượng vải thiều vải thiều toàn tỉnh. Tại tỉnh Bắc Giang có hơn 3.000 lò sấy vải, lượng vải khô chiếm 30-35% tổng sản lượng hàng năm. Nhưng năm 2009 do mất mùa, vải sấy khô giảm, chỉ còn hơn 10% tổng sản lượng nên vải tươi được tiêu thụ gần hết. vải thiều sấy khô của Bắc Giang cũng chủ yếu xúât khẩu vào Trung Quốc theo hình thức tiểu ngạch, hãn hữu mới xuất chính ngạch.

Nguyên nhân chính là do chất lượng vải chưa được cải thiện nhiều để đáp ứng tiêu chuẩn nhập chính ngạch. Phần nữa là do thương nhân hai nước đã quen với hình thức xuất-nhập tiểu ngạch. Nhưng lý do quan trọng hơn là các thủ tục hành chính, nhất là việc kiểm định về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, yêu cầu về xuất xứ hàng hoá (C/O) rất nghiêm ngặt khiến vải thiều khó có thể xuất khẩu theo đường này.

Thời gian gần đây, huyện Lục Ngạn đã phối hợp cùng với một số cơ quan chức năng trong và ngoài tỉnh xây dựng vùng vải thiều an toàn với quy mô hơn 2,5 nghìn ha theo tiêu chuẩn ViệtGAP. Đây là bước ngoặt quan trọng để từng bước nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của vải thiều trên thị trường.

Tuy nhiên, hiện nay đa số người dân trồng, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản bằng kinh nghiệm, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không theo quy trình, miễn sao bảo vệ được quả vải cho đến khi thu hoạch nên sản phẩm thường có mẫu mã không đồng đều, chất lượng thấp, gây khó cho xuất khẩu.

Ngoài ra, theo cảnh báo của nhiều thương nhân, lãnh đạo các doanh nghiệp thì vải thiều Việt Nam tuy lợi thế về độ đường lớn, hạt nhỏ, cùi dày, nhưng đang phải chịu sức ép cạnh tranh từ vải thiều chất lượng cao của một số nước như Trung Quốc, Mexico… Tức là để cạnh tranh được, cần xây dựng một chiến lược toàn diện từ sản xuất, tiêu chuẩn sản phẩm đến định hướng thị trường xúât khẩu cho sản phẩm.

Để mở rộng thị trường xuất khẩu vải thiều, các địa phương cần quy hoạch lại vùng vải thiều, cải tạo vùng vải hiện có, lựa chọn khu vực có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp để đầu tư chiều sâu và từng bước đáp ứng các tiêu chuẩn cho xuất khẩu. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp cần phối  hợp với các cơ quan chuyên môn đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn nâng cao nhận thức để người trồng vải thực hiện quy định về chăm sóc, bảo quản vải thiều đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu; đẩy mạnh sản xuất vải thiều an toàn theo tiêu chuẩn ViệtGAP và nghiên cứu để có thể áp dụng các tiêu chuẩn cao hơn trong sản xuất.

 

 

Nguồn:Vinanet